Một góc khuôn viên nhà máy của Đạm Ninh Bình - Ảnh: Đức Minh |
Mặc dù có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ “trả nợ thay” trong khi không đưa ra được phương án để tái cơ cấu hoạt động cho hiệu quả.
Vay 250 triệu USD
Theo các thông tin, khoản vay để đầu tư dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD trong thời hạn 15 năm.
Tính đến 31-3-2017 dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD, đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền là 87,5 triệu USD.
Theo phương án đề xuất của Vinachem, tập đoàn này sẽ chỉ trả nợ lãi và phí, còn Chính phủ sẽ trả khoản nợ gốc 125 triệu USD trong 5 năm tới, bắt đầu từ 21-7-2017 đến 21-1-2022.
Nghĩa là từ năm 2017 đến năm 2022 ngân sách Nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem tương ứng số tiền trên.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định hiện nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ rất hạn chế, hiện đang phải trả nợ thay cho nhiều dự án, doanh nghiệp gặp khó khăn như Giấy Phương Nam, Vinashin… nên quỹ không còn nguồn để hỗ trợ của Vinachem và Đạm Ninh Bình.
Điều đáng chú ý theo Bộ Tài chính, các báo cáo của Vinachem chỉ tập trung đánh giá tình hình khó khăn của đạm Ninh Bình, nhưng cả Bộ Công Thương và Vinachem đều chưa có đề xuất giải pháp tái cơ cấu tài chính Vinachem và đạm Ninh Bình.
Bộ Tài chính tính toán tổng doanh thu và chi phí sản xuất kinh doanh trước khi trích lập dự phòng và phân chia lợi nhuận của cả tập đoàn giai đoạn 2017 - 2021, Vinachem vẫn có khả năng cân đối nguồn trả nợ gốc cho khoản vay China Eximbank và Đạm Ninh Bình.
Đặc biệt, khi tiến hành thoái vốn ở một số công ty thì Vinachem sẽ có thêm nguồn để trả nợ.
Không phù hợp
Do đó, việc Vinachem tiếp tục dự kiến trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình các khoản vay của ngân hàng trong nước nhưng lại đề xuất hoãn, giãn nợ vay Chính phủ theo Bộ Tài chính là không phù hợp.
Việc trả nợ với khoản vay đối với Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc cần được ưu tiên hàng đầu và Vinachem cần tập trung toàn bộ nguồn lực để trả nợ khoản vay này.
“Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ không đặt vấn đề giãn, hoãn nợ với phía Ngân hàng Trung Quốc vì sẽ gây ảnh hưởng uy tín của Chính phủ, đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Đồng thời Bộ Tài chính cũng kiến nghị cần yêu cầu Vinachem tập trung nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay nước ngoài dự án đạm Ninh Bình, làm việc với các tổ chức tín dụng để hoãn, giãn nợ vay trong nước.
Song song với đó, Vinachem cần báo cáo đầy đủ lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và sử dụng các nguồn lực này để cân đối nguồn trả nợ cho dự án, cũng như đưa ra các phương án và giải pháp tổng thể để tái cơ cấu, xử lý triệt để các tồn tại của Vinachem và dự án.
Doanh nghiệp không trả nợ, Chính phủ phải trả Các công văn của Bộ Công Thương và Vinachem đều chủ yếu đề xuất khoanh nợ mà không báo cáo đầy đủ tình hình tài chính của Tập đoàn và Công ty Đạm Ninh Bình. Theo Vinachem, trong 5 năm tới dòng tiền của Đạm Ninh Bình vẫn âm và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Vinachem để trả nợ. Lợi nhuận trong năm 2016 của công ty sụt giảm chủ yếu do doanh thu bán hàng giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Công ty cũng chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp, giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh tài chính khó khăn hiện nay, dẫn tới kết quả kinh doanh năm 2016 lỗ 1.132 tỉ đồng. Với tình hình khó khăn, lỗ lũy kế lớn, nên khả năng trả nợ của Đạm Ninh Bình bị hạn chế. Trong khi đó, tình hình tài chính của Vinachem cũng bị ảnh hưởng do các sản phẩm chiếm tỉ trọng lớn là phân đạm, phân DAP gặp khó khăn. Năm 2016 Vinachem lỗ 895 tỉ đồng, chủ yếu do giá vốn bán hàng và dịch vụ cung cấp, lãi vay tăng, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả do chỉ tiêu sinh lời năm 2016 sụt giảm. Điều này khiến cho Vinachem gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn. Bộ Tài chính cho biết, khi trao đổi với China Eximbank thì phía Trung Quốc cho biết không có chính sách hỗ trợ cho dự án sử dụng vốn vay gặp khó khăn. Vì vậy, người chịu trách nhiệm trả nợ trong mọi trường hợp không phải là doanh nghiệp mà là Chính phủ, nên về nguyên tắc khoản vay chỉ được xem xét xử lý khó khăn nếu Chính phủ nước vay gặp khó khăn về tài chính và không thể trả nợ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận