21/11/2012 08:23 GMT+7

Lo ngại về tình trạng phát triển thủy điện

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 20-11, Quốc hội đã biểu quyết lần lượt thông qua sáu đạo luật gồm: Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế

EMl88wDU.jpgPhóng to

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận về Luật khoa học - công nghệ - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủy điện phải an toàn

Trước khi thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng phát triển thủy điện hiện nay là xác đáng. “Thực tế thời gian qua có nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng phát triển thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, vì có nhiều bất cập, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ du” - văn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Theo đó, luật đã được thông qua với việc bổ sung quy định về an toàn đập, hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện; trách nhiệm xử lý, quản lý các công trình thủy điện khi kết thúc sử dụng.

“Hồ chứa nước, đập thủy điện và các công trình phụ trợ phục vụ nhà máy thủy điện phải được xây dựng, quản lý, bảo vệ bảo đảm an toàn vận hành nhà máy điện và vùng hạ du”. Luật cũng ghi rõ: “Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực phải được xử lý, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của Chính phủ”.

Chưa cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân

Tuy có một số ý kiến đề nghị cho phép tư nhân tham gia thành lập nhà xuất bản và quy định vào Luật xuất bản (sửa đổi) nhưng Quốc hội đã không đồng tình. “Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa - tư tưởng của xuất bản phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản” - văn bản giải trình viết.

Tại luật này, Quốc hội cho phép đối tác liên kết được quyền khai thác và biên tập sơ bộ bản thảo khi đủ điều kiện về năng lực; quy định rõ vai trò của nhà xuất bản trong việc hoàn chỉnh biên tập và quyết định xuất bản, chịu trách nhiệm toàn diện về xuất bản phẩm; không cho phép liên kết đối với các xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký.

Làm rõ trường hợp được ân hạn thuế

Quốc hội đã quyết định giữ quy định hiện hành trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế về ân hạn đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng có phân loại doanh nghiệp để áp dụng ân hạn.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là 275 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ VN; có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê; thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn; doanh nghiệp phải trả lãi cho khoản tiền thuế chậm nộp.

* Trước khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư, nhiều ý kiến đề nghị cho phép giảng viên luật được tham gia hành nghề luật sư nhưng không được Quốc hội chấp thuận khi có 66,71% số đại biểu Quốc hội không đồng tình. Những nội dung khác đáng chú ý trong luật này là việc quy định thẻ luật sư có giá trị không thời hạn; duy trì quy định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

* Luật dự trữ quốc gia được thông qua với quy định mục tiêu “Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh”.

* Luật hợp tác xã (sửa đổi) được thông qua quy định rõ bản chất của hợp tác xã như: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”; “Khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp”.

Cần chính sách mạnh cho khoa học - công nghệ

Chiều 20-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Tất cả ý kiến đều đồng thuận việc xác định lĩnh vực này là “quốc sách hàng đầu”. Song cũng có không ít ý kiến băn khoăn khi lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN) của nước nhà chưa đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tế.

Theo đại biểu (ĐB) Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM), dự thảo luật còn nặng về việc cấp phát và quản lý nguồn ngân sách nhà nước cho tổ chức KHCN công lập. Dự thảo luật chưa bật lên những cơ chế chính sách đủ mạnh để có thể hút các nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này, trong khi đây là một trong những mục đích lớn nhất khi đặt vấn đề sửa đổi luật.

ĐB Trang cho rằng để có thể hút các nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nói trên, cần giải bài toán thị trường KHCN. “Chính sách của Nhà nước đối với thị trường KHCN phải nghiêng về “trọng cầu”, không nên nghiêng về “trọng cung” như lâu nay đã làm” - ĐB Trang nói. Theo đó, dự thảo luật cần đưa ra những chính sách mạnh hơn nữa để chính các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế tự thực hiện nghiên cứu hoặc đặt hàng các tổ chức KHCN nghiên cứu.

Tự giới thiệu mình có 36 năm trong “nghề làm khoa học”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tự hỏi: “Tại sao một đất nước có đội ngũ KHCN như vậy mà 20 năm rồi quá trình công nghiệp hóa VN vẫn triền miên ở giai đoạn 1 của bốn giai đoạn, tức vẫn nhập nhiều công nghệ, gia công cho nước ngoài...?”. Theo ông Lịch, “vấn đề cần giải quyết là phải có chính sách huy động cả xã hội đi vào KHCN, chứ không phải bàn cách chia 2% ngân sách nhà nước dành cho KHCN”.

Dự thảo luật được ghi nhận đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh cơ chế khoán chi, nhằm giúp các nhà khoa học “tránh nói dối” về chứng từ thanh toán chi phí như đã bị kêu ca lâu nay. Tuy nhiên, dự thảo luật lại gây băn khoăn khi ràng buộc việc khoán chi phải “có định mức kinh tế kỹ thuật” sẽ tiếp tục “trói chân” các nhà khoa học.

Tại thảo luận, nhiều ý kiến đặt yêu cầu dự thảo luật phải đưa ra các quy định để khắc phục bức xúc triền miên là nhiều kết quả nghiên cứu chưa rõ hiệu quả hay tình trạng nằm bất động trong ngăn kéo, thư viện... sau khi được nghiệm thu, quyết toán chi phí. Các ý kiến còn đặt vấn đề gay gắt với tình trạng sao chép, đưa số liệu không trung thực trong nghiên cứu khoa học nổi lên gần đây, làm méo mó bản chất và yêu cầu số một của lĩnh vực này là phải trung thực.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp