07/06/2018 12:49 GMT+7

Lo ngại luật cho toà án nước ngoài vào xử tranh chấp trong đặc khu

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Dự thảo Luật Đặc khu đang chờ quốc hội thông qua. Điều 7 dự thảo luật này quy định "giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh" đang đưa đến nhiều lo ngại về việc trao quyền tài phán cho tòa án nước ngoài.

Lo ngại luật cho toà án nước ngoài vào xử tranh chấp trong đặc khu - Ảnh 1.

Khu vực cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh, nơi đây sẽ có các dự án khu đô thị thông minh, hiện đại xây dựng sát bên bờ cảng, nhìn ra biển - Ảnh: NGỌC QUANG

Khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt Luật Đặc khu) quy định:

"Ngoài các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này, tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài còn có thể được giải quyết tại Tòa án nước ngoài, trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Điều khoản trên làm cho người dân và một số chuyên gia lo ngại rằng quy định này có thể cho phép tòa án nước ngoài nhảy vào đặc khu để xét xử cả các vấn đề về đất đai, thương mại hoặc gây thiệt thòi cho phía Việt Nam. 

Các chuyên gia, nhà làm luật, luật sư… nói gì về điều này?

Cần làm kỹ để tránh thiệt thòi cho Việt Nam

Tiến sĩ Trần Thăng Long - phó trưởng khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường đại học Luật TP.HCM - cho rằng trong tư pháp quốc tế, tòa án nước ngoài cũng có thể xét xử một tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài nếu có quy định trong điều ước quốc tế hoặc các bên lựa chọn. 

Ở đây, "tòa án nước ngoài" không nên hiểu là tòa án nước ngoài đi sang một nước khác để xét xử.

Mặc dù vậy, khoản 3 Điều 7 của dự thảo rất cần được thảo luận và quy định kỹ lưỡng việc giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư tại đặc khu để loại trừ khả năng gây thiệt thòi lớn cho phía Việt Nam. 

Sau nữa, nếu bản án của tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật thì sẽ cần phải trải qua thủ tục công nhận và thi hành tại Việt Nam ra sao?

Theo ông Long, thẩm quyền xét xử của tòa án quốc gia thể hiện chủ quyền quốc gia nhưng trong quan hệ kinh doanh, thương mại với xu thế hội nhập thì việc giải quyết tranh chấp bởi một tòa án nước ngoài không phải là quá hiếm hoi. 

"Thông thường tòa án một quốc gia khác có thể phân xử vụ việc nếu các bên có yếu tố nước ngoài chấp nhận bằng hợp đồng, hiệp định chứ không thể mặc nhiên được xét xử"- ông Long nói.

Ngoài ra khoản 3 Điều 7 cần phải quy định rõ khi nào tòa án nước ngoài có quyền xét xử và trường hợp nào không thuộc thẩm quyền của tòa án nước ngoài, để đảm bảo tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Ông Long cũng cho rằng dự thảo khoản 2 điều luật này cũng khác với quy định của khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư 2014. 

Theo đó, tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được giải quyết bởi: Tòa án VN, trọng tài VN, trọng tài nước ngoài, trọng tài quốc tế, trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập. 

Cho nên, đối với dự luật này, trong các cơ quan giải quyết tranh chấp, tòa án và trọng tài Việt Nam nên được đề cập đầu tiên.

Luật sư Trương Thanh Đức - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - thì cho rằng lẽ ra phải xây dựng một bộ luật liên quan đến các tranh chấp quốc tế nhưng do chưa xây dựng được nên quy định rải rác trong các bộ luật, luật và các điều ước quốc tế được ký kết giữa Việt Nam và các nước.

Quy định tại Điều 7 dự thảo Luật Đặc khu không có gì đáng ngại, bởi từ lâu các quan hệ thương mại quốc tế đều do hai bên lựa chọn cơ quan tài phán. Việc này được thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên. Nếu thống nhất việc chọn một tòa án nước ngoài thì các bên đưa nhau ra tòa nước ngoài xử chứ không phải tòa án nước ngoài xử trong lãnh thổ Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức

Lo ngại luật cho toà án nước ngoài vào xử tranh chấp trong đặc khu - Ảnh 3.

Một phần khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc - Ảnh: ĐINH QUANG THIỀU

Bộ luật Dân sự quy định rồi!

PGS.TS Đỗ Văn Đại - trưởng khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật TPHCM - hơi băn khoăn về điều khoản này nhưng cơ bản ông Đại cho rằng nó không khác mấy so với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Cụ thể, Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định khả năng giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài khi "các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài". 

Trong khi đó dự thảo Luật Đặc khu cho phép tòa án nước ngoài giải quyết khi tranh chấp khi "có ít nhất" một bên là nhà đầu tư nước ngoài.

Giữ nguyên quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức nói "đừng lo lắng quá!".  Bởi các nhà đầu tư nước ngoài, pháp nhân nước ngoài được quyền lựa chọn cơ quan tài phán là tòa nước ngoài nhưng nếu phía Việt Nam không chọn thì không ký được hợp đồng, còn đã ký hợp đồng thì phải chấp nhận thỏa thuận. 

"Thỏa thuận đó có thể là chọn giải quyết tại tòa Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, Anh... Nhưng thực tế chả thấy pháp nhân nào chọn tòa án Trung Quốc mà thường chọn tòa án Singapore hoặc Anh" - ông Đức nói.

Phải loại bỏ tranh chấp đất đai

Đồng ý rằng trong tranh chấp thương mại quốc tế các bên có quyền lựa chọn tòa nước ngoài để xét xử nhưng ông Đỗ Văn Đại cho rằng hiện dự thảo luật có những quy định chưa rõ ràng tạo ra sự mập mờ nếu được thông qua. 

Cụ thể, cần làm rõ tranh chấp "liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu" là những loại tranh chấp nào, có bao gồm cả tranh chấp đất đai hay không. Bởi tại điểm a, khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp đất đai luôn là thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Nhưng nếu dự thảo luật không quy định rõ thì dễ dẫn đến hiểu lầm.

Lo ngại luật cho toà án nước ngoài vào xử tranh chấp trong đặc khu - Ảnh 4.

Công trình nhà ga sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đang được gấp rút xây dựng - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Về khả năng tòa án nước ngoài xét xử cả các vấn đề đất đai hay không thì quy định trong Dự thảo chưa rõ. Ở đây, tranh chấp được giải quyết tại tòa án nước ngoài là tranh chấp "liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu" trong khi đó nội hàm này chưa rõ có bao gồm cả các vấn đề về đất đai hay không?

PGS.TS Đỗ Văn Đại

Còn tiến sĩ Trần Thăng Long thì cho rằng những gì đã được quy định trong luật Việt Nam lâu nay thì cứ thế áp dụng. Riêng với trường hợp đặc khu, vì tính chất quan trọng của nó nên cần có quy định rõ ràng và chặt chẽ. 

Nếu quy định việc chọn tòa nước ngoài giải quyết như dự thảo luật thì phải quy định rõ trường hợp nào được chọn tòa án nước ngoài, trường hợp nào phải do tòa án Việt Nam xét xử. 

Dự luật chỉ quy định "trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì sẽ phải do tòa án Việt Nam xét xử" dễ dẫn đến tranh cãi về sau.

Hiện nay theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Điều 470) thì vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền tài sản là bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam. 

Tuy nhiên, đối với các đặc khu, thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam là những loại vụ việc cụ thể gì cần phải xác định rõ.

Thêm nữa, luật này cũng phải quy định rõ về cơ chế công nhận hoặc không công nhận phán quyết của tòa án nước ngoài, chứ không nên quy định chung là "phải phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, điều ước quốc tế" vì đây là trường hợp rất đặc biệt. 

"Thực tế thì trước nay tòa án Việt Nam thường công nhận quyết định của trọng tài, còn việc công nhận bản án từ nước ngoài thì khá hạn hữu" - ông Long nói.

Điều đáng lưu ý là việc công nhận và cho thi hành bản án, phán quyết của tòa án nước ngoài được thực hiện khi có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước liên quan (hiệp định tương trợ về tư pháp) có quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành hoặc trên cơ sở có đi có lại. 

Ví dụ, Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 1998, tại Điều 15 quy định việc các bên sẽ công nhận và cho thi hành trên lãnh thổ nước mình các quyết định của toà án, bao gồm bản án, phán quyết, biên bản hòa giải…. về các vấn đề dân sự và về việc bồi thường thiệt hại dân sự trong bản án hình sự; và các quyết định của trọng tài. 

Tuy nhiên, việc này cũng phải tuân thủ những điều kiện theo luật và tòa án Việt Nam có quyền từ chối công nhận và cho thi hành những bản án, quyết định này theo quy định tại Điều 17 của Hiệp định.

Thủ tướng khẳng định sẽ điều chỉnh thời hạn cho thuê đất đặc khu

TTO - Trả lời Tuổi Trẻ Online cách đây ít phút bên hành lang Quốc hội sáng 7-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định phải điều chỉnh vấn đề thời gian cho thuê đất một cách hợp lý.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp