Trung tâm Hòa Bình mới cần có thiết kế cảnh quan hài hòa với hồ Xuân Hương -Ảnh: flycam Dương Thành Nam
Theo ông Lê Quang Trung - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, dự tính tổng mức đầu tư dự án xây dựng trung tâm Hòa Bình là trên 3.000 tỉ đồng.
Trong diện tích 30ha được quy hoạch theo đồ án, sẽ giao khoảng 6ha (khu vực rạp Hòa Bình) để Công ty cổ phần địa ốc Đại Quang Minh đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại hiện đại.
Mang tầm cỡ... quốc tế
Theo dự kiến, cuối tháng 1-2018, "Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị - tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng" sẽ được phê duyệt xong và sau đó tiến hành công tác giải tỏa, xây dựng một trung tâm mới gần như hoàn toàn.
Theo ông Trung, khu Hòa Bình được xác định là khu đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Khu Hòa Bình lâu nay được xem là trung tâm của Đà Lạt (nơi đây có rạp hát Hòa Bình, chợ Đà Lạt, giáp hồ Xuân Hương và khu đồi dinh tỉnh trưởng cũ), được xây dựng từ trước giải phóng, hiện nay đã xuống cấp và không được ngăn nắp, gọn gàng.
Xét về thực tế, khu trung tâm này chưa đạt được tầm vóc tương xứng của nó về các yếu tố lịch sử, văn hóa và du lịch.
Theo quy hoạch, khu Hòa Bình sẽ được xây dựng thành một khu trung tâm thương mại có khách sạn 5 sao, có các khu dân cư chỉnh trang và một không gian công cộng từ trung tâm Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt đến đường Lê Thị Hồng Gấm, từ phía trước chợ trải dài đến bùng binh cầu Ông Đạo.
Trước lo ngại công trình hiện đại sẽ làm mất cây xanh - một đặc thù của Đà Lạt, ông Trung trấn an: "Ý tưởng chủ đạo của quy hoạch tổng thể TP Đà Lạt mới là rừng trong TP - TP trong rừng. Do đó, bằng mọi cách phải đảm bảo được mật độ cây xanh, hiện trạng là chỉ tăng lên chứ không thể giảm xuống.
Bên cạnh đó, quy hoạch mới sẽ khống chế chiều cao các tòa nhà tại khu trung tâm này, tất cả đều không được vượt quá 5 tầng. Tất cả các khu vực đã có cây xanh vẫn đảm bảo giữ lại tuyệt đối. Đặc biệt, khi làm quy hoạch này chúng tôi cũng đã gắn với hồ Xuân Hương.
Tại đây, các khu vực dân cư ở đường Phan Bội Châu, giáp với chợ sẽ giải tỏa để trồng cây xanh đô thị và hoa, hay là khách sạn Hải Sơn cũng sẽ giải tỏa, tất cả công trình trước chợ sẽ giải tỏa, thay thế bằng không gian hoa, không gian công cộng có hoa, cây xanh, thảm cỏ, giảm mật độ xây dựng toàn khu, không cất thêm công trình".
Trong khi đó, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), quy hoạch TP Đà Lạt mới phải xác định không gian chính của khu trung tâm không phải là công trình, mà là không gian xanh, mặt nước.
"Cần chú trọng bảo vệ và nâng cao giá trị không gian xanh mặt nước như là bước đầu tiên và là yếu tố chủ đạo quan trọng hàng đầu trong quy hoạch khu trung tâm. Không gian xanh mặt nước của hồ Xuân Hương và lân cận là trọng tâm của phân khu trung tâm, chứ không phải là công trình" - KTS Sơn cho biết.
Như vậy, khác với việc quy hoạch các đô thị thường khác, trung tâm của đô thị nghỉ dưỡng lãng mạn Đà Lạt không nên là những công trình cao tầng, mà là không gian xanh mặt nước.
Nói cách khác, quy hoạch lại trung tâm của phân khu trung tâm phải khởi đầu từ không gian xanh lan ra xung quanh.
"...Phải thấp thoáng trong dải rừng thông"
KTS Trần Đức Lộc, nguyên trưởng phòng quy hoạch kiến trúc Sở Xây dựng Lâm Đồng, cho rằng: định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12-5-2014 - gọi tắt là quy hoạch chung 704) là một đồ án được Bộ Xây dựng đánh giá cao (tại hội nghị thẩm định đồ án ở Hà Nội, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt): "Có hàm lượng tri thức tốt nhờ tích hợp nhiều đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học giỏi trong nước và các chuyên gia Pháp tham gia lập ý tưởng...".
Do vậy, việc triển khai đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - một trong các khu trung tâm chức năng khác của TP Đà Lạt - là điều cần thiết và tất yếu.
"Đối với khu trung tâm Hòa Bình và chợ Đà Lạt (nói riêng) - cũng như các khu chức năng đặc thù khác của TP Đà Lạt và vùng phụ cận (nói chung) - phải cảm nhận được "hồn đô thị" từ phác thảo mô hình của phương án quy hoạch và nhận diện được hình thái kiến trúc từ các công trình điểm nhấn, tạo nên bộ mặt đô thị "khu trung tâm lịch sử" của TP Đà Lạt tương lai, mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Tây.
Hình ảnh đô thị mới của khu trung tâm TP Đà Lạt làm cho nhân dân và du khách thấy được sự tiếp nối từ ký ức một thời của "Đà Lạt xưa" và sự trưởng thành, phát triển của một "Đà Lạt mới" - mang dáng dấp một "kinh đô Paris thu nhỏ" (Petite Paris) tại VN.
TP Đà Lạt phải chọn kinh tế du lịch làm động lực phát triển đô thị (và ngược lại), hướng tới xây dựng TP ngang tầm với một số TP du lịch nổi tiếng trong khu vực châu Á và châu Âu..." - ông Lộc phân tích.
Theo ông Lộc, về định hướng và giải pháp kỹ thuật của đồ án phải đặt mục tiêu, tầm nhìn cho Đà Lạt là "TP di sản kiến trúc đô thị - kiểu Pháp"; một "TP phong cảnh" với không gian cảnh quan đô thị thoáng đãng, tích hợp được các yếu tố: rừng thông, mặt nước, cây xanh, công viên mở và tầm nhìn (view) trong lòng đô thị.
Giải pháp quy hoạch cần chú trọng tỉ lệ đất "công viên - cây xanh - mặt nước", trong đó xem cây thông là "cây xanh đô thị đặc thù" và dãy đất sản xuất nông nghiệp sạch ven thung lũng là hai thành phần chủ đạo, tạo nên không gian xanh độc đáo của TP Đà Lạt.
Nghe công trình hiện đại là giật mình
Ông Huỳnh Quốc - du khách yêu Đà Lạt - cho rằng chuyện nhãn tiền là cụm công trình trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, một khối công trình bêtông đồ sộ trị giá hàng nghìn tỉ đồng, rất chướng mắt vì xa lạ với không gian Đà Lạt.
"Giờ nghe khu Hòa Bình sẽ xây dựng thành trung tâm thương mại - dịch vụ phức hợp hiện đại nữa. Mới nghe đã giật mình" - ông Quốc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận