08/12/2017 10:00 GMT+7

'Lò lửa' Trung Đông bùng phát vì Jerusalem

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Như đã dự báo, “quả bom” Jerusalem mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ném xuống Trung Đông ngày 7-12 (giờ Việt Nam), đã lập tức “nhấn chìm” khu vực trong biển lửa giận dữ và phản đối.

Lò lửa Trung Đông bùng phát vì Jerusalem - Ảnh 1.

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv sẽ được chuyển về Jerusalem theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump - Ảnh: N.HUY

Bất chấp các cảnh báo, thậm chí đe dọa, của các nước, ông Trump quyết định giữ lời hứa tranh cử của ông khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

"Cách tiếp cận mới"

"Israel là một quốc gia có chủ quyền, có quyền như mọi quốc gia khác là xác định thủ đô của mình. Đây là lúc để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel" - Hãng tin AFP dẫn tuyên bố "lịch sử" của ông Trump. Ông cho biết đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ "bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem".

Theo ông Trump, quyết định này sẽ có lợi nhất cho lợi ích của nước Mỹ cũng như tiến trình hòa bình. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel nằm trong cam kết tranh cử tổng thống của ông Trump trước đây.

"Tuyên bố của tôi hôm nay đánh dấu việc bắt đầu một cách tiếp cận mới đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine" - ông Trump giải thích. Tuy nhiên, ông khẳng định việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine và Washington không nghiêng về bên nào trong các vấn đề như biên giới chủ quyền của Israel tại Jerusalem.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi hành động "lịch sử" của ông Trump. "Jerusalem là trọng tâm của những giấc mơ, hi vọng và nguyện cầu của chúng tôi" - ông nói và cho biết nước này sẽ tiếp xúc với bất cứ nước nào muốn noi theo Mỹ.

Truyền thông Israel đưa tin các lãnh đạo Philippines và CH Czech cũng muốn dời đại sứ quán tại Israel đến Jerusalem. Tờ Times of Israel dẫn tuyên bố ngoại giao CH Czech cho biết Prague công nhận Tây Jerusalem trước năm 1967 là thủ đô của Israel và sẽ dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến đây, sau khi trao đổi với các bên.

Làn sóng phản đối

Quyết định của ông Trump đã tặng một giáng sinh buồn cho người Palestine. Tổng thống Palestine chỉ trích động thái trên đi ngược với thỏa thuận giữa Palestine với Israel và tuyên bố Mỹ không còn là một bên trung gian trong tiến trình hòa bình. "Việc này sẽ giúp các tổ chức cực đoan thực hiện chiến tranh tôn giáo có thể gây nguy hiểm cho cả khu vực đang trải qua những thời khắc quan trọng và đẩy chúng tôi vào những cuộc chiến không bao giờ kết thúc" - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo.

Trong ngày 7-12, nhóm Hồi giáo Hamas đã kêu gọi nổi dậy chống lại Israel và cho biết ông Trump đã "mở ra cánh cửa địa ngục cho các lợi ích của Mỹ tại khu vực".

Lò lửa Trung Đông bùng phát vì Jerusalem - Ảnh 2.

Các tay súng Hamas lại có dịp biểu thị sự giận dữ ở khu vực phía bắc Dải Gaza ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS

Việc Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel làm dậy sóng cộng đồng Hồi giáo. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án quyết định trên của Mỹ, đồng thời gọi đây là hành động "vô trách nhiệm". Các nước Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iran, Jordan, Li Băng đến Indonesia ở châu Á cũng phản ứng quyết liệt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tuyên bố phản đối các hành động đơn phương đe dọa triển vọng hòa bình Trung Đông, đồng thời khẳng định không có giải pháp nào khác cho cuộc xung đột ngoài giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine. Theo ông Guterres, vấn đề quy chế Jerusalem cần giải quyết bằng đàm phán trực tiếp.

Liên minh châu Âu (EU), cũng như Đức, ủng hộ tuyên bố của LHQ, trong khi Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga lo ngại cho tiến trình hòa bình Trung Đông và kêu gọi tránh bạo lực.

Reuters cho biết Washington đã lường trước các phản ứng khi yêu cầu Israel "kiềm chế" ăn mừng trước quyết định của ông Trump. Một số quan chức cấp cao Nhà Trắng cũng thừa nhận nó có thể ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng hi vọng nó sẽ hàn gắn tiến trình này về lâu dài như lời ông Trump tuyên bố. Vài ý kiến cho rằng đây có thể là chiến thuật khuấy động của ông Trump nhằm chuẩn bị cho đàm phán hòa bình, tuy nhiên phần lớn lo ngại nó chỉ khiến đàm phán thêm khó khăn.

Nhạy cảm

Quy chế của Jerusalem, nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, là vấn đề hết sức nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Israel coi cả thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn khu vực Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai của họ. Theo thỏa thuận hòa bình năm 1993, quy chế cuối cùng của Jerusalem sẽ được đàm phán trong các giai đoạn sau của tiến trình hòa bình.

Quyết định của ông Trump đi ngược với quan điểm của phần lớn thế giới về quy chế Jerusalem. Chủ quyền của Israel tại khu vực này chưa bao giờ được thế giới công nhận và các nước đều đặt đại sứ quán tại Israel ở Tel Aviv. Israel sáp nhập khu vực Đông Jerusalem, bao gồm thành phố cổ, sau cuộc xung đột năm 1967, nhưng quốc tế không coi đây là một phần lãnh thổ của Israel.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp