Gần đây, cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ xảy ra lộ lọt thông tin từ thói quen lưu ảnh căn cước công dân (CCCD) trong điện thoại. Đây là thói quen của nhiều người. Không ít người nhiều lần phải tự chụp CCCD gửi cho người khác hay đưa CCCD cho người khác chụp lại khi làm các dịch vụ (các loại bảo hiểm, đăng ký tài khoản ngân hàng, viễn thông...).
Đây là cách làm có nguy cơ bị lộ lọt thông tin CCCD khi thông tin có thể dễ dàng bị rò rỉ. Thông tin trong điện thoại vẫn có thể bị kẻ gian "thò" vào lấy đi, huống chi là thông tin được gửi đi trên mạng.
Khi nói về biện pháp phòng ngừa lừa đảo, người ta thường nghĩ đến việc cần nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân. Có câu "hồn ai nấy giữ", trước hết phải biết cách chủ động phòng ngừa cho bản thân. Nhưng thực tế cho thấy với thông tin cá nhân, nhiều khi cố giữ cũng khó. Rất nhiều tình huống buộc phải cung cấp thông tin cho các dịch vụ. Và việc những nơi đó có trách nhiệm đảm bảo thông tin của khách hàng hay không cũng rất "hên xui".
Từng có những tình huống không thể không nghi ngờ vì sự bảo mật thông tin của các dịch vụ. Chẳng hạn như khi mua vé máy bay, chưa đến giờ bay khách đã nhận những tin nhắn mời đi taxi từ sân bay nơi cần đến. Đăng ký khám bệnh qua tổng đài của một bệnh viện, sau đó có thể nhận được tin nhắn mời khám bệnh của những bệnh viện khác hay tin nhắn, cuộc gọi mua sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng...
Tôi có lần lên tiếng với một đơn vị dịch vụ khi thấy họ sử dụng trái phép thông tin cá nhân của mình nhưng bên cạnh lời xin lỗi, người ta cũng lại đổ lỗi có thể do tôi... bất cẩn.
Những cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo từ việc có được thông tin cá nhân của khách hàng vẫn đang xảy ra nhan nhản. Hằng ngày, người dùng vẫn nhận cuộc gọi mời tham gia mua chứng khoán, bảo hiểm, đầu tư... Mấy ngày nay lại có thêm những cuộc gọi thông báo "bạn được vay tiền" từ số máy lạ.
Cách tránh tốt nhất là không nhận cuộc gọi lạ. Nhưng tránh cũng không phải dễ. Trong "cuộc chiến" chống cuộc gọi rác, lừa đảo, cơ quan chức năng cho biết đang có nhiều nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này. Khó thể nói tất cả người bị lộ lọt thông tin đều thiếu cẩn trọng với thông tin cá nhân, ý thức phòng tránh chưa cao. Mới đây, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Có đại biểu Quốc hội chia sẻ câu chuyện bản thân cũng từng bị cuộc gọi lừa đảo nhắm đến vì bị lộ lọt thông tin cá nhân mà không hiểu từ đâu...
Cần chế tài mạnh hơn
Khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) có nhận định tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Từ thực tế này dự thảo luật cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phải áp dụng các biện pháp bảo mật hiện đại, mã hóa và bảo đảm thông tin dữ liệu. Đồng thời, đại biểu Nghĩa cũng kiến nghị phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý các vi phạm liên quan đến công tác bảo mật dữ liệu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị rò rỉ hoặc bị đánh cắp do sơ suất trong quá trình bảo mật...
Mong có thêm những biện pháp mạnh, có hiệu quả hơn từ cơ quan chức năng giúp bảo vệ thông tin cá nhân tốt hơn, hạn chế được vấn nạn gọi điện thoại lừa đảo.
Sim rác vẫn sống khỏe
Cuộc gọi rác, tin nhắn rác từ sim rác bao giờ được ngăn chặn triệt để? Câu chuyện "rác" này đã, đang là nỗi bức xúc đối với nhiều người. Những số điện thoại rác vẫn quấy rầy người dùng điện thoại.
Nếu nhà mạng vẫn tiếp tục "tung" sim rác, cơ quan chức năng không xử lý triệt để thì người tiêu dùng tiếp tục bị tra tấn bởi cấc kiểu gọi quảng cáo và lừa... sim rác bủa vây này.
Ảnh chụp ngày 18-11 trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP.HCM. Sau khi các nhà mạng yêu cầu đăng ký SIM chính chủ, SIM rác vẫn bán đầy ở vỉa hè.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận