Cầu Bình Lợi (được đầu tư theo hình thức PPP) nằm trên đường Phạm Văn Đồng (dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, dài 13,6km, được đầu tư theo hình thức BT) - Ảnh: T.T.D.
Nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ lo ngại như vậy khi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 19-11.
Ngoài đề nghị quy định cụ thể mức chia sẻ rủi ro, nhiều ĐB cũng yêu cầu phải công khai, minh bạch thông tin dự án đầu tư theo phương thức PPP cũng như có giải pháp giám sát chặt chẽ, không để Nhà nước và người dân đều thiệt hại.
Lấy nguồn đâu để bù đắp cho nhà đầu tư?
Phó trưởng Đoàn ĐB tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cho rằng về nguyên tắc, chia sẻ phải công bằng, hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm. Tỉ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
"Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, lấy ở đâu và bằng nguồn nào. Đề nghị cần được làm rõ" - ông Tiến nói.
Theo ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), với trường hợp doanh thu thực tế vượt qua hợp đồng, phải điều chỉnh giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc rút ngắn thời gian hợp đồng.
Nhưng với trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính, cần có nghị định quy định giao cho hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ công hoặc là gia hạn thời gian hợp đồng,
"Đối tượng trực tiếp tham gia dự án là các bên ký kết hợp đồng nhưng đối tượng hưởng lợi và tốn phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ công là cộng đồng dân cư nên việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến xã hội. Tôi đề nghị nếu cơ quan thẩm quyền sau khi xác định rủi ro từ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì xem xét việc điều chỉnh tăng mức giá và thời gian hợp đồng" - bà Tuyến đề xuất.
Cho rằng việc đầu tư dự án PPP phải theo cơ chế "lời ăn lỗ chịu" đúng theo nguyên tắc thị trường và khi ký kết hợp đồng tức là chấp nhận rủi ro, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo dài thời hạn thu phí.
Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, chưa kể cơ chế bù hụt thu 50% doanh thu cũng tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước.
Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, bà Mai đặt câu hỏi là: "Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro bằng hình thức nào? Lấy từ nguồn nào để chia sẻ? Khi tác động đến nợ công sẽ xử lý như thế nào?...", nhất là khi dự thảo luật cũng chưa đưa ra những căn cứ tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro.
Phải công khai, minh bạch thông tin dự án
Trong khi đó, theo ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), phải có giải pháp xử lý sao cho Nhà nước không bị thất thoát, người dân không phải nộp quá số tiền hợp lý phải nộp, nhà đầu tư có năng lực sẽ có lợi nhuận phù hợp.
Mấu chốt là Nhà nước phải kiểm soát được giá tối đa trả cho nhà đầu tư làm cơ sở xác định giá trần, chọn nhà thầu đạt tiêu chuẩn giá thấp nhất không vượt giá trần, đồng thời phải kiểm soát chất lượng công trình tương xứng với số tiền nhà đầu tư được hưởng.
Cũng theo ông Hàm, dự thảo luật phải quy định dự toán được chi phí cần bỏ ra để có công trình trên cơ sở các định mức đơn giá, khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp.
Đặc biệt, phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập từ bên ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ khâu dự toán, đến quyết toán để xử lý vi phạm và phân chia chính xác lợi ích chi phí của nhà đầu tư, nhà nước, người dân.
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng đề nghị bên cạnh việc giám sát chất lượng công trình, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với dự án PPP phải được thực hiện như đối với dự án đầu tư công.
Nếu không sẽ không thể phân biệt rạch ròi được những hạng mục nào thuộc đầu tư công và điểm nào là PPP, dẫn đến không kiểm soát được toàn bộ chất lượng công trình cũng như phân loại được nguồn vốn nào có hiệu quả, nguồn vốn nào không có hiệu quả và xác định trách nhiệm.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung quy định liên quan đến việc lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và tiếp nhận ý kiến góp ý trên website ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền giám sát của người dân, cần công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước), các báo cáo thẩm định dự án, báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng...
Không áp dụng tràn lan
Theo ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ KH-ĐT, do dự án quy mô lớn, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm, sau đó vận hành và giao lại cho Nhà nước, nên cơ chế chia sẻ rủi ro nhằm giúp nhà đầu tư yên tâm tham gia. "Đây là cơ chế chia sẻ rủi ro chứ không phải cơ chế bảo lãnh" - ông Dũng khẳng định.
Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của nhà đầu tư là kiếm lợi nhuận chứ không phải là chờ thua lỗ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, cơ chế chia sẻ rủi ro này chỉ áp dụng với một số ít dự án đặc biệt quan trọng chứ không áp dụng tràn lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận