Ngư dân vận chuyển cá ngừ đại dương vào cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang) sau chuyến đánh bắt - Ảnh: THÁI THỊNH
Đây là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên quy định mới này sẽ khiến lượng tàu khai thác thủy sản vùng khơi giảm mạnh. Việc giải quyết cơ chế chuyển đổi nghề cho ngư dân, phân bổ và quản lý các tàu khai thác vùng khơi cần được tính toán và giải quyết nhằm đảm bảo đời sống cho bà con ngư dân không bị xáo trộn.
Nỗi lòng ngư dân
Theo quy định mới, các tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi phải có chiều dài trên 15m và công suất 90 CV trở lên. Các tàu không đủ kích thước và công suất chỉ được hoạt động khai thác trong vùng biển lộng và ven bờ. Điều này gây không ít lo lắng cho ngư dân.
Như tỉnh Khánh Hòa có tổng cộng 1.366 tàu có chiều dài từ 12 - 15m, công suất trên 90 CV. Đây đều là các tàu cá khai thác thủy sản nhiều năm tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, DK1...
Thế nhưng quyết định mới của Bộ NN&PTNT, tỉnh chỉ được giao 768 giấy phép khai thác vùng khơi. Như vậy, gần 600 tàu còn lại sẽ chỉ được cấp phép khai thác các vùng ven bờ và vùng lộng.
Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của ông Hoàng Xin, hiện có chiều dài đăng kiểm là 13,8m, dù công suất tàu lớn hơn so với quy định nhưng chiều dài lại không đủ chuẩn.
Ông Xin cho biết hàng chục năm qua ông chỉ làm một nghề là đánh bắt cá ngừ đại dương. Loài cá này chỉ sống ở vùng biển khơi, nơi có độ sâu từ 1.000m trở lên. Nay không được ra khơi đánh bắt cá ngừ, ông cùng gia đình và anh em ngư dân không biết xoay xở ra sao.
Chủ tàu cá khai thác trên vùng biển Trường Sa hơn 30 năm này nói sẽ không cải hoán, nâng cấp tàu vì sẽ làm tăng chi phí đầu tư mỗi chuyến ra khơi.
"Ví dụ người ta làm lưới rút thì nên làm lớn, còn ghe gù tụi tui đánh cá ngừ thì theo tôi không nên làm lớn. Vùng biển ở đây không có nhiều cá nên ghe lớn đi 1 tháng cũng như ghe nhỏ, tầm được 15 - 20 con. Với chúng tôi như vậy là có lời, còn ghe lớn họ phải đánh được 30 con để bù chi phí ban đầu", ông Xin nói.
Ông Trần Đẩu, một ngư dân khác ở Khánh Hòa, cho biết chưa bao giờ ông thấy tàu đi đánh cá biển khơi lại nhiều như bây giờ. Nói về quyết định hạn ngạch nghề cá mới đây, ông Đẩu cho rằng rất đồng tình với Nhà nước về vấn đề này.
Việc hạn chế tàu khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản vì lợi ích lâu dài cho bà con ngư dân. Tuy nhiên song song với đó, Nhà nước cũng phải tìm cách tháo gỡ khó khăn về chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân.
Theo ông Đẩu, hiện cùng đi đánh bắt cá ngừ đại dương với ông có 5 người đàn ông. Những người này đều là trụ cột trong gia đình, họ phải nuôi từ 5 - 10 miệng ăn. Bây giờ gia đình ông không được phép đánh bắt ngoài khơi, không chỉ kinh tế gia đình mà số phận của hàng chục người khác cũng bị ảnh hưởng.
"Nếu như Nhà nước bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản vùng biển khơi thì cũng cần phải bảo vệ cả nguồn lợi trong vùng biển lộng và ven bờ. Tôi thấy bây giờ vùng biển lộng và ven bờ cũng có rất nhiều tàu khai thác. Nếu giờ chúng tôi chuyển vào đánh bắt vùng lộng luôn thì còn gì tôm cá mà đánh bắt nữa?", ông Đẩu băn khoăn.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trước mắt của ngư dân, ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết hiện tại cảng đang có khoảng 100 tàu nằm bờ. Những tàu này không đủ tiêu chuẩn kích thước để đánh bắt thủy hải sản vùng khơi vì chỉ dài từ 12m đến dưới 15m.
"Bây giờ các tàu này dù có cố tình đi đánh bắt cá nhưng vào bờ không có đủ giấy tờ làm thủ tục tại văn phòng cảng thì doanh nghiệp cũng không dám mua cá, nên họ phải nằm bờ thôi", ông Hiếu cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết đã gửi báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tỉnh.
Theo báo cáo của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 31.541 chiếc. Trong đó số lượng tàu cá đang hoạt động là 30.474 chiếc. Ngoài ra còn lượng tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán trước ngày 29-3-2019 (thời điểm quyết định giao hạn ngạch có hiệu lực) là 1.067 chiếc.
Chưa thấy giải pháp
Ông Võ Thiên Lăng, phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng hạn ngạch là một trong những công cụ rất quan trọng nhưng lâu nay chúng ta chưa thực hiện được. Việc phân bổ hạn ngạch sẽ bảo vệ nguồn lợi hải sản đang bị khai thác quá mức.
Ông Lăng lấy dẫn chứng: tại Thái Lan mặc dù nghề cá rất phát triển nhưng số tàu khai thác xa bờ chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.
Thực tế Thái Lan và các nước đã làm chuyện này từ rất lâu. Lực lượng khai thác xa bờ của Việt Nam đang quá lớn nên thực chất không quản lý được về nguồn lợi thủy hải sản.
"Muốn quản lý nguồn lợi thủy hải sản, dù xa bờ hay ven bờ đều phải có sự phân bổ hạn ngạch cho từng tàu, từng nghề dựa trên cơ sở điều tra nguồn lợi. Việc giao hạn ngạch cho từng tỉnh và từng tàu là công việc phải làm. Nếu không quản lý bằng hạn ngạch thì chỉ sau vài năm sẽ không còn thủy hải sản để đánh bắt nữa", ông Lăng nói.
Về vấn đề giải quyết các khó khăn của ngư dân kiến nghị, ông Lăng cho rằng cần phải bàn bạc thêm về vấn đề chuyển đổi vùng đánh bắt và chuyển đổi nghề cho ngư dân.
"Số tàu hiện tại không đủ tiêu chuẩn là rất lớn. Các tàu này phải chuyển đổi nghề nhưng phải chuyển sang nghề gì thì đây là cả một vấn đề. Đặc biệt tại Khánh Hòa, không có các vùng nước trồi như Ninh Thuận, Bình Thuận. Vì vậy khi không được khai thác xa bờ nữa cũng cần phải bàn kỹ để tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi nghề cho bà con", ông Lăng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận