19/03/2013 09:32 GMT+7

Lo lắng và phẫn nộ

XUÂN THỊNH
XUÂN THỊNH

TT - Người Ấn Độ dường như không thật sự thoải mái và xấu hổ khi được hỏi về tình trạng cưỡng hiếp. Nhưng mọi chuyện đã có dấu hiệu đổi thay...

lWyV8HhA.jpgPhóng to
Phụ nữ Ấn Độ ở bang miền trung Madhya Pradesh, nơi nữ du khách Thụy Sĩ bị cưỡng hiếp cuối tuần qua - Ảnh: Xuân Thịnh

Sau vụ cưỡng hiếp Damini - tên mà người Ấn Độ đặt cho nữ sinh viên xấu số bị tấn công hồi tháng 12-2012, nhiều cô gái Ấn giờ đây không dám đi về khuya bằng xe buýt. Mukherji, 26 tuổi, vừa hết giờ làm, thành thật chia sẻ: “Giờ tôi phải đi xe điện ngầm, có những tuyến dành cho phụ nữ và có lắp camera quan sát. Không dám đi xe buýt nữa rồi!”. Thậm chí giờ đây cô còn “không dám mặc quần jean hay váy nữa. Ở đây, nếu muốn sống an toàn thì tốt nhất là sống khép kín”.

Phá vỡ điều cấm kỵ

Ở Ấn Độ, số vụ cưỡng hiếp đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Thống kê cho thấy cứ mỗi 18 giờ lại xảy ra một vụ ở New Delhi. Còn theo số liệu của Cục Dữ liệu tội phạm quốc gia Ấn Độ, cứ 20 phút lại có một phụ nữ bị cưỡng hiếp ở đất nước này.

Nhiều gia đình cũng chọn giải pháp bảo vệ an toàn cho con gái trong nhà bằng cách cấm con đi chơi tối bên ngoài, dù là ở thủ đô New Delhi đi nữa. Nhưng cũng có không ít phụ nữ bắt đầu phá vỡ luật bất thành văn là phụ nữ chỉ là công dân hạng hai. Như Swati, 23 tuổi, đang cùng bạn trai Aman tiếp tục biểu tình ở đường Jantar Mantar. Như Ritu Prashar, hiện làm việc tại ĐH YMCA, đã dám công khai khởi kiện việc cô bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Cô thẳng thắn: “Phải chống lại thôi. Nếu cứ tỏ ra ngoan ngoãn thì cuộc đời coi như tiêu. Ấn Độ là xã hội đàn ông trị. Công cuộc giải phóng phụ nữ chỉ có thể bằng con đường giáo dục và phản kháng. Phụ nữ đi học là cách để chống lại đàn ông”.

Trong mỗi gia đình, cuộc tranh luận về vị trí người phụ nữ giờ cũng thẳng thắn hơn. Trường hợp vợ chồng kỹ sư tin học, anh Abhinav, 29 tuổi, và vợ Bhawna, 27 tuổi, là một ví dụ. Bhawna tỏ ra rất bực dọc: “Truyền thống ở đây yêu cầu cô dâu phải đem của hồi môn đến cho nhà chồng và cô thường bị xem chẳng ra gì. Ở đây, con gái lớn lên bị cha mẹ dạy mỗi câu: Con phải nghe lời chồng. Chấm hết!”. Được dạy dỗ như thế thì phụ nữ làm sao được tôn trọng?”. Còn Abhinav lại có vẻ thận trọng hơn: “Bi kịch với Damini đúng là tàn bạo! Nhưng truyền thông cứ nói về nó nhiều quá thì chẳng khác đổ thêm dầu vào lửa”. Quả là không ít người Ấn Độ đang cho rằng các cuộc biểu tình phản đối nạn cưỡng hiếp diễn ra gần đây ở New Delhi cũng có thể vì mục đích chính trị nhằm tạo áp lực với chính phủ và thủ tướng đương nhiệm Manmohan Singh. Chẳng là năm sau Ấn Độ sẽ tổ chức bầu cử thủ tướng.

Chuyện như cơm bữa

Các vụ cưỡng hiếp được báo chí đề cập gần đây không phải là những vụ đầu tiên ở Ấn Độ. Nhưng vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi được báo chí và xã hội quan tâm.

Rao Amit Kumar Yadav, 23 tuổi, sinh viên ngành báo chí ở New Delhi, thừa nhận nạn cưỡng hiếp là một vấn đề lớn mà Chính phủ và người dân Ấn Độ đang phải đối mặt dù rằng “không chỉ ở Ấn Độ, tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải vấn nạn này”. Theo anh, đối với trong nước, “cưỡng hiếp chỉ đơn thuần là tội ác, nhưng đối với người nước ngoài, dường như vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn”. Ý anh muốn nhắc đến vụ cưỡng hiếp nữ du khách người Thụy Sĩ vào cuối tuần qua ở bang Madhya Pradesh. Chính quyền Ấn Độ cũng đang cố xoa dịu dư luận bằng cách cho điều tra nhanh và đưa sáu nghi can ra tòa ngay trong chiều 18-3.

Anh Rao cho biết trước đây đã có hàng ngàn vụ cưỡng hiếp được đưa ra tòa xét xử tại Ấn Độ chứ không chỉ có những vụ xảy ra ba tháng gần đây. Vụ Damini là giọt nước làm tràn ly, nhắc mọi người nhớ đến một vấn nạn của đất nước mà Chính phủ Ấn Độ cần phải quan tâm và giải quyết. “Tôi cũng cảm thấy sốc, bàng hoàng và giận dữ” - Rao thừa nhận anh cảm thấy rất xấu hổ vì những hành vi không tốt như vậy của nhiều người Ấn.

Đối với không ít người có tư tưởng tiến bộ ở Ấn Độ, lên tiếng công khai về câu chuyện cưỡng hiếp là một cách để đả phá nó, diệt trừ nó. Anh Joyjeet Mukheriee, nhóm trưởng của một ban nhạc nổi tiếng ở Ấn Độ, cho biết lúc này là thời điểm tốt nhất để biểu tình chống lại những kẻ cưỡng hiếp. Vấn nạn này chỉ có thể giảm đi khi có sự quan tâm của cả xã hội và cộng đồng quốc tế. Người cha của cô gái mới lên tám này cũng cảm thấy rất hoang mang và lo lắng cho tương lai con mình. Anh đã tổ chức hàng loạt buổi biểu diễn ở New Delhi nhằm kêu gọi cộng đồng ủng hộ các nạn nhân. Anh cho biết cảm thấy vui khi những kẻ cưỡng hiếp và làm hoen ố hình ảnh của Ấn Độ bị trừng trị. Nhưng anh vẫn lo ngại thực tế số tội phạm cưỡng hiếp bị đưa ra trước pháp luật hiện còn rất ít, chỉ 26%.

XUÂN THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp