23/03/2022 14:34 GMT+7

Lo không đủ than cấp cho điện do nhập khẩu khó khăn, TKV muốn tăng giá bán

N.AN
N.AN

TTO - Việc nhập khẩu than khó khăn do nguồn cung khan hiếm và giá tăng mạnh so với mức giá các bên đã thỏa thuận khiến cho việc cung ứng than cho điện gặp khó. TKV cho biết sẽ đẩy mạnh nguồn trong nước nhưng đề xuất tăng giá bán.

Lo không đủ than cấp cho điện do nhập khẩu khó khăn, TKV muốn tăng giá bán - Ảnh 1.

Khai thác than ngày càng khó khăn và chi phí tăng cao gây áp lực lớn lên TKV - Ảnh: N.AN

Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương về tình hình sản xuất kinh doanh than và cung ứng than cho điện.

TKV cho biết trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, nguồn cung than thế giới khan hiếm, doanh nghiệp trong nước không nhập được đã quay lại sử dụng than trong nước, khiến cho nhu cầu tăng rất cao. Thực tế này dẫn tới tình trạng khan hiếm than dù sản lượng sản xuất không giảm.

Theo kế hoạch, sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện năm 2022 là 35 triệu tấn. Tuy nhiên, tập đoàn này cho rằng việc cung cấp phụ thuộc nhiều nhập khẩu. 3 tháng đầu năm, TKV mới nhập được 325.000 tấn, nên sản lượng cấp được trong quý 1-2022 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, giảm 2,4 triệu tấn so với kế hoạch.

Mặc dù có nhiều giải pháp như huy động tồn kho, pha trộn than trong nước, nhưng vẫn không bù đắp được lượng than bị thiếu. Than tồn hầu hết là than vùng Mạo Khê, Uông Bí, là các loại than không tiêu thụ trực tiếp được cho các nhà máy nhiệt điện, mà phải pha trộn với than nhập khẩu, hoặc các nguồn than trong nước khác.

Một lý do nữa được TKV nêu ra khiến cho nhập khẩu khó khăn là do đến ngày 2-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn, khiến cho TKV bị bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu. Đến khi giá được chấp thuận, việc tìm nguồn lại khó khăn, và không có than chất lượng, cộng thêm giá tăng đột biến, cao hơn giá đề xuất, nên dù đã mở thầu cũng khó có thể trúng thầu.

Từ thực tế trên, TKV cho rằng có thể nhập khẩu không đạt kế hoạch năm 2022 nên đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác tối đa có thể, khoảng 4,1 triệu tấn. Gắn với tăng chế biến than, pha trộn đảm bảo cung cấp tối đa cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch, không để thiếu than.

Tuy nhiên, trả lời Tuổi Trẻ Online, một đại diện của TKV cho rằng TKV sẽ đáp ứng đủ than theo các hợp đồng đã ký với các nhà máy điện. Trường hợp có nhu cầu tăng thêm, vượt kế hoạch và hợp đồng đã ký, sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu.

Trong báo cáo, tập đoàn này cũng cho hay là đang gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên có thời điểm chỉ 20% lao động làm việc. Giá thành khai thác than ngày càng tăng, mức độ rủi ro tăng nhưng giá bán than cho điện lại không tăng trong 2 năm qua, nên lợi nhuận từ các nhà sản xuất than ngày càng giảm.

Vì vậy TKV cho rằng nếu không được tăng giá bán than, gồm cả than bán cho các hộ điện, có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, có thể mất cân đối tài chính. 

TKV đề nghị Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký. Bộ Công thương có giải pháp điều tiết hợp lý việc huy động các nguồn điện, đảm bảo lượng than cho điện hằng năm không dao động quá lớn; báo cáo Chính phủ cho phép các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện BOT dùng thêm nguồn than pha trộn nhập khẩu, cũng như có cơ chế xác định giá than pha trộn nhập khẩu.

Với việc tăng các chi phí đầu vào như nguyên liệu, sắt thép, tiền lương..., TKV đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, nhất là giá bán than cho các hộ điện, để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Bộ Công thương khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên tục yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh than phải đảm bảo nguồn cung, thực hiện các giải pháp để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện BOT theo đúng hợp đồng đã ký. Bất luận trong trường hợp nào cũng không để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng.

Về những vấn đề được TKV nêu, Bộ Công thương cho hay tới đây sẽ có thêm các chỉ đạo và giải pháp cụ thể hơn để đảm bảo các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó, đảm bảo cung cấp than cho điện theo hợp đồng giữa các bên.

'An ninh năng lượng đang phụ thuộc lớn nhất vào nhiệt điện than'

TTO - Đã có hơn 5.000 MW công suất lắp đặt từ điện mặt trời, chiếm tới 9,5% toàn hệ thống. Song nguồn điện đảm bảo vận hành an toàn hệ thống vẫn chủ yếu vào các nguồn truyền thống, chủ yếu là nhiệt điện than.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp