Thế nhưng, việc thực thi chưa quyết liệt đã khiến các thủ tục nhập khẩu chỉ nặng tính hình thức.
Phóng to |
Ôtô, rượu, mỹ phẩm, hàng nông sản, thực phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ điện gia dụng, điện tử, vải may mặc... là những mặt hàng đã chịu sự kiểm soát và bị tác động bởi những thủ tục nhập khẩu các mặt hàng này.
Kiểm soát đang có... vấn đề
Với mặt hàng đồ chơi trẻ em, từ cuối năm 2009, quy định sản phẩm đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn về hóa học và cơ lý theo quy chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ Khoa học - công nghệ. Theo đó, đồ chơi trẻ em gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu chỉ được đưa ra thị trường khi đã qua kiểm nghiệm và được cấp chứng nhận an toàn đối với lô hàng, loại sản phẩm cụ thể và có dán tem phù hợp quy chuẩn CR. Thế nhưng ở TP.HCM, ghi nhận tại các chợ Bình Tây, chợ lẻ Nguyễn Văn Trỗi, chợ Phú Nhuận... rất nhiều mặt hàng đồ chơi như ôtô, trái cây bằng nhựa, thú nhồi bông... đều không dán tem CR. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho biết có đến 90% hàng đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc, được lấy sỉ từ chợ Bình Tây, khu vực đường Trần Bình (Q.6), đường Ngô Nhân Tịnh (Q.5)... Ngay tại khu vực bán sỉ, tình trạng không dán tem CR vẫn phổ biến.
Một tiểu thương ở đường Ngô Nhân Tịnh còn thẳng thắn thừa nhận do bán sỉ nên hàng hóa ra vào kho liên tục, hết lô này đến lô khác, sạp cũng chỉ có một bộ hồ sơ nhập khẩu và sử dụng nó để in hàng loạt tem CR, thậm chí dùng tem CR photo cho tất cả các lô hàng còn lại. “Trung tâm Tiêu chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) đã phát hiện nhiều lô nhiễm hóa chất độc hại nhưng sau đó việc xử lý các lô hàng này ra sao thì không ai biết, nếu không muốn nói việc kiểm soát mặt hàng này đang có vấn đề” - ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Quatest 3, nói.
Tương tự mặt hàng đồ chơi trẻ em, việc kiểm nghiệm nồng độ formaldehyde và các amin thơm trong vải nhập khẩu để sử dụng làm nguyên liệu may mặc tiêu dùng trong nước hiện cũng chỉ thực hiện được với hàng nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó vải nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn bày bán tràn lan trên thị trường và không thể nắm được mức độ an toàn của những sản phẩm này. Tại các chợ lẻ, vải may mặc bày bán tràn lan và hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bà Lệ Xuân, bán hàng ở chợ An Đông, cho biết hàng tại sạp là do các nhà nhập khẩu bỏ sỉ, hóa đơn chứng từ “bữa có bữa không”.
Theo bà Xuân, đa số vải ở chợ này đều “không biết có đạt kiểm nghiệm hóa chất theo quy định hay không”. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM liên tục kiểm tra và bắt giữ rất nhiều lô vải nhập lậu. Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện mỗi tháng đơn vị này bắt giữ tới 50.000-70.000m vải nhập lậu và 70% trong số này là hàng Trung Quốc.
Lo cửa trước, bỏ cửa sau!
Liên quan đến việc kiểm soát thực hiện các hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên, một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thừa nhận quá khó khăn và không hiệu quả. Hoạt động kiểm tra thực hiện dán tem CR trên đồ chơi trẻ em được thực hiện thường xuyên nhưng “không thể phát hiện được tem CR dán trên đó có phải tem hợp quy thật hay không” - ông này nói. Nguyên nhân do quy định đặt ra có nhiều lỗ hổng, tem được tự in. Trên tem không có thông số rõ ràng lô hàng, loại đồ chơi cụ thể...
Như vậy chỉ cần một tem CR là có thể dán cho tất cả các lô hàng, không thể nào kiểm soát được thật - giả. Chưa kể trên hồ sơ nhập hàng cũng chỉ ghi chung chung kích thước đồ chơi mà không ghi rõ loại nào, hình dáng ra sao...
Hiện rất nhiều hàng rào kỹ thuật đã được dựng lên với các mặt hàng nhập khẩu. Đặc biệt là quy định nhập khẩu rượu, mỹ phẩm, ôtô chỉ được qua ba cửa khẩu quốc tế là cảng biển TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế gian lận thương mại và kiểm soát nhập siêu. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát vẫn chỉ nắm được phần chính ngạch, trong khi các mặt hàng này còn tràn vào thị trường VN bằng đường tiểu ngạch, nhập lậu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận