Phóng to |
Người tiêu dùng chọn mua hàng tết ở chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Dũng Tuấn |
Tại buổi giao lưu này, bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, ông Nguyễn Đăng Hiến - tổng giám đốc Công ty nước giải khát Bidrico, ông Văn Đức Mười - tổng giám đốc Công ty Vissan và ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op - đã chia sẻ nhiều quan tâm, bức xúc của bạn đọc.
Kiểm soát chặt nguồn hàng
Bạn đọc Minh Uyên băn khoăn về tình trạng “heo bệnh, nội tạng thối đang là vấn nạn, làm sao để người tiêu dùng mua được thực phẩm an toàn?”, hay như “nguồn thịt có được đảm bảo chất lượng trong bối cảnh thịt nhập lậu, kém phẩm chất tiếp tục tràn lan trên thị trường?” mà bạn đọc ở địa chỉ mylan@... e ngại.
Ông Văn Đức Mười thẳng thắn cho biết Cục Thú y TP.HCM và đơn vị quản lý thị trường đã có kế hoạch chặt chẽ trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu cũng như hàng nội địa, đặc biệt ở các cửa ngõ vào thành phố và các kho nhập khẩu cũng như những đơn vị kinh doanh. Với kế hoạch này, sẽ hạn chế đến mức tối đa các sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm ra thị trường, tại các chợ.
“Vấn đề còn lại là người tiêu dùng nên tìm đến những nơi kinh doanh có đăng ký về đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm, cần phải tìm mua được sản phẩm có xuất xứ rõ ràng ở các đơn vị kinh doanh có uy tín” - ông Mười nói.
Ở góc độ đơn vị phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân cho biết tất cả hàng hóa khi vào hệ thống Co.op Mart đều trải qua ba khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Đầu tiên là phối hợp kiểm tra tại nhà cung cấp, sau đó kiểm tra ở tổng kho của hệ thống, và cuối cùng sẽ được kiểm tra tại siêu thị trước khi bày bán. Suốt quá trình này, hệ thống đều phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo việc chọn mẫu, lấy mẫu được thực hiện đúng quy trình theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài kiểm tra, việc chọn lựa nhà cung cấp cho siêu thị cũng hết sức nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tất cả nhà cung cấp có nguồn hàng chất lượng, uy tín.
Nên giải quyết từ gốc
Cũng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bạn đọc Thúy Phương lại đặt vấn đề với bà Vũ Kim Hạnh về thực trạng hàng Trung Quốc kém chất lượng được phù phép thành hàng Việt. “Liệu doanh nghiệp hàng Việt đã có bộ phận kiểm tra, đánh giá cũng như xử lý ra sao khi bị phát hiện?” - bạn đọc này hỏi. Theo bà Vũ Kim Hạnh, cơ quan chức năng làm công việc này chính là quản lý thị trường. Nhưng việc bộ máy thiếu nhân sự cũng là điều đáng suy nghĩ. Trong khi đó, tình trạng thị trường tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đội lốt hàng Việt có nguồn gốc sâu xa lại nằm ở chỗ “hàng rào bảo hộ và hàng rào kỹ thuật của chúng ta quá yếu, cơ chế xuất nhập tiểu ngạch có nhiều kẽ hở” - bà Hạnh chia sẻ.
Cũng theo bà Hạnh, nếu không giải quyết từ gốc thì có bao nhiêu nhân viên quản lý thị trường cũng không kiểm soát nổi. Riêng việc dán nhãn hàng Việt chồng lên “made in China” hiện được thực hiện khá thoải mái “dù đây thật sự là một hành vi gian lận thương mại”. Ngay cả chính quyền địa phương, cảnh sát kinh tế, ban quản lý các chợ và siêu thị có sẵn sàng lập biên bản xử lý quả tang hành vi này không, “tôi cho là chưa sẵn sàng” - bà Hạnh khẳng định.
Trong khi đó, bạn đọc ở địa chỉ email bambolee@... tỏ ra lo lắng về vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt có thể xuất hiện trong siêu thị. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Nhân khẳng định: “Với quy trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt, chúng tôi cam kết không để trường hợp hàng Việt có sự trà trộn hàng Trung Quốc trong hệ thống của mình. Trường hợp phát hiện có sự trà trộn hàng Trung Quốc vào hàng Việt, chắc chắn chúng tôi sẽ dừng ngay việc phân phối sản phẩm và chấm dứt liên kết với nhà cung cấp có sản phẩm trà trộn này trên mọi phương diện và mọi thời điểm”.
Nhiều doanh nghiệp về đích sớm Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đạt kế hoạch kinh doanh mùa tết mặc dù thị trường chưa bước vào cao điểm. Ông Nguyễn Xuân Luân, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, cho biết tính đến ngày 23-1 (12-12 âm lịch), sản lượng tiêu thụ sản phẩm tết Kinh Đô đã đạt 100% kế hoạch. Tương tự, ông Phan Văn Thiện, phó tổng giám đốc Công ty Bibica, cho biết không chỉ tiêu thụ hết 1.200 tấn bánh kẹo phục vụ tết, công ty còn tăng sản lượng thêm 20% để kịp thời đưa ra thị trường từ nay đến cao điểm tết. Đặc biệt dòng sản phẩm cao cấp Goody bị thiếu hàng, vượt 200% so với kế hoạch ban đầu. Theo ông Thiện, đây là tín hiệu mừng cho doanh nghiệp trong nước vì các năm trước dòng bánh cao cấp luôn bị bánh ngoại áp đảo. Một số doanh nghiệp bánh kẹo nội như Phạm Nguyên, Hải Hà... cũng cho biết nhờ có kế hoạch tung hàng sớm và tăng độ phủ thị trường nên tình hình tiêu thụ khá tốt. N.BÌNH Giữ giá, không lo thiếu hàng Đại diện của Vissan cho biết hiện đã có sẵn 40.000 con heo chờ giết mổ trong những ngày cao điểm tết với giá cả được xác định ổn định trước tết, trong tết và sau tết. Hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẽ được Vissan bán đến trưa 29 tết và mở cửa bán lại vào ngày mồng 2 tết. Trong hai ngày 28 và 29 tết, Vissan sẽ giảm giá cho người tiêu dùng mua sản phẩm trễ, cho đồng bào nghèo tương đương 10% giá bán. “Có thể nói sự chuẩn bị kỹ lưỡng về giá cả cũng như sản lượng và phân phối được đảm bảo đầy đủ và không thiếu hàng, không có tăng giá” - ông Văn Đức Mười khẳng định. Ông Nguyễn Đăng Hiến cho hay vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài những sản phẩm thường nhật, Bidrico luôn chú trọng đến các sản phẩm làm quà xuân: nước yến ngân nhĩ Bidrico, trà bí đao Anuta, nước ép trái cây Anuta. Đó là những sản phẩm đóng lon, đựng trong hộp giấy có quai xách. Hộp được thiết kế đẹp, bắt mắt, bên trong có sáu lon. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận