15/02/2014 07:57 GMT+7

Lo gà vịt cúm tuồn về TP.HCM

QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG
QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG

TT - Mặc dù cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh lân cận TP.HCM, nhưng hằng ngày vẫn có một lượng lớn gia cầm sống không rõ nguồn gốc vận chuyển về TP.HCM bày bán công khai tại các chợ.

Znsl59vt.jpg
Phun thuốc sát trùng trại gà ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: N.T.Phúc
Qgq3qRr0.jpg
Bày bán gà vịt ở chân cầu Trường Đai, P.13, Q.Gò Vấp (TP.HCM) - Ảnh: Q.Khải

Trưa 14-2, trời nắng chang chang nhưng vẫn có nhiều giỏ nhốt gà vịt bày bán công khai tại dốc cầu Trường Đai trên đường Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp. Những người bày bán gà vịt sống ở đây còn cắm dù, nằm nghỉ tại chỗ, trong khi khu vực nuôi nhốt gà gần khu vực thành cầu nhầy nhụa lớp phân gà vịt thải ra nhiều ngày bốc mùi hôi nồng nặc.

Mua bao nhiêu cũng có

Chúng tôi đến hỏi mua, một người phụ nữ chạy ra mời: “Gà ngon không hà, gà nuôi vườn lấy từ Đồng Nai về bao ăn, giá 110.000 đồng/kg”. Chúng tôi hỏi liệu gà này có bị cúm không, người phụ nữ vẫn cố thuyết phục khách: “Em bán gà ở đây gần mười năm rồi, chưa ai phàn nàn gì về chất lượng”. Không chỉ bán gà, người này còn bán cả vịt xiêm giá 75.000 đồng/kg, vịt cỏ 60.000 đồng/kg, muốn mua bao nhiêu cũng có.

Tại khu vực chợ Thạch Đà, đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, tình trạng bày bán gia cầm sống còn nhộn nhịp hơn. Từ đường dẫn vào chợ đã thấy có đến ba điểm bày bán gia cầm cũng là “lò” giết mổ. Gia cầm bày bán ở đây có nhiều loại: gà công nghiệp, gà ta, gà ác, vịt, bồ câu... Khi khách chọn mua, thỏa thuận giá cả thì được các chủ vựa ở đây cắt tiết làm tại chỗ. Điều đáng nói là đối diện khu vực bán gà vịt này là Trường tiểu học Lam Sơn.

Không chỉ bày bán công khai, việc nuôi nhốt gia cầm cũng đã xuất hiện trở lại tại nhiều khu dân cư. Tại khu phố 5, P.14, Q.Gò Vấp có hàng chục con gà đang kiếm ăn trong khu dân cư. Một hộ dân ở tổ 32, đường Nguyễn Văn Đậu, P.6, Q.Bình Thạnh đang lo ngại cúm gia cầm xuất hiện khi trong hẻm có hộ nuôi gà thả rong, phóng uế mất vệ sinh. “Sống như thế này cứ nơm nớp lo sợ cúm gia cầm bùng phát” - hộ dân này chia sẻ.

Vịt chết trên kênh Đông

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, hằng ngày chi cục phối hợp với các đơn vị bắt gần 1.000 con gia cầm sống vận chuyển trái phép vào TP.HCM qua các cửa ngõ phía đông (Q.Thủ Đức) và phía tây (H.Bình Chánh). Mới đây, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện hiện tượng xác vịt xuất hiện nhiều trên hệ thống kênh Đông thuộc địa bàn H.Củ Chi (lấy nước từ hồ Dầu Tiếng về cấp nước cho nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân TP.HCM). Các đơn vị đã vớt tiêu hủy hơn 100kg và xác định nguồn gốc vịt chết xuất phát từ tỉnh Tây Ninh trôi dạt về.

Về các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết từ sau tết trên địa bàn TP.HCM có 36 điểm nhưng thời gian gần đây đã tăng lên 41 điểm, trong đó các quận huyện có nhiều điểm kinh doanh gia cầm sống nhất là các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Bình Chánh. Cũng theo ông Phát, trách nhiệm kiểm tra xử lý các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép được phân cấp cho các quận huyện, phường xã. Chi cục Thú y chỉ hỗ trợ về mặt dịch tễ, xử lý, tiêu hủy gia cầm...

Liên quan đến việc chăn nuôi nhỏ lẻ gia cầm trong khu dân cư, nuôi gà đá, ông Phát cho biết việc này đã vi phạm quy định của UBND TP.HCM. Nếu người dân phát hiện thì phản ảnh đến UBND phường trên địa bàn, các địa phương có trách nhiệm xử lý theo phản ảnh của người dân.

Tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Ngày 14-2, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virút cúm gia cầm lây sang người. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 133 ngày 23-1. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc. Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại VN” và các biện pháp phòng chống các chủng virút cúm khác.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan khẩn trương có “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” trên địa bàn; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc phòng chống cúm gia cầm lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virút cúm khác.

CHINHPHU.VN

* Khánh Hòa: nguy cơ lây lan nhanh cúm A/H1N1

Chiều 14-2, bà Trần Thị Tuyết Mai - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã có bảy ca bệnh ở tỉnh này được xác định nhiễm virút cúm A/H1N1, trong đó đã có một người tử vong và một người nhiễm rất nặng. Ngoài bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn đã tử vong (Tuổi Trẻ ngày 14-2), hiện ở khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang điều trị cách ly ba bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, trong đó nặng nhất là chị B.B.T.X. (18 tuổi, ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) phải thở máy liên tục, khó tiên lượng tình trạng sức khỏe.

Đáng chú ý là bệnh cúm A/H1N1 lây lan từ người qua người rất nhanh. Theo bà Mai, ba người thân trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Tuấn và một nữ hộ lý ở khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị cho anh này đã dương tính với virút cúm A/H1N1. May mắn là bốn bệnh nhân này hiện đã ổn định sức khỏe.

DUY THANH

* Không nên tới các chợ và trại gia cầm tại vùng có dịch

Ngày 14-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông báo dịch cúm H7N9 đang tiếp tục lan rộng khi một du khách Trung Quốc đã phát bệnh cúm H7N9 khi đi du lịch Malaysia. Trước đó, ngoài Trung Quốc và các vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan, mới có Canada ghi nhận bệnh nhân cúm H7N9 và đây cũng là một khách du lịch tới từ Trung Quốc.

Cục Y tế dự phòng dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho biết chưa khuyến cáo ngừng đi lại tới vùng có dịch cúm H7N9, nhưng Tổ chức Y tế thế giới khuyên không nên tới các chợ và trại gia cầm tại vùng có dịch, không tiếp xúc với vật có ô nhiễm với vật nuôi và chất thải gia cầm, luôn tuân thủ thực hành vệ sinh thực phẩm và vệ sinh cá nhân. Nếu có biểu hiện cúm sau khi đi du lịch tại vùng có dịch, đề nghị đến ngay cơ sở y tế.

L.ANH

* Cúm H10N8 xuất hiện ở Trung Quốc, 1 người tử vong

Bộ Y tế Trung Quốc ngày 14-2 ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên trong năm 2014 do nhiễm virút cúm gia cầm H10N8 ở tỉnh Giang Tây. Đây là dòng cúm gia cầm mới xuất hiện ở nước này hồi cuối năm 2013 làm hai người nhiễm bệnh, trong đó có một người đã thiệt mạng.

Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc cho biết bệnh nhân ở Giang Tây là một cụ ông 75 tuổi ở thành phố Nam Xương. Ông đã có những triệu chứng của bệnh cúm, được đưa đến bệnh viện từ ngày 4-2 và tử vong bốn ngày sau đó. Ca tử vong này đã dấy lên mối quan ngại một dòng cúm chết người đang xuất hiện mạnh ở Trung Quốc, trong bối cảnh bệnh cúm H7N9 vẫn chưa được khống chế hiệu quả.

Cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc ghi nhận thêm bốn ca nhiễm H7N9 mới ở tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông. Tính từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã có 120 người nhiễm H7N9, trong đó có 31 người thiệt mạng.

MỸ LOAN

QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp