Sau hai đợt thoái vốn mới đây, Nhà nước chỉ còn sở hữu 36% vốn điều lệ tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk - Ảnh: T.V.N
Tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage (JC&C - Singapore) chính thức trở thành cổ đông nước ngoài lớn thứ hai của Vinamilk sau khi đã mua thành công hơn 48,3 triệu cổ phiếu do SCIC chào bán hôm 10-11-2017.
Ngày 13-11, Tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) có trụ sở tại Singapore đã phát thông cáo chính thức nâng thêm tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM) lên 5,53%.
Số cổ phiếu này có được sau khi JC&C hoàn tất mua trọn 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán hôm 10-11 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo JC&C, thông qua công ty con là Platinum Victory Pte. Ltd, tập đoàn này đã mua được hơn 48 triệu cổ phiếu Vinamilk thông qua đấu giá công khai cũng như mua trên sàn chứng khoán trong suốt thời gian qua.
Như vậy, với 5,53% vốn điều lệ, tương ứng 80,29 triệu cổ phiếu đang nắm của Vinamilk, JC&C là cổ đông nước ngoài lớn thứ hai tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam này.
Vị trí số một của cổ đông nước ngoài thuộc về Tập đoàn F&N, của Singapore, hiện đang sở hữu 18,7% vốn điều lệ của Vinamilk.
Trong khi đó, cổ đông lớn nhất hiện nay của Vinamilk là SCIC chỉ còn nắm 36% cổ phần chi phối.
Việc SCIC có tiếp tục thoái vốn tại Vinamilk hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định Chính phủ, dù trước đó công ty sữa này đã được xác định thuộc nhóm doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ tỉ lệ chi phối vốn lớn tại đây.
Theo các công ty tư vấn tài chính, JC&C là đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu tư đa ngành Jardine Matheson có trụ sở tại Hong Kong, đã đầu tư vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, việc JC&C quan tâm tới lĩnh vực sữa là một diễn biến được cho là khá bất ngờ vì trước đó mối quan tâm của tập đoàn này chỉ hướng vào cơ điện lạnh và sản xuất - phân phối ôtô.
Trước đó, tại phiên đấu giá trên sàn HoSE ngày 10-11, 19 nhà đầu tư đã rượt đuổi nhau rất kịch tính khi đặt mua với khối lượng lên đến 78.843.000 cổ phiếu VNM, tức gấp đôi số lượng mà SCIC chào bán trong đợt thoái vốn thứ hai này.
Mức giá một cổ phiếu mã VNM được các bên đưa ra rượt đuổi kịch tính từng phút một.
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, từ mức thấp nhất hợp lệ là 151.200 đồng mỗi cổ phiếu VNM, giá được đẩy lên 160.100 đồng rồi vọt lên 186.000 đồng và chốt ở mức giá cao nhất này.
Tổng khối lượng đăng ký đặt mua vẫn giữ nguyên mức 78.843.000 cổ phiếu suốt phiên đấu giá cho dù SCIC chỉ chào bán 48.333.400 cổ phiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận