18/09/2014 07:45 GMT+7

Lở đất kinh hoàng, tai họa ập xuống lúc nửa đêm

X.LONG - Q.THẾ - HÙNG TRÁNG
X.LONG - Q.THẾ - HÙNG TRÁNG

TT - Rạng sáng 17-9, hai vụ lở đất kinh hoàng xảy ra trên địa bàn huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) làm bảy người chết tại chỗ và năm người bị thương.

Hiện trường sạt lở đất tại thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) - Ảnh: Nguyễn Nam
Hiện trường sạt lở đất tại thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) - Ảnh: Nguyễn Nam

Đa số nạn nhân trong vụ sạt lở đất là những người ở xã Hưng Vũ (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) đi làm thuê ở Cao Lộc, cách nhà cả trăm kilômet.

Cái chết bất ngờ

Sáng 17-9, hiện trường vụ sạt lở đất kinh hoàng tại thôn Kéo Kham (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) chỉ còn trơ lại đống đổ nát.

Bên dưới những chiếc phản ngủ bị đất đá vùi lấp vẫn còn nguyên những đôi dép nhưng không còn chủ nhân.

Nơi xảy ra vụ sạt lở chỉ cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vài chục bước chân. Theo thượng úy Nguyễn Văn Quang - phó trưởng trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, vụ sạt lở làm sáu người tử vong tại chỗ xảy ra khoảng 1g30 sáng 17-9.

“Nơi xảy ra sạt lở đất nằm rất gần trạm. Khi biết tin có sạt lở đất ở lán trại của ông Âu Mộc Ký, trạm huy động gần như toàn bộ cán bộ chiến sĩ đến cứu nạn. Mọi người tập trung đào bới tìm kiếm nạn nhân nhưng do trời tối, lượng bùn đất sạt lở xuống trại tới hàng trăm khối, nên công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn” - thượng úy Quang kể lại.

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, cho biết các nạn nhân đều là người đến làm thuê bốc vác hàng hóa cho Công ty TNHH Xuân Cương và thuê lán trại của ông Âu Mộc Ký để ở.

Theo ông Lâm Hải Thư - cán bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lộc, trong số 11 nạn nhân vụ sạt lở đất tại Kéo Kham được đưa vào cấp cứu tại viện lúc 2g sáng, ngoài sáu nạn nhân tử vong trước đó còn có bốn nạn nhân khác bị trầy xước nhẹ, một trường hợp chỉ bị ảnh hưởng tâm lý.

Đến đầu giờ sáng người bị thương được cho về hết, còn những trường hợp tử vong thì gia đình nhận về mai táng.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, ngồi chăm em dâu Lâm Thị Ngọc (30 tuổi) bị chấn thương cột sống trong vụ sạt lở đất xảy ra lúc 4g sáng 17-9 ở thôn Thâm Mò (xã Phú Xá, huyện Cao Lộc), chị Lăng Thị Yến kể: “Hai vợ chồng nó quê ở Thái Nguyên, lên Cao Lộc làm nghề hàn tiện từ năm 2009. Nhà nó ở cách núi khoảng vài chục bước chân, đến 4g sáng bùn đất bất ngờ ập xuống ép đổ cả tường nhà."

"Hai bố con nằm ngoài thoát được, còn Ngọc và cháu Hà Thị Thanh Tâm (5 tuổi) bị tường và bùn đất đè. Mọi người hò nhau bới nhưng không cứu được cháu Tâm” - chị Yến sụt sùi.

Cả xã rụng rời tay chân

Từ trưa 17-9, trên những con đường về các thôn Tiên Hội, Xuân Giao (xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) nơi đâu cũng rì rầm chuyện sạt lở đất thương tâm ở Cao Lộc làm bốn người của hai thôn tử nạn.

Giọng rầu rĩ, ông Dương Công Ngoạn, chủ tịch UBND xã Hưng Vũ, nói đời ông chưa bao giờ phải cùng lúc lo cho nhiều đám tang đến thế.

“Không chỉ một thôn mà nhiều thôn, thậm chí cả xã cũng chưa bao giờ cùng lúc có nhiều người chết đến vậy. Thương cho cái phận phải làm thuê, cửu vạn” - ông Ngoạn bộc bạch.

Ông Ngoạn chia sẻ trong số sáu nạn nhân tử vong trong vụ sạt lở đất ở Kéo Kham, riêng thôn Tiên Hội có ba người chết, trong đó có trường hợp Dương Công Nhạt (46 tuổi) và Dương Công Báo (34 tuổi) là hai anh em họ.

“Tất cả gia đình này đều có cuộc sống gắn với nông nghiệp. Đợt này không phải ngày mùa, nhàn rỗi thì anh em rủ nhau đi xa nhà gần 100km để làm thuê” - ông Ngoạn rầu rĩ.

Theo ông Ngoạn, tất cả những người của xã bị nạn trong vụ sạt lở đất đều là những lao động chân chất, chịu khó.

Đến cuối giờ chiều 17-9, UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người chết trong vụ sạt lở đất ở Kéo Kham 5,4 triệu đồng. Công ty TNHH Xuân Cương hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 5 triệu đồng. UBND huyện Cao Lộc hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 2 triệu đồng.

10 người chết, 8 người bị thương trong bão số 3

Tổng hợp của văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết liên quan đến ảnh hưởng của bão số 3, có 10 trường hợp tử vong và chín người bị thương do sạt lở đất, lũ cuốn, tai nạn.

 

Cụ thể tại Lạng Sơn có bảy người chết, năm người bị thương trong hai vụ sạt lở. Tại Hà Nội xảy ra trường hợp hai vợ chồng ở xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên) tử vong do đường dây điện hạ thế bị đứt. Tại Nghệ An có một phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn bị lũ cuốn, ngoài ra còn có ba người khác bị thương.

Bão số 3 cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản. Ở Quảng Ninh, bão đánh chìm ba bè cá, sập đổ sáu nhà, tốc mái 145 nhà, đổ 20 cột điện hạ thế, một cột ăngten truyền hình, hỏng hai trạm biến áp, một ôtô do cây đổ, hư hại 2.000ha lúa, hoa màu. Tại Hải Phòng tốc mái 11 nhà, hư hại 1.624ha lúa và hoa màu, đổ bốn cột điện.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại buổi họp đánh giá về tình hình bão của UBND TP Hải Phòng, ông Dương Anh Điền - chủ tịch UBND TP - cho biết có hơn 16.000ha lúa đang trổ bông bị đổ rạp, ảnh hưởng đến năng suất, trên 1.000ha cây ăn quả và hoa màu bị hư hại.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực VN (EVN), hậu quả từ cơn bão số 3 gây ra đối với hệ thống điện là khá nặng. EVN cho biết có 135.000 khách hàng bị mất điện, 2.265 trạm biến áp phân phối bị sự cố.

Nhóm PV - CTV Tuổi Trẻ

 

X.LONG - Q.THẾ - HÙNG TRÁNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp