Một khu vực đất bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: T.X.
Khu vực bị sạt lở nằm giáp ranh với hồ thủy điện Đắk Sin 1 và thác 5 tầng, hàng chục hecta đất bị ảnh hưởng.
Các rãnh nứt rộng 30 - 50cm, có đoạn rộng hơn 1m, kéo dài hàng chục mét khiến những mảng đất có nguy cơ bị trượt xuống lòng hồ bất cứ lúc nào.
Rãnh nứt đến sát móng nhà
Lo lắng cho vụ thu hoạch đang cận kề nhưng phải sơ tán, bà Phạm Thị Hòa (trú thôn 14, xã Đắk Sin) đứng ngồi không yên. Gia đình bà có 4ha đất gần hồ thủy điên Đắk Sin 1, trong đó 1ha đất sát bờ hồ đã bị sạt lở.
"Hơn 3ha đất còn lại của gia đình tôi có nguy cơ bị xóa sổ. Rãnh nứt đã chạy dài vào giữa sân, có điểm chạm đến móng nhà khiến nhà bị nghiêng không thể ở nên đành phải bỏ nhà đi giữa mùa sắp thu hoạch", bà Hòa đau khổ.
Theo bà Hòa, gia đình bà và nhiều người dân trong khu vực này đã sống, canh tác hàng chục năm mà chưa từng xảy ra sự cố.
Trước đây, sát vườn rẫy của các hộ dân là một con suốí cung cấp nước tưới cho bà con. Khi nhà máy thủy điện Đắk Sin 1 tích nước đã thu hồi một phần diện tích để chờ ngập, làm hành lang.
Trận mưa lũ vừa qua khiến nhiều diện tích cây trồng của gia đình bà và các hộ dân khác bị sạt lở nghiêm trọng.
Một ngôi nhà của người dân bị kéo đổ do đất sạt lở - Ảnh: T.X.
Cảnh báo thêm nhiều điểm sạt lở
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, sáng 14-9, bà Hoàng Quyên - chủ tịch UBND xã Đắk Sin - cho biết đã yêu cầu 9 hộ dân có đất canh tác gần lòng hồ thủy điện Đắk Sin 1 phải sơ tán đến nơi khác vì mưa lũ thất thường.
Ngoài ra, những khu vực có nguy cơ sạt lở, xã cũng đã tuyên truyền, cắm bảng cảnh báo để yêu cầu người dân không đến gần.
Theo bà Quyên, 9 hộ dân có đất bị sạt lở hoàn toàn với tổng diện tích hơn 2ha. Ngoài ra, có 10 hộ dân khác có đất bị ảnh hưởng một phần với tổng diện tích khoảng 10ha.
Xã cũng đã báo cáo huyện để đề nghị cơ quan chuyên môn lập đoàn đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp lâu dài để những hộ dân khu vực này ổn định cuộc sống.
UBND xã Đắk Sin phải cắm bảng cảnh báo ở những điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở - Ảnh: T.X.
"Về việc đất đai, nhà cửa, cây trồng các hộ dân bị sạt lở, vùi lấp có phải do tác động của hồ thủy điện hay không thì xã chưa thể đánh giá. Chỉ biết rằng các hộ dân này nằm ở bờ hồ thủy điện Đắk Sin 1 và thác 5 tầng với độ cao chênh lệch giữa rẫy và hồ khá lớn", bà Quyên nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Quang Trung - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đắk Nông, xác nhận đã nắm tình hình. Sở cũng yêu cầu địa phương phải di dời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở.
"Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh chưa giao việc lập đoàn đánh giá nguyên nhân sạt lở cho đơn vị nên chúng tôi chưa tiến hành kiểm tra, đánh giá", ông Trung nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, rạng sáng 8-8, một quả đồi diện tích hơn 1ha sát lòng hồ thủy điện Đắk Sin 1 bị sạt lở, đổ sụp xuống, vùi lấp một ngôi nhà làm 3 người trong một gia đình ở thôn 14, xã Đắk Sin.
Các nạn nhân gồm Trần Văn Hiệu (28 tuổi) cùng vợ là chị Phạm Thị Yến (25 tuổi) và cô con gái 3 tuổi được tìm thấy dưới lớp đất dày hơn 1 mét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận