Hàng Trung Quốc mang mác hàng hiệu, đội lốt hàng Việt bằng viêc gắn xuất xứ "made in VIETNAM". Ảnh: Lê Sơn |
“Việc làm giả hàng Việt để xuất khẩu chắc chắn gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh, đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nước” - ông Nguyễn Văn Cẩn, chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, bày tỏ lo ngại như trên tại hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tỉnh biên giới phía Bắc do Ban chỉ đạo 389 tổ chức ngày 21-4.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Cẩn cho biết trong năm nay VN ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga..., đặc biệt là Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo cam kết, thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giữa VN và các nước mà chúng ta có ký kết FTA sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên đối với các nước quanh ta, đặc biệt là Trung Quốc, họ không có các FTA với các nước.
“Do đó, theo dự báo của Ban chỉ đạo 389, các doanh nghiệp của nước bạn sẵn sàng móc nối hoặc sang nước ta sản xuất dù chưa đảm bảo tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế suất. Thậm chí hàng hóa có thể bị làm giả xuất xứ VN để đi vào các thị trường mà được hưởng ưu đãi thuế.
Cái này đòi hỏi các doanh nghiệp VN không tiếp tay cho thủ đoạn này, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng cũng phải nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn để ngăn chặn kịp thời hành vi làm giả hàng hóa có xuất xứ VN để hưởng ưu đãi thuế.
Nếu chúng ta không làm được điều ấy thì các nước như Hoa Kỳ, EU... phát hiện sẽ có các chính sách trừng phạt lại doanh nghiệp của VN và ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia” - ông Cẩn nhấn mạnh.
Thực tế, thời gian qua lực lượng chống buôn lậu của hải quan đã phối hợp với Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ để điều tra, phát hiện các vụ gian lận sản xuất hóa chất lọc nước. Thực chất là đối tượng vi phạm nhập hàng của nước khác rồi mang về VN dán xuất xứ và đóng gói bao bì của VN để xuất sang Hoa Kỳ. Điều này rất nguy hiểm nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn, ông Cẩn cảnh báo.
Giải pháp ngăn chặn việc giả xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu sang các nước mà chúng ta ký FTA, theo ông Cẩn, lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan quản lý thị trường... phải tăng cường công tác phối hợp về chia sẻ thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng - phó chủ tịch Ban chỉ đạo 389, bộ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định tình hình buôn lậu hết sức nhức nhối, phá hoại sản xuất trong nước. Hàng lậu nhập về đủ các loại từ mũ bảo hiểm đến tân dược, thực phẩm... đến vũ khí, ma túy, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận