03/09/2016 17:26 GMT+7

Lo chợ tạm Bình Tây cản lối 
thoát hiểm

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TTO - Từ đầu tháng 8-2016, 
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Q.6 (TP.HCM) bắt đầu thi công xây chợ tạm trên đường Tháp Mười (P.2, Q.6) để làm nơi buôn bán tạm cho các tiểu thương ở chợ chính Bình Tây, chuẩn bị cho việc trùng tu chợ này.

Khu chợ tạm được xây dựng trước chợ Bình Tây - Ảnh: HỮU THUẬN
Khu chợ tạm được xây dựng trước chợ Bình Tây - Ảnh: HỮU THUẬN

Chợ tạm đang xây tại một phần lòng đường Tháp Mười và khoảng 2m bề rộng của vỉa hè đường này (phía đối diện chợ Bình Tây) khiến người dân lo lắng về khả năng thoát hiểm của dãy nhà dân bên trong.

Lối đi bị thu hẹp

Một người dân ở chung cư số 34 Tháp Mười cho biết chung cư này không có chỗ để xe nên ban đêm người dân để xe ở ngay chân cầu thang, lối thoát duy nhất ra đường Tháp Mười. Nay chợ tạm đặt ngay trên vỉa hè đường Tháp Mười, cản lối thoát người dân ra đường và làm lối đi bị thu hẹp.

“Nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra ở chung cư, người dân sẽ không thoát kịp vì lối đi còn lại phía trong chợ tạm quá nhỏ. Đó là chưa kể các cửa hàng xung quanh thường lấn chiếm, bày hàng ra vỉa hè. Chợ tạm mới xây nhưng người dân đi lại đã khó khăn, đến khi chợ hoạt động, khách ra vào đông đúc thì đi lại sẽ vất vả hơn nhiều” - người này lo lắng.

Một người kinh doanh ở mặt tiền đường Tháp Mười cho biết từ khi đơn vị thi công chợ tạm đến trước cửa hàng của ông thì mọi hoạt động thường ngày bắt đầu bị xáo trộn. Khách đến cửa hàng giảm hẳn, lối đi lại trước cửa hàng còn rất hẹp, chỉ vừa một xe đẩy hàng đi qua, những người đi chiều ngược lại phải tìm chỗ tránh.

Ngoài ra, do khu vực này không có bãi đậu xe nên người đến lấy hàng, giao hàng tại các kho phía trong đã đậu xe ngay trên vỉa hè phía trong chợ tạm càng làm cho lối đi hẹp hơn. Ở đoạn chợ tạm đã lợp mái tôn, nước mưa từ mái chảy ngược vào nhà dân, làm hư hỏng hàng hóa.

Theo quan sát của chúng tôi, vỉa hè đường Tháp Mười nói trên rộng hơn 6m thì chợ tạm đang xây đã trưng dụng khoảng 2m giáp lòng đường.

Phần vỉa hè phía trong còn lại dẫu khá rộng nhưng thường xuyên bị các cửa hàng kinh doanh ở mặt tiền đường lấn chiếm, bày hàng khiến lối đi bị thu hẹp.

Công nhân lắp đặt gian chợ tạm trên đường Tháp Mười (Q.6, TP.HCM) - Ảnh: HỮU THUẬN
Công nhân lắp đặt gian chợ tạm trên đường Tháp Mười (Q.6, TP.HCM) - Ảnh: HỮU THUẬN

Đã tính đến các tình huống

Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Q.6 (chủ đầu tư công trình chợ tạm), thiết kế của chợ tạm trên đường Tháp Mười đã được UBND Q.6 trình qua nhiều sở, ngành của TP xem xét.

Trong đó, các cơ quan chức năng yêu cầu phải bảo đảm lối đi từ 4 - 4,5m cho khu dân cư bên trong. Phương án thiết kế chợ cũng được Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP thông qua và đơn vị này yêu cầu hệ thống báo cháy của chợ tạm phải kết nối với trung tâm báo cháy TP.

Ngoài ra, khi cấp giấy phép sử dụng lòng đường và vỉa hè để bố trí chợ tạm, Sở Giao thông vận tải TP yêu cầu UBND Q.6 cam kết lập lại trật tự vỉa hè, bảo đảm lối đi cho người đi bộ. Trách nhiệm này Q.6 đã giao cho P.2 và đội quản lý trật tự đô thị quận.

Theo đó, hai đơn vị này phải thường xuyên giữ trật tự lòng, lề đường khu vực nói trên, bảo đảm cho người dân đi lại được thông suốt.

Về vụ nước mưa trút từ mái chợ tạm tạt vào nhà dân, vị đại diện này cho biết cơn mưa ngày 26-8 vừa qua quá lớn mà vỉa hè của đường Tháp Mười không thiết kế nghiêng về lòng đường nên nước chảy ngược vô nhà của một số hộ dân có nền nhà thấp.

Hôm đó, UBND P.2 đã điều động dân quân và công nhân đang thi công chợ tạm đến che chắn và giúp dân tát nước từ trong nhà ra. UBND P.2 và ban quản lý dự án đã đến xin lỗi từng nhà dân và bàn với bà con làm gờ chặn nước trước cửa nhà để ngăn nước mưa tràn vào. Sau này, khi chợ tạm làm xong sẽ có máng để thu nước mua, đổ về phía lòng đường.

Đối với các hộ kinh doanh ở mặt tiền đường Tháp Mười bị giảm doanh thu do hoạt động của chợ tạm, Chi cục Thuế Q.6 sẽ khảo sát về thuế trước và sau khi chợ tạm hoạt động để làm cơ sở giảm thuế cho người kinh doanh ở đây cho phù hợp với doanh thu và điều kiện kinh doanh.

Dự kiến chợ tạm tồn tại đến giữa năm 2018, sau đó đơn vị liên quan sẽ tái lập lại mặt đường và vỉa hè đường Tháp Mười. Hiện UBND Q.6 đã thành lập ban chỉ đạo thường trực để giải quyết sự cố liên quan đến chợ tạm này.

Chợ tạm có 1.077 sạp để bố trí cho các tiểu thương ở chợ chính Bình Tây kinh doanh trong vòng hai năm - thời gian trùng tu chợ Bình Tây. Chợ Bình Tây được xây dựng từ năm 1928, là công trình được xếp hạng di tích của TP.HCM.

Nguồn vốn để trùng tu chợ này lấy từ đóng góp của các hộ kinh doanh tại chợ. Sau khi trùng tu, các hộ sẽ được tái bố trí nguyên trạng các sạp trong chợ.

Dự kiến đến đầu tháng 10 chợ tạm làm xong và đầu tháng 11 các tiểu thương bắt đầu kinh doanh ở đây.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp