Khu tái định cư cho người dân bị sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đang gấp rút hoàn thành, xây nhà cho bà con đón tết - Ảnh: LÊ TRUNG
Nhà cửa vẫn còn ngổn ngang, những vết bùn vẫn hằn đậm trên tường, điều người dân vùng lũ quan tâm trước hết là những bữa cơm no đủ mỗi ngày. Một cái tết tươm tất, ấm áp hãy còn là chuyện xa vời…
Tôn bị lũ xé rách chưa kịp thay
Ngôi nhà của bà Võ Thị Thiết (67 tuổi, thôn An Xá, Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nằm sát ngay con rạch dẫn ra phá Hạc Hải. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà lụp xụp trống không.
Phải gọi khá lâu thì bà Thiết mới lọm khọm từ sau chái bếp tối om bưng nồi cơm đen kịt muội than ra cửa trước. Ngôi nhà có hai gian, mỗi gian khoảng 10 mét vuông vừa đủ kê hai chiếc giường cho hai chị em bà sống nhiều năm qua.
Nhà không có bàn, chỉ có một khoảng trống nhỏ phía đầu giường nên bữa cơm của hai người già trong nhà dọn ra ngay bên bếp củi. Bữa cơm của hai người chỉ có hai chiếc nồi nhỏ. Một nồi để nấu cơm. Nồi còn lại là mắm ruốc nấu loãng với nước.
Bà Thiết ngồi co ro vào gần đống lửa trệu trạo nhai xong chén cơm. Còn người em trai đã gần 60 tuổi vừa ăn vừa cười nhạt. Thi thoảng người em trai bị bệnh tâm thần chợt hét to một tiếng, rồi vùng dậy bỏ chạy ra sân. Bà Thiết phải chạy theo níu lại mấy lần người em mới ăn xong chén cơm.
Ông Võ Văn Lòi, hàng xóm bà Thiết, kể xóm này đa số đều nghèo khó. Sau đợt lũ lịch sử giữa tháng 10-2020 càng khó khăn hơn vì ai cũng mất mát, thiệt hại tài sản. Nhà bà Thiết là tận cùng của cái khổ. Ông Lòi nói mấy hôm nay trong xóm thi thoảng cũng có người nhắc đến tết, nhưng rồi ai cũng lắc đầu thở dài.
Hỏi bà Thiết chuẩn bị tết chưa, bà rầu rĩ nhìn ra mái hiên nơi có một mảng tôn bị lũ xé rách sà xuống lủng lẳng: "Miếng tôn trên mái trước nhà còn chưa có mà thay thì mô dám nghĩ đến chuyện tết nhất".
Những ngày cận tết nhưng ước mơ của hai chị em bà Thiết chỉ là bữa cơm no mỗi ngày - Ảnh: QUỐC NAM
Có nhà, tết ăn hạt muối, rau rừng cũng vui
Miền núi Quảng Nam vừa trải qua những thảm họa sạt lở, lũ quét, nhà cửa người dân bị vùi lấp cuốn trôi tất cả, chính quyền đã gấp rút lập làng mới, dựng nhà để bà con đón một cái tết đầm ấm.
Những ngày này, người dân thôn làng Trà Văn A, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, Quảng Nam (ngôi làng có hàng chục ngôi nhà bị lũ quét cuốn trôi hồi tháng 10-2020) hối hả dọn về làng mới, nhà mới. 16 căn nhà kiên cố bằng ximăng, lợp tôn được chính quyền huyện Phước Sơn cùng sự hỗ trợ của doanh nghiệp dựng lên ở sân vận động của thôn.
Nhà đã có, bà con dân làng yên tâm có chỗ trú ngụ an toàn. Tiếng cười nói, đùa giỡn rộn rã của những người dân tộc Giẻ Triêng.
Cách đây một tuần, gia đình bà Hồ Thị Phên (49 tuổi) tay xách nách mang gùi đồ đạc về nhà mới trong niềm vui chộn rộn cận tết sau nhiều tháng ở tạm nhà người khác. "Có nhà mới, tết ăn mắm muối, rau rừng cũng ngon chú à!" - bà Phên nói.
Cạnh bên, gia đình bốn người của bà Hồ Thị Vàng (58 tuổi) đang sửa soạn đồ đạc trong căn nhà mới của mình. Mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ nhưng đối với bà, có nhà là có tết.
Còn tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My - nơi xảy ra thảm họa sạt lở núi khiến hàng chục người chết, mất tích, nhà cửa vùi lấp, lũ quét, nay cũng dần hồi sinh. Một khu tái định cư cho khoảng 50 hộ dân với hàng chục lô đất đang được chính quyền gấp rút hoàn thiện.
Khu vực nóc Ông Đề cũng được lắp đặt thêm đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng vào ban đêm. Dân làng dần nguôi ngoai nỗi đau, tiếp tục sản xuất để đón tết.
Chị Hồ Thị Bông (38 tuổi, thôn 1, xã Trà Leng) chỉ tay về lô đất tái định cư vừa nhận cuối năm 2020 nói Nhà nước đã cấp đất để gia đình chị cùng bà con ổn định cuộc sống. Trận sạt lở kinh hoàng hồi cuối tháng 10-2020 khiến chị mất 8 người thân, ngôi nhà bị vùi lấp.
Gia đình chị được cấp thửa đất rộng 200m2 và hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở kiên cố tại khu tái định cư, dự kiến nhà làm xong trước Tết Tân Sửu. "Tết có nhà mới kiên cố thì còn gì vui bằng" - chị Bông bộc bạch.
Ráng có nhà cho dân đón tết
Ông Phan Quốc Cường - chủ tịch UBND xã Trà Leng - cho biết khu dân cư mới cho người dân vùng sạt lở Trà Leng rộng 6ha đang hoàn thiện mặt bằng, phân chia 81 lô đất cho 51 hộ dân làm nhà. Mỗi hộ được hỗ trợ kinh phí làm nhà với mức 150 triệu đồng, từ ngân sách và nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm.
"Tới thời điểm hiện tại mặt bằng được phân lô, cắm mốc và xã cũng đã họp bà con để lựa chọn vị trí đất của mình, gấp rút xây nhà mới để bà con kịp đón tết" - ông Cường nói.
Kiểm tra tại khu tái định cư Trà Leng hôm 9-1, ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết chính sự đồng thuận cao từ phía người dân và chính quyền đã giúp mặt bằng nhanh chóng được triển khai thực hiện, đảm bảo các điều kiện sớm thi công công trình nhà ở cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ theo chủ trương của tỉnh.
"Việc triển khai phải đảm bảo các yếu tố vừa nhanh về tiến độ nhưng cũng vừa đảm bảo an toàn trong lao động. Cố gắng đến Tết Nguyên đán 2021 một số hộ dân kịp thời có nhà ở để đón năm mới, ổn định cuộc sống, vui xuân đón tết" - ông Bửu nói.
Đà Nẵng kêu gọi tài trợ quà cho hộ cận nghèo
Giãn cách xã hội kéo dài 2 tháng cộng thêm những đợt mưa lụt liên miên nên khi thời tiết bớt âm u, bà con ở vựa rau La Hường (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) mới nở nụ cười.
"Đây là năm khó khăn của nông dân Đà Nẵng vì lượng du khách giảm, rau chẳng được giá như mọi khi. Đã vậy lại còn cách ly tới hai đợt, đến khi được giá trong mùa mưa thì hầu như ở đây chẳng có gì để bán vì nước lụt" - ông Hồ Văn Tưởng, một hộ dân trong HTX rau an toàn La Hường, nói.
Chính vì một năm "kinh tế buồn" nên cả gia đình ông Tưởng đều trông chờ vớt vát vào đợt rau cuối năm. Theo ông Tưởng, tết đến có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít nhưng chủ yếu là vui.
Đứng đợi người thân ra lấy hàng chi viện trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, anh Trung Ba (xã Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay mẹ anh bị bệnh hiểm nghèo, thường xuyên trong viện. Năm qua vợ chồng anh phải tạm nghỉ việc vì khách sạn anh làm đóng cửa. Những ngày cuối năm anh vừa quay lại khách sạn làm việc, vừa tranh thủ đi giao thức ăn nhanh để bù lại thời gian giãn cách xã hội.
Ông Lê Trung Chinh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết dịch COVID-19 và thiên tai đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Do vậy một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt là chăm lo đời sống nhân dân, chuẩn bị chu đáo mọi mặt để nhân dân đón Tết Tân Sửu. TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch tặng quà tết cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí trên 52 tỉ đồng.
Theo ông Chinh, TP có gần 10.000 hộ cận nghèo và mới thoát nghèo. Đây là hai đối tượng không thuộc diện được tặng quà tết theo quy định nên TP đang tích cực kêu gọi, vận động tài trợ để có nguồn kinh phí hỗ trợ quà tết cho hai đối tượng này.
Tất bật những làng hoa rốn lũ
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Tân Sửu. Trời xứ Huế mưa lạnh buốt da. Tại những làng quê hạ nguồn sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu thuộc các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, người dân tất bật ra đồng chuẩn bị gieo mạ cho vụ lúa đông xuân và những luống hoa mùa tết.
Trong cơn rét cắt da, chúng tôi tìm về rốn lũ xã Thủy Thanh, Thủy Vân - nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của thị xã Hương Thủy trong cơn lũ lịch sử đầu tháng 10-2020. Cánh đồng nước lũ bao la cách đây vài tháng giờ hiện ra cả mấy ngàn chậu cúc chuẩn bị phục vụ Tết Tân Sửu. Cúc ở đây không những bán cho các đại lý ở Huế mà còn được thương lái các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị vào lấy hàng.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí (xã Thủy Vân), trận lũ tháng 10-2020 khiến diện tích ươm cúc năm nay bị hư hỏng, nhiều gia đình phải trồng lại, có nhà bỏ luôn nên sản lượng hoa cúc cung ứng ra thị trường năm nay không bằng như mọi năm.
"Năm nay thị trường tiêu thụ hoa bị ảnh hưởng nặng do bão lũ nên chắc chắn mức mua giảm. Diện tích hoa bị ngập giai đoạn đầu cũng khiến năng suất hoa giảm, thời gian ra hoa cũng bị ảnh hưởng do đợt rét nặng kéo dài. Tôi chỉ mong đủ tiền công, chứ chắc không lãi nhiều như mọi năm", ông Trí nói.
Ông Nguyễn Hữu Trí (xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chăm sóc các chậu cúc chuẩn bị bán tết - Ảnh: P.TUẦN
Những cánh đồng hoa ở hạ nguồn sông Hương của xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) cũng bắt đầu hé nụ, khoe sắc. Ngay sau khi lũ rút, người dân nơi đây bắt đầu tất bật với vụ hoa tết. Bà Lê Thị Thanh (thôn Mậu Tài) cho biết:
"Năm nay không khí tết dịu hẳn. Con cái làm ăn ở miền Nam cũng hay gọi về hỏi thăm, chứ không biết có về hay không vì đợt bão vừa qua ai cũng về sửa lại nhà cửa. Bà con trong xóm giờ lo cho vụ hoa tết, vụ lúa đông xuân nên hỏi chuẩn bị tết chắc còn xa lắm".
Không những nổi tiếng với các cánh đồng hoa vạn thọ, lay ơn, cúc, mào gà…, xã Phú Mậu này còn nổi tiếng làng nghề hoa giấy Thanh Tiên hơn 300 năm qua. Loại hoa giấy này người dân Huế hay mua vào dịp 23 tháng chạp để cúng ông Táo, nhà nào cũng mua vài cành cúng trên bàn thờ trang (nét văn hóa của người Huế).
Những ngày này, không khí tết hiện hữu rõ nét trong mỗi căn nhà đầy ắp hoa giấy ở làng Thanh Tiên. Khoảng rằm tháng chạp, hoa giấy sẽ đi khắp các chợ quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế để bán cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Tiến (58 tuổi, xã Phú Mậu) cho biết năm nay lũ lụt thiệt hại nặng, nhiều nhà bắt đầu làm hoa giấy muộn hơn mọi năm. Để làm hoa giấy, bà con phải chuẩn bị trước các vật dụng như tre, giấy, màu. Làm hoa giấy mất thời gian, qua nhiều công đoạn. Cả năm dành mấy tháng làm nhưng thu lợi không nhiều, chủ yếu lấy công làm lãi và duy trì nghề truyền thống của ông bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận