03/11/2020 22:07 GMT+7

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Lũ quét qua, hàng trăm nóc nhà đồng bào Bh'noong vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) bị cuốn trôi theo dòng nước cùng với tài sản, vật dụng khiến người dân bỗng chốc trắng tay.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 1.

Chị Hồ Thị Nương (19 tuổi), thôn Triêng, xã Phước Kim, Phước Sơn, ẵm con nhỏ tạm trú tại hành lang Trường mần non liên xã Kim - Thành - Lộc gần tuần qua. Gia đình 7 người của Nương cũng ở đây do mưa lũ làm hư hỏng nhà cửa - Ảnh: TẤN LỰC

Những ngày căng thẳng nhất đã qua đi, cái ăn cái mặc cho dân đã được chính quyền và các tổ chức từ thiện xã hội cung cấp kịp thời. Nhưng nỗi lo về chỗ ở vẫn canh cánh trong lòng cư dân vùng sạt lở.

Mấy chục hộ dân ăn ngủ ở hành lang trường học

Trưa 3-11, không khí lạnh còn bao phủ những triền núi Phước Sơn, Quảng Nam, mặc cho trời đã tạnh ráo từ sáng sớm.

Những xe hàng chở đồ cứu trợ lặc lè bò qua con đường đất đỏ trơn trượt cũng vừa tiến vào tới xã Phước Kim. Tại đây, hàng trăm người dân xã này và xã Phước Thành gần đó đứng đợi sẵn chờ hàng cứu trợ.

Em Hồ Văn Xuân, trú thôn 4, xã Phước Thành, được gia đình cử đi nhận hàng tiếp tế từ 5h sáng. Đoạn đường đi bộ băng rừng từ nhà Xuân đến nơi nhận hàng hơn 4 giờ đồng hồ.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 2.

Gương mặt mệt mỏi của những hộ dân thôn Triêng, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, Quảng Nam, bởi nhà cửa hư hỏng nặng vì lũ quét. Hiện tại họ đang ở nhờ tại Trường mầm non liên xã Kim - Thành - Lộc - Ảnh: TẤN LỰC

Đoàn người đi cùng Xuân có cả nam lẫn nữ, người trẻ và người già tổng cộng trên trăm người. Ai cũng mệt và lạnh nhưng để có cái ăn và cái mặc họ không có lựa chọn khác.

Người dân Phước Thành sau bão thiệt hại nhẹ thì mất hết ruộng rẫy, nặng thì mất sạch nhà cửa, tài sản. Còn lại hầu như ai cũng bị mất trâu bò, vật nuôi, nhà cửa hư hại, bùn đất ngập làng.

Không riêng gì xã Phước Thành, người dân các xã Phước Kim, Phước Lộc cũng lâm vào cảnh tương tự.

Những người mất nhà, mất sạch tài sản được chính quyền bố trí ở tạm các trường học, nhà cộng đồng hoặc xin ở nhờ nhà bà con. Ngay hành lang Trường mầm non liên xã Kim - Thành - Lộc, 33 hộ gia đình hàng trăm con người từ già tới trẻ đang phải tá túc tạm bợ chưa biết ngày trở về. Họ đều là dân thôn Triêng, xã Phước Kim, được chính quyền di tản vì cả thôn bốn phía núi cao có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Những nóc nhà giờ đây cũng không còn nguyên vẹn khi lũ ống quét qua, có nhà bùn ngập cả mét, đất đá lăn vào bên trong, tôn bay ván trôi tứ phía.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 3.

Góc hành lang nơi gia đình 4 người của chị Hồ Thị Hằng, thôn Triêng, xã Phước Kim, trú cùng những hộ gia đình khác - Ảnh: TẤN LỰC

Ngồi gấp tấm mền mới được đoàn cứu trợ tặng trên tấm chiếu ngoài hành lang, chị Hồ Thị Hằng (35 tuổi), nét mặt rầu rĩ khi cơn lũ quét qua trôi sạch tài sản trong nhà. Gần một tuần qua, chị cùng chồng và hai đứa con chen chúc góc hành lang này với mấy gia đình khác trong thôn. Những thùng mì gói, nước lọc, chăn màn cứu trợ được chất hai bên, ở giữa là nơi trải chiếu cho mấy gia đình nằm ngủ.

Trên vạt cỏ bên cạnh, tấm bạt tạm bợ được dựng lên để kê mấy cái bếp nấu mì gói ăn qua bữa. "Lũ quét nhanh quá, cả nhà không kịp di dời thứ gì cả, chỉ mang được mấy giấy tờ quan trọng rồi thoát thân ra ngoài. Đến lúc trở về thì không còn gì nữa, tivi, tủ lạnh, quần áo, chén đĩa, trâu bò, xe cộ trôi hết theo lũ rồi. Cả mấy căn nhà trong thôn bây giờ không biết có còn ở được không, sạt lở nhiều rồi dân sợ lắm" - chị Hằng tâm sự.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 4.

Những người thân trong nhà chị Hồ Thị Nương đang trong những ngày sống bấp bênh - Ảnh: TẤN LỰC

Ở góc hành lang tòa nhà bên cạnh, chị Hồ Thị Nương (19 tuổi) ngồi ẵm đứa con trai 2 tháng tuổi trông thật nẫu ruột. Núi đồi sạt lở, cả làng di tản, gia đình 7 người của chị cũng theo nhau ra tá túc tại đây. Cậu con trai ngủ yên trong lòng mẹ không biết rằng đại gia đình đang rơi vào thảm cảnh. Ngôi làng bình yên lưng chừng triền núi xanh thẳm của Trường Sơn, nơi dung chứa bao thế hệ người Bh'noong, đã trở nên nguy hiểm và đáng sợ trong mắt tất cả mọi người.

Nhưng những ngày tá túc tạm bợ thế này không thể kéo dài mãi. Những gia đình đồng bào vùng sạt lở đang mong ngóng từng ngày được tái thiết lập đất, lập làng để ổn định cuộc sống.

Cắt dự án không cần thiết, làm nhà tạm cho dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Thương, phó chủ tịch UBND xã Phước Kim, cho biết sau bão nhiều nhà hảo tâm đã tới với bà con và cung cấp gạo, mì, quần áo khá nhiều. Do đó, cái ăn, cái mặc trước mắt chưa phải quá lo lắng nhưng cấp thiết hiện nay cần nhất là làm sao có những chương trình dài hơi giúp dân dựng lại mái nhà vì nhiều nhà hư hỏng toàn bộ, số còn lại cũng hư hỏng ít nhiều, không bảo đảm an toàn cho lưu trú.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 5.

Gương mặt đượm buồn của em Hồ Văn Huy (12 tuổi), thôn Triêng, xã Phước Kim, khi cùng gia đình trú tạm tại hành lang trường tiểu học do nhà đã hư hỏng - Ảnh: TẤN LỰC

Tại cuộc làm việc với ngành chức năng huyện Phước Sơn sáng 3-11, ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, yêu cầu huyện Phước Sơn tập trung đảm bảo sinh hoạt cho dân vùng sạt lở và tái thiết cuộc sống sau bão lũ. Đồng thời, tổ chức lực lượng, phân công cán bộ tới tận nơi khảo sát và có kế hoạch di dời ngay người dân ở nơi nguy hiểm, ven sông suối khi bão số 10 sắp đến.

Ông Hà thông tin hiện có hơn 400 người dân các xã Phước Lộc, Phước Thành và hàng chục hộ dân Phước Kim đang phải tránh trú tạm tại cơ quan nhà nước, trường học vì mất nhà sau bão lũ. Do đó, yêu cầu Phòng kinh tế - hạ tầng nghiên cứu dựng nhà lắp ghép tạm thời cho dân để đến khi hết bão ứng kinh phí triển khai làm ngay.

Lo chỗ ở cho dân mất nhà tại vùng sạt lở Phước Sơn - Ảnh 6.

Cụ Hồ Thị Hép và cháu gái Hồ Thị Hằng (19 tuổi), thôn Triêng, xã Phước Kim, đang sống tạm trường học sau khi lũ quét qua làng - Ảnh: TẤN LỰC

"Ít nhất phải giữa năm sau dân mới có nhà ở. Từ đây tới đó phải lo cho dân ở nhà tạm chứ không thể gửi nhờ nhà người quen, trụ sở cơ quan mãi được. Nhà lắp ghép này phục vụ những hộ nào không còn nhà cửa, sau khi dân xây nhà thì thu lại để lúc cần đưa ra cho bà con ở tạm" - ông Hà nói.

Đồng thời, yêu cầu huyện Phước Sơn tạm dừng các công trình xây dựng cơ bản năm 2021 chưa thiết yếu để dành kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ như sửa đường giao thông, làm nhà ở, đất ở cho dân. Chỉ những công trình nào cấp thiết cho dân thì tiếp tục đầu tư xây dựng, những công trình không cấp phải thiết tạm dừng. Ví dụ như dự án Khu di tích sân bay Khâm Đức, dự án làm vỉa hè đường Hồ Chí Minh và một số công trình khác.

Ngoài ra, rà soát các trường học để sửa chữa, hỗ trợ lực lượng dọn dẹp trường lớp và ứng kinh phí mua sách vở để đảo đảm cho học sinh tới trường.

Học sinh vùng sạt lở Phước Sơn: ‘Cả làng trôi mất, nhà em không còn ai’ Học sinh vùng sạt lở Phước Sơn: ‘Cả làng trôi mất, nhà em không còn ai’

TTO - Đang học ở trung tâm thị trấn cách nhà 50 cây số, liên tiếp hai học sinh xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bật khóc khi nhận được hung tin. "Cả làng trôi mất, nhà em không còn ai", học sinh Hồ Văn Lan nức nở.


TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp