Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại biệt thự Kerylos (Pháp) ngày 24-5 - Ảnh REUTERS
Thông tin từ trụ sở của hãng tại Toulouse (Pháp) cho biết hợp đồng này bao gồm 290 chiếc A320neo và 10 chiếc A350.
Giá trị của thỏa thuận trên được cho là cao gấp đôi so với lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 1-2018.
Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Airbus được chốt đúng thời điểm Boeing - đối thủ chính của Airbus, đang phải gặp khủng hoảng sau hai vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong vòng 5 tháng với dòng Boeing 737 Max 8.
Bản thân 737 Max cũng là một dòng Boeing muốn cạnh tranh trực tiếp với chiếc A320 nổi tiếng của Airbus.
Nhiều quốc gia đã dừng hoạt động các máy bay 737 Max của Boeing sau hai vụ tai nạn kinh hoàng và nhiều sự cố liên tiếp xảy ra.
Việc chốt thỏa thuận mua máy bay Boeing trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ đổ vỡ. Doanh số bán của hãng máy bay Mỹ tại châu Á cũng sụt giảm dần.
Tất cả gần như trở thành cơn ác mộng với Boeing, khi Airbus vượt lên chiếm ưu thế với lời đề nghị mở rộng cơ sở sản xuất đến Thiên Tân (Trung Quốc).
Chiếc A320neo của hãng máy bay Airbus - Ảnh: REUTERS
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã trở thành thị trường máy bay quan trọng thế giới kể từ khi nhu cầu đi lại của tầng lớp trung lưu tại đây tăng cao.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thông thường sẽ tìm cách giữ cân bằng giữa hai nhà sản xuất máy bay của phương Tây, trong khi vẫn phát triển sản xuất trong nước.
Thế nhưng, thỏa thuận với Boeing lần này lại gặp phải rào cản lớn vì các xung đột thương mại với Mỹ.
Chuyên gia Rob Stallard của hãng nghiên cứu Vertical Research Partners nhận định Trung Quốc đang truyền thông điệp tới Mỹ từ thỏa thuận với Airbus. Theo ông, nước này muốn phía Mỹ phải "chơi đẹp để được họ đáp lại".
"Tôi nhìn nhận câu chuyện này trong toàn cảnh đàm phán thương mại. Đối với Trung Quốc, việc áp thuế quan lên máy bay của Boeing sẽ là vấn đề hạt nhân, nhưng bạn có thể truyền đi thông điệp bằng cách khác", ông Stallard nói.
Ban đầu, ông Macron đưa ra thỏa thuận 18 tỉ USD với Trung Quốc. Thế nhưng Pháp vẫn không thể chốt được đơn đặt hàng trong năm ngoái, dù phải thực hiện thêm một chuyến thăm cấm nhà nước hồi tháng 6 và cử đoàn lãnh đạo Airbus sang Trung Quốc đàm phán sau đó ba tháng.
Trong thỏa thuận được công bố ngày 25-3, Trung Quốc đều lựa chọn gắn động cơ mới (neo) đối với phiên bản CEO của các dòng A319, A320 và A321. Tuy nhiên, quốc gia này chủ yếu mua A320neo và A321neo.
Mẫu A320neo mới nhất có giá 110,6 triệu USD, A350-900 được bán với giá 317,4 triệu USD trước khi giảm, theo Bloomberg.
Trung Quốc thường đặt đơn hàng lớn và phân phối cho các hãng hàng không của họ. Airbus ước tính thị trường tại quốc gia này hiện cần thêm 7.400 máy bay dân dụng trong vòng hai mươi năm tới, chiếm 20% nhu cầu toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận