Một tiết học của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đào tạo giáo viên để chuẩn bị cho việc đổi mới giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường sư phạm - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Trong đó việc đào tạo giáo viên giảng dạy các môn tích hợp sẽ trở thành vấn đề chính thuộc trách nhiệm của các trường sư phạm. Nhiều góp ý xoay quanh vấn đề vai trò quan trọng và mang tính quyết định của giáo viên trong dự thảo đổi mới giáo dục lần này. Tuổi Trẻ xin được giới thiệu...
* PGS.TS Ngô Minh Oanh (viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Cần tính toán việc đào tạo giáo viên dạy học tích hợp
Có hai việc ngành sư phạm cần làm là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học.
Trên thực tế, các giáo viên trước nay vẫn được đào tạo kiến thức phổ thông cơ bản và các môn học liên quan, như giáo viên vật lý vẫn học toán, hóa học, sinh học, nên vấn đề đào tạo giáo viên giảng dạy tích hợp không phải là một trở ngại.
Thứ hai, ngành sư phạm cần có một chương trình dài hơi để đào tạo giáo viên đa môn phù hợp với đổi mới giáo dục.
Cần có kế hoạch đào tạo từ nay cho đến năm 2023, khi chương trình giáo dục được thực hiện đại trà. Khá nhiều người lo lắng về tình trạng giáo viên một số môn tự chọn sẽ ít giờ dạy hơn hoặc sẽ dư thừa, tuy nhiên phải nhìn nhận giáo dục của chúng ta đang từng bước hội nhập, tiến tới việc tăng lớp học, giảm sĩ số (mỗi lớp chỉ còn 20 HS).
Khi đó việc phân bố giáo viên sẽ khác. Dựa vào dự báo, sẽ có sự cân đối để đáp ứng cung và cầu về giáo viên, từ đó điều tiết giáo viên chuyển từ những môn này sang các môn phù hợp. Đội ngũ giáo viên vẫn là yếu tố nòng cốt quyết định việc đổi mới sẽ thành công hay thất bại.
Vì vậy cần tính toán việc đào tạo giáo viên dạy học tích hợp (ở bậc THCS) và phân hóa (ở bậc THPT), phương pháp giảng dạy của giáo viên phải phát triển được năng lực người học. Bên cạnh đó, cơ chế tổ chức dạy học và cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng là hai điều kiện quan trọng để giáo viên có thể chủ động đổi mới theo đúng tinh thần của dự thảo.
* TS Đinh Thị Kim Thoa (trưởng khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội):
Nhiều thầy, cô giáo đã thực hiện việc dạy đa môn
Chúng ta không thể cầu toàn ngồi chờ có đủ lực lượng giáo viên ưng ý mới tiến hành đổi mới chương trình. Trong đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay, có một bộ phận sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình sách giáo khoa phổ thông mới, nhưng có một bộ phận cần phải bồi dưỡng, tập huấn.
Ngoài việc các trường ĐH sư phạm cần vào cuộc trong việc đào tạo để bổ sung giáo viên mới theo yêu cầu thì việc triển khai chương trình sách giáo khoa phổ thông mới vẫn phải trông chờ chủ yếu vào đội ngũ hiện có, vừa triển khai vừa thực hiện các giải pháp để khắc phục dần những bất cập.
Nhìn vào đội ngũ giáo viên đang đảm nhiệm vai trò dạy học trong các nhà trường phổ thông, tôi cho rằng nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, phần đông giáo viên có khả năng đáp ứng được.
Mặc dù giáo viên trước đây được đào tạo đơn môn, nhưng trong chương trình đào tạo họ bắt buộc phải học những nội dung liên quan. Ví dụ sinh viên khoa toán cũng phải học những nội dung liên quan tới vật lý, sinh viên khoa hóa cũng phải học nội dung liên quan tới sinh học.
Hệ thống nội dung đào tạo trong trường sư phạm cung cấp cho sinh viên một nền tảng kiến thức rộng hơn, ngoài môn học chuyên sâu.
Trên thực tế, do yêu cầu khác nhau của các địa phương, nhiều giáo viên của các nhà trường phổ thông đã phải đảm nhiệm dạy đa môn. Ví dụ giáo viên hóa dạy thêm sinh, giáo viên toán dạy thêm vật lý...
Tuy nhiên, nhân đây tôi cũng bày tỏ băn khoăn rằng việc đào tạo giáo viên mới thích ứng với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là việc cần và không dễ nhưng chúng ta có thể làm được, dần dần đáp ứng được.
Nhưng nếu ngành GD-ĐT không thay đổi cơ chế quản lý, tuyển dụng và sử dụng giáo viên thì chính những bất cập, những quy định cứng nhắc trong cơ chế quản lý mới là vật cản lớn nhất cho việc phát huy khả năng sáng tạo và gắn bó với nghề của giáo viên, nhất là các giáo viên trẻ.
* TS Phạm Hồng Quang (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên - ĐH Thái Nguyên):
Nên có cái nhìn đúng về dạy tích hợp
Không nên hiểu dạy học tích hợp là gộp kiến thức của các môn học truyền thống lại, ví như dạy khoa học tự nhiên thì gộp kiến thức môn vật lý, hóa học, sinh học lại để dạy.
Với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, tôi hiểu điểm mấu chốt là giáo viên phải được bồi dưỡng về phương pháp tư duy.
Mục tiêu mới đòi hỏi phương pháp mới và kiến thức môn học chỉ là phương tiện, là chất liệu để giáo viên thực hiện phương pháp dạy học nhằm hình thành, khơi dậy và phát huy năng lực học sinh.
Vì thế việc bồi dưỡng giáo viên để đảm nhiệm chương trình mới không phải theo cách giáo viên toán thì cho đi học thêm vật lý, hóa học mà là bồi dưỡng các năng lực khác nhau cho người thầy để có thể thiết kế chương trình, thực hiện các phương pháp dạy học hiệu quả.
Về việc này tôi tin là giáo viên hiện nay có thể đáp ứng được yêu cầu nếu họ được bồi dưỡng thêm về phương pháp dạy học.
Ngoài việc bồi dưỡng cho giáo viên và giáo viên tự bồi dưỡng, tự học, việc triển khai dạy học tích hợp cũng như tổ chức các hoạt động, chuyên đề giáo dục trong mỗi nhà trường còn trông đợi vào sự điều hành của lãnh đạo các nhà trường đó.
Làm sao để giáo viên các nhóm môn học gần nhau phải cùng ngồi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác thiết kế các bài giảng, chuyên đề dạy học.
Hiệu trưởng một trường tư thục tại TP.HCM: Nhiều trường sẽ không cần đến giáo viên các môn xã hội “Cần lường trước rằng nếu HS được tự chọn môn học ở bậc THPT, sẽ có rất nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là khối các trường tư thục, không cần đến giáo viên các môn xã hội như sử, địa. Điều này là chắc chắn. Hầu hết HS chọn các môn tự nhiên, bỏ xã hội đã là xu hướng vài năm nay và dư luận nói nhiều. Theo tinh thần dự thảo thì HS được chủ động hơn nữa để chọn lựa môn học gần với định hướng nghề nghiệp của mình. Vì vậy ngành giáo dục cần tính toán để không lãng phí đội ngũ giáo viên, chuyển đổi môn học, tích hợp môn xã hội vào các môn khác để HS học hiệu quả mà không mất quá nhiều thời gian và công sức như trước. Ở môn sử, không cần dạy HS năm diễn ra hay diễn biến các trận đánh vì các em có thể tra cứu trên Google. Nếu chỉ dạy kiến thức cơ bản thì có thể tích hợp sử, địa vào các môn khác. Nếu phân bố không tốt sẽ xảy ra tình trạng một số môn thiếu giáo viên trầm trọng, còn một số môn thì giáo viên không biết làm gì để sống. Đây là bài toán khó cần sự đầu tư tính toán của cấp lãnh đạo trước khi thực hiện”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận