13/07/2017 10:39 GMT+7

Lo âu với tảng băng trôi khổng lồ từ Nam Cực

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay vừa tách ra khỏi Nam Cực với diện tích ước tính khoảng 6.000 km2.

Tảng băng trôi (iceberg) tách ra khỏi thềm băng Larsen C có diện tích gần 6.000 km2 - Ảnh: NASA

Một vệ tinh Mỹ đã quan sát quá trình tảng băng tách ra khỏi khu vực gọi là thềm băng Larsen C của Nam Cực ngày 12-7.

Đài BBC cho biết các nhà khoa học đã theo sát sự kiện này và theo dõi đường nứt trên thềm băng Larsen hơn một thập kỷ qua.

Đường nứt trên thềm băng Larsen bắt đầu lan rộng ra kể từ năm 2014 khiến cho việc tách tảng băng trên ngày trở nên rõ ràng hơn.

Trong ngắn hạn, tảng băng có diện tích bằng 1/4 diện tích Xứ Wales và dày hơn 200 mét này sẽ không thể trôi nhanh và trôi xa.

Tuy nhiên các nhà khoa học sẽ cần phải để mắt đến nó do dòng chảy đại dương và gió có thể đẩy tảng băng trôi về phía bắc Nam Cực và gây cảnh trở cho tuyến đường giao thương của tàu bè tại khu vực này.

Hệ thống ra đa vệ tinh Sentinel-1 của liên minh châu Âu cũng xác nhận sự kiện tảng băng trôi tách ra khỏi thềm băng Larsen C.

Tảng băng tách từ thềm Larsen là một trong 10 tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận đến nay.

Tảng băng lớn nhất từng được quan sát thấy trong thời đại vệ tinh là tảng B-15, tách ra từ thềm băng Ross năm 2000 với diện tích khoảng 11.000 km2. Sáu năm sau, những mảnh vỡ của tảng băng trôi này vẫn còn và đã trôi qua New Zealand.

Hồi năm 1956, một tàu phá băng của hải quân Mỹ đã chạm trán một tảng băng trôi gần 32.000 km2. Tảng băng này rộng hơn cả nước Bỉ. Không may là thời đó không có vệ tinh để theo dõi số phận của tảng băng này.

Ngoài ra thềm băng Larsen C cũng từng "sinh ra" những tảng băng trôi lớn. Một tảng băng trôi rộng khoảng 9.000 km2 đã tách ra khỏi thềm băng này vào năm 1986.

Một số lượng lớn các tảng băng trôi từ khu vực trên có thể mắc cạn ở các thềm lục địa vòng quanh vùng biển ngoài khơi vùng lãnh thổ Nam Georgia của Anh và tan dần.

Hai thềm băng nhỏ hơn Larsen A và Larsen B đã tan dần trong một thế kỷ qua và sự ấm lên toàn cầu đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn cái chết của 2 thềm băng này.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp