Người dân livestream tại đám tang nghệ sĩ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Vì sao có hiện tượng này, cần làm gì để hoạt động livestream không biến tướng hơn?
Tuổi Trẻ Online ghi nhận một số ý kiến của đại diện cơ quan chức năng, những người có tìm hiểu và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, để cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi này.
TS LÊ MAI TÙNG (giám đốc công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo): Có thái độ trước các nội dung vô bổ
Phần lớn người livestream thường có mục đích rõ ràng như để kiếm tiền hoặc để bạn bè biết đến, được công nhận, tăng lượng theo dõi... Chúng ta đang có một bộ phận không nhỏ người xem quan tâm đến đời tư cá nhân, những vấn đề giải trí không có nội dung, thông điệp...
TS LÊ MAI TÙNG
Chính vì thị hiếu như vậy, nên những người cung cấp nội dung sẽ phát triển theo hướng đó. Nếu nhìn một cách thấu đáo, hiện tượng livestream bát nháo như bây giờ phải đặt trong tổng thể về trình độ dân trí, xã hội và nhu cầu của thị trường.
Do đó, việc cần làm là nếu thấy nội dung không có giá trị, vô bổ thì đừng xem, đừng chia sẻ hay tương tác. Nếu phát hiện video vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng phải bấm nút báo cáo nhà cung cấp nền tảng tiếp nhận, kiểm duyệt.
Với những YouTuber, nếu livestream để kiếm tiền không nên đưa những nội dung phản cảm, câu view bằng mọi giá mà hãy chọn một hướng đi bền vững bằng những nội dung tạo được thiện cảm trong mắt người xem.
VÕ Ê VO (chuyên livestream cho một mạng xã hội): Kích thích sự tò mò là bước đi ngắn hạn
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi nên việc livestream cũng vậy, mỗi người phải có bản lĩnh để kiểm soát điều mình đang làm. Trước mỗi lần bấm livestream, tôi phải chuẩn bị rõ ràng rằng hôm nay mình sẽ nói điều gì, mục đích của mình là gì để không đi lệch những mục tiêu đã đặt ra bởi luôn có hàng trăm người xem mình phát trực tiếp và mức độ lan tỏa sẽ nhân lên gấp bội.
Bản thân phải có những quy tắc như điều gì không nên nói, điều gì trái với thuần phong mỹ tục cần phải tránh và cân nhắc đối tượng đang xem mình trò chuyện là ai để ứng xử chừng mực.
VÕ Ê VO
Tôi thường livestream để thể hiện năng khiếu âm nhạc, trò chuyện về những chủ đề trong cuộc sống hoặc thảo luận về những vấn đề người dùng đề cập, quan tâm, song không bao giờ đả kích ai trên mạng.
Với những người dùng thiếu văn hóa, tôi sẽ nhắc nhở và có thể loại bỏ tài khoản này khỏi trang của mình. Như vậy sẽ tạo nên một cộng đồng văn minh hơn. Có nhiều người chọn lối đi tắt để thu hút người xem là livestream kích thích sự tò mò bằng cách ăn mặc hở hang, trò chuyện kích động, hùa theo đám đông... nhưng tôi cho rằng đó là bước đi ngắn hạn.
Nhà văn THIÊN SƠN: Loại bỏ kiểu làm truyền thông bất chấp đạo đức
Chuyện một nhóm người làm nội dung các trang mạng như Facebook, YouTube đã livestream một đám tang nghệ sĩ vì mục đích thu hút người xem để làm quảng cáo là lối truyền thông thực dụng, bất chấp đạo lý và cần ngăn chặn.
Thực ra, truyền thông là một lĩnh vực văn hóa đòi hỏi trách nhiệm xã hội và nghiệp vụ. Người tham gia lĩnh vực này (kể cả trên mạng xã hội) cần hiểu rõ những điều gì được làm, không được làm theo quy định của pháp luật và cần phải ý thức góp cho xã hội những cái nhìn tích cực, lành mạnh vì sự tốt đẹp của cuộc sống.
Nhà văn THIÊN SƠN
Việc tăng cường quản lý để loại bỏ khỏi mạng xã hội những người làm truyền thông bất chấp đạo đức, lợi dụng những người nổi tiếng, những sự kiện nóng để thực hiện mục đích cá nhân của họ là cần thiết.
Ở góc độ dư luận xã hội, cộng đồng mạng nên có ý kiến tẩy chay những lối làm truyền thông, những thông tin, hình ảnh phản cảm, thực dụng và ác ý. Nếu chúng ta không có thái độ rõ ràng về vấn đề này, những việc hôm nay có thể chỉ mới là sự lố bịch, kệch cỡm sẽ phát triển ngày càng lớn thành những tệ nạn và tội ác.
Còn với các YouTuber bất chấp đạo lý, văn hóa để kiếm tiền như chuyện livestream đám tang một nghệ sĩ cho thấy một xu hướng thực dụng, kiếm tiền trên nỗi đau của người khác đang ngày càng phình ra và trở thành vấn nạn. Tất nhiên, hiện trạng đó có lý do xã hội của nó và các nhà quản lý cần tìm ra nguyên nhân để có những biện pháp quản lý hữu hiệu.
Ở góc độ văn hóa, việc đặt sai các nấc thang giá trị đang tạo nên sự thiên lệch và gây nhiễu loạn, lạc hướng đối với con người. Lẽ ra, chúng ta phải đề cao lòng yêu thương, trí tuệ, sự tự trọng thì giờ lại coi vật chất, tiền bạc như thước đo của thành công, danh vọng. Sự sai lầm này đang khiến xã hội gặp phải những bi kịch và không dễ gì giải quyết trong ngắn hạn.
Một người livestream cảnh phố đi bộ Bùi Viên ngày cuối tuần cho các bạn ở nước ngoài xem - Ảnh: T.T.D.
Xu hướng siết luật để tránh lạm dụng livestream
Các nước trên thế giới đang có xu hướng siết chặt pháp luật xung quanh câu chuyện về hành động phát trực tiếp (livestream) hình ảnh từ thiết bị lên các nền tảng web, mạng xã hội. Tuy nhiên, dù hành động lạm dụng livestream có thể gây phản cảm, thực tế là không có điều luật nào ngăn cấm.
Nói cách khác, yếu tố đạo đức trong livestream không thành luật ở các nước. Thay vào đó, những quy định và luật liên quan tới livestream chủ yếu nhắm vào các yếu tố thương mại, quyền riêng tư và pháp luật về tuyên truyền bạo lực, tin giả.
Người dùng tính năng phát trực tiếp có xu hướng khoe "chiến tích" với cộng đồng mạng, và đây thuộc nhóm trường hợp vi phạm Luật bản quyền và dễ bị bắt nhất. Năm 2015, một sinh viên tại Chicago (Mỹ) bị bắt vì livestream buổi ra mắt phim và phát trên Facebook.
Pháp luật Mỹ xử các trường hợp này dựa theo Đạo luật giải trí và bản quyền năm 2005, theo đó bất cứ ai cố ý sử dụng thiết bị ghi hình tạo ra một bản sao hình ảnh mà không có sự cho phép của đơn vị sở hữu bản quyền đều bị phạt với mức phạt tù dưới 3 năm.
NHẬT ĐĂNG
Ông ĐỖ QUÝ VŨ (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin - truyền thông):
Nỗ lực hoàn thiện quy chế ứng xử trên mạng
Ở góc độ các cơ quan quản lý, để ngăn chặn các tác động tiêu cực của môi trường mạng một cách căn cơ, cần thực hiện song song, đồng bộ 2 giải pháp.
Thứ nhất đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin và truyền thông thích ứng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, trong đó có mạng xã hội và các phương tiện báo chí - truyền thông mới.
Thứ hai là không ngừng thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, trong đó có giới trẻ về việc sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
Riêng về các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin - truyền thông, với tư cách là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với mạng xã hội đang không ngừng nỗ lực để hoàn thiện.
Hiện nay, Bộ đang tiến hành rà soát xây dựng, điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan nghị định 72, nghị định 27, nghị định 06. Cùng với đó, "Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam" (Bộ quy tắc) đang được xây dựng là một nhiệm vụ thực hiện "lai ghép" giữa 2 giải pháp trên.
Mặc dù chỉ là một loại hình "thể chế mềm" và mang tính khung, nhưng bộ quy tắc có những nội dung về những chuẩn mực đạo đức, những khuyến nghị, hướng dẫn trong việc sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận