03/11/2024 15:13 GMT+7

Livestream dự báo thời tiết không có giấy phép, coi chừng phạm luật

Mỗi lần có mưa bão là trên TikTok, Facebook… xuất hiện những “nhà khí tượng học online” livestream, đăng thông tin cảnh báo thời tiết.

Livestream dự báo thời tiết không có giấy phép, coi chừng phạm luật - Ảnh 1.

Một trang TikTok đăng thông tin cảnh báo thời tiết mưa khủng khiếp lớn ở Huế sau bão Trà Mi. Thông tin này là sai sự thật - Ảnh: NHẬT LINH chụp lại

Những cảnh báo thời tiết, thậm chí khẳng định nơi này sẽ mưa to như trút, nơi kia sẽ ngập lụt sâu, người dân phải kê cao đồ, đưa xe đi gửi khắp nơi…được những "nhà khí tượng học online" đưa ra.

Livestream thời tiết trên phần mềm Windy miễn phí

"Bão Trà Mi sẽ vào Quảng Nam, Đà Nẵng vào trưa mai. Huế sẽ có mưa cực to, gió mạnh lúc bão đổ bộ nhé. Mọi người thả tim và chia sẻ giúp mình phiên live này nhé", một tài khoản phát trực tiếp (livestream - PV) trên ứng dụng TikTok đêm 26-10 liên tục thúc giục hơn 400 người xem của mình.

Trên màn hình phiên livestream là hình ảnh một máy tính đang truy cập trang Windy.com.

Đáng chú ý có thể thấy bên góc phải trên cùng của màn hình có thanh công cụ đề nghị người dùng mua bản Premium để có được nhiều tiện ích hơn từ trang Windy.com.

Hàng trăm lượt bình luận vẫn liên tục đặt câu hỏi cho người phát trực tiếp về tình hình mưa bão tại địa phương mình trong những ngày tới. 

Để "chiều" người xem, người livestream liên tục di chuột chấm đến vị trí mà người xem đặt câu hỏi, sau đó lướt thanh công cụ bên dưới màn hình biểu thị ngày tháng.

"Hà Tĩnh ngày mai mưa to bạn nhé. Mưa to kéo dài đến vài ngày đấy…", người livestream nói.

Thời gian gần đây, khi Biển Đông bắt đầu vào mùa mưa bão, các nền tảng mạng xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những phiên livestream dự báo thời tiết tương tự như vậy.

Phần lớn những phiên livestream này, người phát trực tiếp sau khi đưa ra những dự báo về thời tiết của mình đều đề nghị người xem like, thả tim, chia sẻ phiên live. 

Nhiều tài khoản phát trực tiếp này còn liên kết với các trang thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến.

Livestream dự báo thời tiết không có giấy phép, coi chừng phạm luật - Ảnh 3.

Một trang mạng livestream thời tiết, dự báo mưa bão bằng phần mềm Windy.com không bản quyền trên nền tảng mạng xã hội TikTok - Ảnh: NHẬT LINH chụp lại

Trong đêm 26-10, anh Trần T. (trú phường Xuân Phú, TP Huế) đã hối hả lái ô tô của mình trong cơn mưa xối xả đi tìm nơi cao để đỗ xe vì nghe thông tin trên mạng TP Huế sẽ bị lụt lớn sau bão Trà Mi.

"Tôi thấy nhiều người trên mạng dự báo là nhiều vùng ở TP Huế có nguy cơ bị lũ lụt lớn, nên phải chạy xe ô tô của gia đình đi tìm nơi cao ráo để đậu xe, tránh bị ngập nước", anh T. nói.

Người dự báo thời tiết phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

Trong những bản tin dự báo mưa gió đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Văn Hùng (giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn phải kèm theo câu đề nghị bà con theo dõi thường xuyên các nguồn tin chính thống.

Theo ông Hùng, Luật Khí tượng thủy văn quy định cá nhân, tổ chức muốn đưa ra dự báo thời tiết phải có giấy phép do bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp.

"Những cá nhân, tổ chức không có giấy phép nêu trên nhưng vẫn đưa ra thông tin dự báo khí tượng, đặc biệt là những thông tin thiên tai như bão, lũ, mưa lớn… trên mạng xã hội đều không đúng pháp luật", ông Hùng nói.

Livestream phán thời tiết trên mạng, coi chừng vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Để đưa ra một thông tin dự báo thời tiết, thiên tai, theo ông Hùng cần phải thu thập rất nhiều số liệu quan trắc ở các trạm đo, ra đa, vệ tinh, tham khảo rất nhiều sản phẩm trung tâm dự báo lớn của khu vực và thế giới...

Ông Hùng lấy ví dụ về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão bao gồm 8 bước như sau:

Bước 1: Thu thập, xử lý các loại thông tin, dữ liệu, bao gồm dữ liệu về áp thấp nhiệt đới, bão trên các bản đồ thời tiết…

Bước 2: Phân tích, đánh giá hiện trạng gồm xác định vị trí tâm và gió mạnh nhất gần tâm áp thấp nhiệt đới, bão…

Bước 3: Thực hiện các phương án dự báo, cảnh báo gồm các phương án được sử dụng trong dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới…

Bước 4: Thảo luận dự báo, cảnh báo gồm phân tích, đánh giá độ tin cậy của các kết quả dự báo…

Bước 5: Xây dựng bản tin dự báo, cảnh báo.

Bước 6: Cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo.

Bước 7: Bổ sung bản tin dự báo, cảnh báo.

Bước 8: Đánh giá chất lượng dự báo, cảnh báo.

"Với dự báo bão, trong 24 giờ, chúng tôi chỉ được phép đưa ra sai số trên dưới 1 cấp. Ví dụ bão cấp 10, nếu bản tin dự báo đưa ra là cấp 11 hay cấp 9 khi đổ bộ vào bờ thì được. Nhưng nếu ngoài con số trên thì người đưa ra bản tin cảnh báo sẽ bị kỷ luật", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong các loại hình dự báo, dự báo mưa là khó khăn nhất bởi rất nhiều yếu tố tác động và thường thay đổi liên tục như khí áp, gió, mây…

Các trận mưa lũ lớn thường chịu nhiều hình thái thời tiết gây mưa như bão, hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh và đặc biệt là khi chúng kết hợp cùng nhau và có đới gió đông hoạt động mạnh sẽ gây mưa rất lớn.

"Để đưa ra một bản tin dự báo thời tiết, chúng tôi phải trải qua những quy trình nghiêm ngặt, qua nhiều cấp duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bởi những thông tin mà chúng tôi đưa ra ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản của hàng triệu người dân, đến quyết định chuyển quân, di dân của các cấp chính quyền nên không thể giỡn chơi được", ông Hùng nói.

Nói về việc các "nhà dự báo khí tượng online" sử dụng phần mềm Windy, Accuweather… không bản quyền để livestream dự báo thời tiết, ông Hùng nói rằng coi chừng vi phạm pháp luật.

Theo ông Hùng, các phần mềm nói trên chỉ là công cụ tham khảo cho một bản tin dự báo chính thống. Những số liệu trên các phần mềm, trang web không có bản quyền này đều thay đổi liên tục nên độ chính xác không quá cao.

"Người dân nên tỉnh táo khi nắm bắt thông tin, đặc biệt là thông tin dự báo thời tiết trên mạng. Hãy đọc và xem những thông tin dự báo thời tiết từ những cơ quan có thẩm quyền, chính thống", ông Hùng nói.

Livestream phán thời tiết trên mạng, coi chừng vi phạm pháp luật - Ảnh 6.Huế ra lệnh xả nước điều tiết các hồ chứa để đón lũ, không ảnh hưởng đến hạ du

Lo mưa lớn trong nhiều ngày tới, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát lệnh xả nước điều tiết, hạ thấp độ cao 2 lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn để sẵn sàng đón lũ. Việc xả nước này không ảnh hưởng đến hạ du.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp