Chúng ta dễ dàng bị cuốn vào những nội dung tiêu cực một cách vô thức, vì sự tò mò và dễ dãi. Mỗi người hãy tự bảo vệ mình bằng cách không xem, không tham gia, không ủng hộ, không chia sẻ những hành động, lời nói đánh giá chủ quan về người khác mà không nhằm mục đích xây dựng.
MC - VJ DUSTIN PHÚC NGUYỄN
Cái gì cũng có thể livestream trên Facebook, YouTube, TikTok... từ hát hò, buôn bán cho đến chuyện tế nhị như đánh ghen, khoe thân, chửi tục...
Gần đây, hàng loạt cái tên, từ nghệ sĩ đến người ngoài giới nghệ thuật, bỗng dưng nổi sóng trên mạng xã hội khi trực tiếp đăng đàn hoặc là nhân-vật-bị-gọi-tên trong các buổi livestream.
Chuyện gì cũng có thể "lên sóng"
Do mức độ phủ sóng rộng, Facebook và YouTube có lượng người dùng khá đông đảo, nên tình trạng livestream bát nháo của các mạng xã hội này đang được quan tâm hơn cả. Trong đó, một nội dung nổi lên trong nửa năm qua là những buổi livestream bóc phốt, vạch mặt.
"Cơn sóng livestream" đó quét qua hàng loạt cái tên nghệ sĩ. Hình ảnh của họ trong lòng công chúng bị suy suyển, từ trường hợp nghệ sĩ được khán giả gửi gắm tiền làm từ thiện lại chậm trễ giải ngân, đến chuyện nhiều nghệ sĩ tên tuổi quảng cáo cho những sản phẩm chưa được chứng thực về chất lượng, xuất xứ.
Đời sống riêng dĩ nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của những màn livestream bóc phốt. Một nam ca sĩ bị một nam ca sĩ khác tố "lừa tình, lừa tiền, phá hoại hạnh phúc người khác"; một người mẫu nội y nổi tiếng cũng bị bóc phốt "sống ảo", "nổ"...
Nhiều hiện tượng bán hàng livestream cũng thu hút lượt tương tác cao, có người dường như cố ý đưa vào những ngôn từ tục tĩu, chửi bới người xem om sòm để "giữ chân" người theo dõi.
Đầu tháng 6 vừa qua, cửa hàng của vợ một diễn viên hài bị phát hiện kinh doanh hàng hóa không nhãn phụ và giả mạo nhãn hiệu nước hoa Chanel và Gucci. Trước đó, nam diễn viên hài này cũng nhiều lần livestream bán nước hoa trên trang cá nhân nên vụ việc này lại khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Khi tìm kiếm từ khóa "livestream chửi nhau" trên Google, kết quả trả về là khoảng 1.620.000 kết quả trong 0,39 giây. Có thể thấy đây là một thực trạng nhức nhối thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng Việt Nam những năm gần đây. Hàng loạt "giang hồ mạng", "thánh chửi" nối đuôi nhau ra đời đều trở nên "nổi tiếng" nhờ những lần chửi bới loạn xạ trên livestream.
Thế nhưng đáng buồn là họ càng chửi, số người lao vào xem lại... càng đông. Thế nên không ít người chớp lấy cơ hội, nhảy sang vừa chửi vừa bán hàng online thông qua livestream. Nhiều nội dung livestream bán hàng chưa được kiểm chứng chất lượng, đặc biệt là hội chứng thần y YouTube "nhà tôi 3 đời chữa bệnh..." mà báo chí đã phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.
Một nội dung livestream phản cảm chính là việc livestream đám tang của nghệ sĩ nổi tiếng. Tại đám tang của hai nghệ sĩ Anh Vũ (4-2019) và Chí Tài (12-2020), hàng trăm YouTuber "kền kền" thi nhau chen lấn, xô đẩy, la hét để có thể livestream rồi đăng lên với tiêu đề giật gân. Và không chỉ livestream những chuyện ngoài cuộc sống, có người còn vào tận rạp chiếu, sân khấu để phát trực tiếp lên mạng bộ phim, vở kịch đang diễn ra, gây tổn hại lớn cho nhà sản xuất.
Ứng xử thế nào với rác trên mạng xã hội?
Rõ ràng tình trạng livestream đang diễn ra khá bát nháo. Để thu hút người xem, không ít người phát ngôn xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm người khác với lời lẽ rất nặng nề. Trong đó, nghệ sĩ bị tấn công nhiều, vì nói như MC Vũ Mạnh Cường, họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất do có nhiều thứ để mất liên quan đến danh tiếng.
"Việc dùng mạng xã hội để xúc phạm nhau, tôi nghĩ pháp luật cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, cần có hành lang pháp lý rõ ràng và chế tài thích đáng để hạn chế tình trạng này. Tôi mong khi mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ đúng sai thì dư luận hãy bình tĩnh, công tâm, chờ phán xét cuối cùng của các cơ quan có thẩm quyền" - MC Vũ Mạnh Cường nói.
Trước thực trạng hỗn tạp livestream bôi nhọ danh dự của người khác, MC - VJ Dustin Phúc Nguyễn chia sẻ: "Những gì mình nói ra để tấn công người khác thể hiện sự bất an trong tâm hồn của chính mình. Chúng ta không thể hoàn toàn tránh né được việc là chủ đề của những lời bôi nhọ từ người khác, thì cách duy nhất là giữ cho mình bình tĩnh, không hơn thua, không sân si, không tiếp tục đáp trả lời bôi nhọ bằng một lời bôi nhọ khác.
Tôi nghĩ không có luật pháp nào có thể hoàn toàn loại bỏ được hành động bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội cả. Do vậy, câu trả lời nằm ở chính mỗi chúng ta, làm sao để dành thời gian cho những điều tích cực, phớt lờ những lời nói tiêu cực. Không có ai xem, ủng hộ và lan truyền thì sẽ không còn người livestream để bôi nhọ".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ca sĩ Hà Lê cho rằng chẳng riêng nghệ sĩ mà bất cứ ai sử dụng mạng xã hội phải học hỏi về nó để phát huy mặt tốt và hạn chế mặt hại. Anh cho biết mình chủ động giới hạn chia sẻ câu chuyện riêng, càng không sử dụng mạng xã hội để nói những câu chuyện ngoài nghệ thuật của người khác, đặc biệt là với ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, hay những thông tin chưa được kiểm chứng.
"Cá nhân tôi chỉ dùng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, đồng nghiệp và với công chúng thông qua những sản phẩm nghệ thuật, thông qua các hoạt động nghề nghiệp của mình, nó chưa bao giờ là chỗ để tôi chia sẻ tất cả đời sống cá nhân của mình, nếu có thì sẽ là những sự kiện được chọn lọc và có ý nghĩa tích cực. Hiện nay nhiều người sử dụng mạng xã hội như là phương tiện giải tỏa bức xúc cá nhân, chia sẻ quan điểm.
Trong văn hóa ứng xử của người Việt mình luôn đề cao sự tinh tế, khéo léo, tôi nghĩ rằng trên mạng xã hội mọi người cũng nên phát huy điều này, cân nhắc sử dụng từ ngữ chuẩn mực", ca sĩ Hà Lê nói.
Nghệ sĩ phải ý thức về phát ngôn của mình
Khi được hỏi về việc có nên bổ sung một số quy định về những hoạt động, ứng xử trên mạng xã hội vào điều lệ Hội Sân khấu TP.HCM không, ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch hội, bày tỏ: "Có lẽ chúng ta sẽ phải chuẩn bị để đặt vấn đề, cập nhật trong kỳ đại hội tới. Thế nhưng, tôi cho rằng việc hoạt động, phát ngôn trên mạng xã hội nằm trong ý thức mỗi con người chứ không nhất thiết phải trong điều lệ. Cái này thuộc về văn hóa ứng xử, người bình thường, người nghệ sĩ cũng như nhau. Chỉ có điều về phía nghệ sĩ phải có ý thức nhiều hơn vì phát ngôn của mình được người ta chú ý, quan tâm nhiều hơn. Một khi mình trở thành người được công chúng biết đến, công chúng mến mộ thì phải hết sức cẩn trọng trong hành động, phát ngôn".
LINH ĐOAN
Không cấm livestream, nhưng cần thượng tôn pháp luật
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, văn hóa sử dụng mạng xã hội chưa cao, nhận thức pháp luật về xúc phạm người khác trên mạng còn hạn chế chính là nguyên do của hiện tượng liên tiếp những vụ việc sử dụng mạng xã hội để thông tin sai sự thật hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ cho mọi công dân, nhưng bày tỏ ý kiến cần có văn hóa để thể hiện đúng chuẩn mực. Nếu ai đó phát ngôn trên mạng xã hội mà vượt qua ranh giới của biểu đạt ý kiến, thành tấn công cá nhân, xúc phạm danh dự người khác thì hoàn toàn có căn cứ pháp luật để xử lý nếu người bị xúc phạm, tấn công kiện ra tòa.
Theo ông Đồng, đây là quan hệ dân sự, vì vậy nên khuyến khích tất cả các bên bị xâm phạm quyền lợi trên mạng xã hội kiện ra tòa để tòa xử. Khi tòa xử vài vụ điển hình thì chắc chắn sẽ có tác dụng "tỉnh ngộ" rất lớn với xã hội, chắc chắn sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử trên mạng xã hội.
Ngoài ra, theo ông Đồng, một việc Bộ TT-TT nên làm là làm việc với các nhà mạng để chống sim rác, hạn chế những tài khoản mạng xã hội lợi dụng danh tính ảo trên mạng tấn công người khác.
T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận