Quân nhân Mỹ đứng bên hệ thống tên lửa cơ động cao M142 (HIMARS) - Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania - ông Arvydas Anusauskas - cho biết hệ thống HIMARS sẽ mang đến "một khả năng hoàn toàn mới và mạnh mẽ mà Lithuania chưa từng có".
Còn theo Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ, "việc mua bán này sẽ đóng góp một phần vào các mục tiêu quân sự của Lithuania, cụ thể là hiện đại hóa năng lực và tăng cường hơn nữa khả năng tương tác với Mỹ và các đồng minh khác".
Theo Hãng tin AFP, Lithuania đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Lithuania là một nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quốc gia này đã chi hơn 1,6 tỉ euro, tương đương 2,52% GDP cho quốc phòng và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7-2023.
Ngoài ra, quốc gia với 2,8 triệu dân này cũng sẽ mua một số tên lửa tầm xa ATACMS, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 300km và các tên lửa có tầm bắn ngắn hơn.
Các nước láng giềng trên biển Baltic của Lithuania là Latvia và Estonia cũng có kế hoạch mua các hệ thống HIMARS.
Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết điều này "sẽ tăng cường an ninh không chỉ của Lithuania mà còn của toàn bộ khu vực".
Các hệ thống HIMARS gửi đến Ukraine được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp Ukraine chống lại quân đội Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận