Trung tá Lê Ngọc Sơn và một bức thư mà học trò viết gửi trước khi anh rời Trung Phi - Ảnh: MY LĂNG
Tôi thương chúng thì cố gắng thôi. Chứ lính 20 nước đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Trung Phi không có ai dạy học như tôi.
Trung tá Lê Ngọc Sơn
Lớp học bên vườn rau
Trung tá Sơn có mặt ở Trung Phi từ tháng 4-2017. Hằng ngày, nhiệm vụ của anh là nhận, xác minh và tổng hợp thông tin từ tất cả đơn vị trên lãnh thổ Trung Phi, làm báo cáo gửi về trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York và gửi cho đầu mối trong phái bộ. "Mỗi ngày tôi nhận và xử lý hơn 60 báo cáo. Mỗi báo cáo dài từ 20-30 trang, chưa kể những báo cáo đột xuất" - trung tá Sơn cho biết.
Mới sang Trung Phi mấy ngày, đang trong giai đoạn làm thủ tục đăng ký vào phái bộ, trung tá Sơn đã... dạy học luôn. "Mọi chuyện đến tình cờ lắm. Tôi gặp hai mẹ con vác bó củi rất nặng, tôi bảo họ dồn hết củi lại để tôi vác về giúp.
Trên đường đi, tôi bảo mình là lính Việt Nam mới sang, nhưng chỗ ở không có đất trồng rau. Người mẹ bảo có mảnh đất bỏ hoang gần nhà, cứ sang đó mà trồng. Khi tôi trồng rau, mấy đứa bé chạy ra xem. Tôi kiểm tra thử học vấn thì các em không biết gì. Thế là tôi nghĩ: mình phải dạy cho chúng học".
Lớp học dã chiến được trung tá Sơn mở ngay bên vườn rau. Học trò có năm đứa. Anh dạy từ 17h30 đến 19h các ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Không có bảng, chỉ có cái bàn và mấy chiếc ghế nhỏ. Học trò thậm chí còn không có giấy tờ ghi chép.
"Giấy trắng hiếm lắm. Tôi dạy toán, thỉnh thoảng dạy lý, hóa. Không có sách giáo khoa, tôi nói phụ huynh đi tìm. Ba lần cũng không thấy. Tôi bảo học trò mượn sách của các bạn mang đến cho thầy xem nhưng cũng không mượn được. Một thời gian sau tôi học tiếng Pháp để truyền đạt cho các em dễ hiểu hơn" - anh Sơn kể.
Có người khuyên trung tá Sơn dừng việc dạy học để tránh nguy hiểm, phiền phức. Để hợp thức hóa, trung tá Sơn báo cáo cơ quan phái bộ và khẳng định có thể dạy từ cấp I đến cấp III. Anh cũng cho biết muốn nhờ phái bộ hỗ trợ mở thêm lớp học tại nhà trường để có thể dạy được nhiều học sinh hơn.
"Phái bộ rất bất ngờ - trung tá Sơn kể - Họ bảo đây là việc tốt, đồng ý cho mở lớp. Nhưng hai tuần sau phái bộ nói không mở được do vướng nhiều quy định. Tôi tự đi liên hệ với Trung tâm Posko. Giám đốc trung tâm đồng ý. Tôi còn tìm gặp một sơ quản lý một trường liên cấp, trình bày nguyện vọng dạy tình nguyện của mình. Sơ đồng ý ngay".
Trung tá Lê Ngọc Sơn trong một lớp dạy tình nguyện cho các em nhỏ người Trung Phi - Ảnh: NVCC
Lòng quyết tâm của người lính Việt
Giải thích về quyết tâm dạy học tình nguyện, trung tá Lê Ngọc Sơn nói: "Người dân Trung Phi rất khổ nên trẻ con cũng khổ theo, nhiều thiệt thòi. Mình dạy chúng học, trao cho chúng ước mơ, niềm tin, động lực, kiến thức.
Tôi thương chúng thì cố gắng thôi. Chứ lính 20 nước đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Trung Phi không có ai dạy học như tôi. Vì ra khỏi trụ sở cơ quan phái bộ là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Có lần đang làm việc ở cơ quan, đạn bắn xuyên vào cửa. Nhìn ra thấy dân vác súng chạy qua cổng bắn nhau ầm ầm! Đợt đó tôi phải đi xe bọc thép đến chỗ làm. Đêm thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng súng nổ. Có hôm đang dạy học súng cũng nổ".
Khó khăn nhất là tìm phiên dịch. Trung tá Lê Ngọc Sơn nhờ nhiều người trong Liên Hiệp Quốc hỗ trợ. Nhưng công việc đã quá nhiều áp lực và để tránh phiền toái, họ né hết. Anh phải đến trường Bangui - trường đại học duy nhất ở Trung Phi - trình bày ý định của mình và nhờ ban giám hiệu giới thiệu cho anh năm phiên dịch.
Người sĩ quan Việt Nam này dành tất cả thời gian nghỉ ngơi của mình để vất vả dạy học cho những đứa trẻ Trung Phi.
Các em học trò người Trung Phi thích thú khi được thầy Sơn tặng chiếc mũ có chữ Việt Nam - Ảnh: NVCC
Một mình anh dạy sáu lớp học. Sáng sớm, từ thứ hai đến thứ sáu, trung tá Sơn dạy ở trường liên cấp (cách nhà 3km) từ 7h đến 7h45 rồi về cơ quan làm (8h sáng). Buổi chiều, 17h20 anh đã có mặt ở lớp học tại vườn rau dạy đến 19h về tắm giặt, ăn uống rồi vào cơ quan làm việc tiếp và về nhà trước 22h (giờ giới nghiêm).
Hai ngày cuối tuần, cả sáng lẫn chiều, anh đi 34km cả đi lẫn về dạy bốn lớp ở Trung tâm Posko.
Ba tuần đầu, trung tá Sơn lên mạng tìm đọc tài liệu từ lớp 3 đến lớp 12. Dù rất mệt vì công việc, anh vẫn đọc sách đến 2h sáng.
"Tôi đọc để nắm nội dung và trình bày để phiên dịch dịch sang tiếng Pháp cho học trò dễ hiểu nhất. Có bốn phiên dịch thay phiên nhau, cứ một hôm hai người dịch. Có hôm dạy một lớp 60 học trò mà bốn trình độ: lớp 4, 5, 10, 12. Tôi và hai phiên dịch mệt phờ râu luôn" - anh kể.
Riêng lớp học ở vườn rau thì không có phiên dịch. Chỉ có thầy và học trò "chiến đấu" với nhau, bằng tiếng Anh, tiếng Pháp đủ cả. "Lớp học này tôi dạy một năm trời nhưng chưa bao giờ có điện. Điện ở Trung Phi rất hiếm, kể cả ở thủ đô. Thầy dùng đèn điện thoại, đèn pin dạy. Trò học đến tối đêm, muỗi bay đen kín trên đầu. Thuốc chống muỗi không ăn thua".
Ở Trung Phi, lương giáo viên đã rất thấp lại còn bị nợ. "Hầu như ngày nào tôi cũng có học trò mới. Dân nghèo, không có điều kiện cho con đến trường, nghe nói lớp học này, cứ bảo nhau dắt con đến. Nhiều đứa đi bộ hai tiếng rưỡi đồng hồ để đến lớp" - trung tá Sơn cho biết.
Quay cuồng với công việc ở phái bộ và kín lịch với lớp học, nhiệm kỳ một năm làm nhiệm vụ ở Trung Phi trôi qua nhanh như chớp mắt. Khi trung tá Sơn báo tin mình sẽ rời Trung Phi để về nước, các học trò da đen của anh bật khóc. Phụ huynh thấy con khóc cũng ôm thầy khóc.
Nếu cái chết không đến bất ngờ, chúng ta sẽ gặp lại
Một ngày đầu tháng 12-2018, trong phòng làm việc ở Cục Gìn giữ hòa bình (Hà Nội), trung tá Sơn cho tôi xem những lá thư mà học trò Trung Phi của anh đã gửi. Một em đã viết cho anh như sau: "Sự có mặt của thầy ở Bangui đã làm nên điều kỳ diệu cho chúng con. Nếu như cái chết không đến bất ngờ với chúng con thì chúng ta sẽ gặp lại nhau thầy ạ".
>> Kỳ tới: Những ngày nghẹt thở
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận