Đời đời ghi nhớ - hợp xướng ĐH Sài Gòn và Đoàn văn công Quân khu 7 tại điểm cầu Bến Dược, Củ Chi, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH |
Mỗi lần đứng trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, tôi lại tự vấn với lòng mình đã sống xứng đáng với sự hi sinh ấy của các anh chưa... |
Bà NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM (chủ tịch HĐND TP.HCM) |
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên các kênh HTV9, HTV1, HTV4 tại ba điểm cầu - ba địa danh lịch sử, linh thiêng của Tổ quốc. Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM phối hợp cùng các địa phương và Trung tâm phát thanh - truyền hình quân đội tổ chức.
Ông Trương Hòa Bình - phó thủ tướng thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân - bí thư Thành ủy TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM và ông Đào Ngọc Dung - bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH... cùng các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí anh hùng lực lượng vũ trang, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp cùng 500 văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên đã tham gia chương trình.
Đặc biệt tại ba điểm cầu có sự hiện diện của các mẹ VN anh hùng, các thương binh, bệnh binh, cựu tù binh - tù chính trị, đại diện gia đình người có công với cách mạng và nhân dân tại các địa phương.
Trước thời điểm cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” diễn ra, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ba địa phương: TP.HCM, Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu đã trang trọng dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, nghĩa trang liệt sĩ huyện đảo Phú Quốc và nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của những người con bất khuất của dân tộc đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm rưng rưng đọc tặng linh hồn các anh những câu thơ bà tự viết: “...Mùa biển động tôi về đây đứng lặng/Nghe rì rầm tiếng vọng từ Hàng Dương/Bình yên đó máu xương bao thế hệ/Trọn lời thề vì Tổ quốc hi sinh...”.
Tại chương trình, nhiều thương binh, bệnh binh, cựu tù chính trị... như được sống lại với biết bao kỷ niệm đầy hào hùng, bi tráng cùng đồng đội mình thời vào sinh ra tử.
Cựu tù Phú Quốc Trần Văn Môn vẫn nhớ như in cuộc vượt ngục do chính ông tổ chức ngày 18-10-1972.
Ngay trước đêm hành động, ông bị lên cơn sốt rét phải ở lại còn các đồng chí khác vượt ngục. Nhưng 18 người ra đi thì 15 người bị giặc bắt và tra khảo truy tìm người tổ chức.
Cứ mỗi người nói “không biết” là tiếng súng lại vang rền.
“Từng người ngã xuống và đến người thứ bảy vẫn không ai khai báo thì chúng không bắn nữa. Nhìn thấy đồng chí hi sinh tính mạng để bảo vệ cho mình, thật không còn gì đau đớn hơn” - ông Môn bật khóc.
Bảy liệt sĩ hi sinh năm ấy đến nay vẫn chưa được tìm thấy hài cốt để đưa các anh về nằm bên các đồng đội thân thương...
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tại chương trình, ban tổ chức chương trình cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” đã ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa của ba huyện Củ Chi, Côn Đảo và Phú Quốc số tiền 1,5 tỉ đồng.
Bên cạnh những câu chuyện xúc động được chia sẻ bởi những người trong cuộc, cầu truyền hình “Linh thiêng Việt Nam” còn mang đến những tiết mục văn nghệ được đầu tư dàn dựng công phu. Với sự trợ giúp của kỹ thuật quay flycam, toàn cảnh sân khấu của ba điểm cầu thêm phần lung linh, hoành tráng và cũng rất ấm cúng. 12 tiết mục được trình bày đan xen với sự tham gia của 500 nghệ sĩ. Mở đầu, ca sĩ Tạ Minh Tâm cùng dàn hợp xướng Phương Việt, hợp xướng Đoàn văn công Quân khu 7, hợp xướng Đại học Sài Gòn... cất giọng cao vút trình diễn hai ca khúc Hồn tử sĩ, Đời đời ghi nhớ... Rồi không gian như chùng lại, những đôi mắt rớm lệ khi trên màn ảnh nhỏ là clip tái hiện hình ảnh của những nữ tù khắc khổ nhưng ánh mắt cương định cất cao tiếng hát: “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng...”. Hình ảnh những lá cờ đỏ thắm tung bay cùng lời ca rộn ràng của bài hát Những trái tim Việt Nam qua giọng ca của các ca sĩ ở cả ba đầu cầu đã khép lại một chương trình đầy cảm xúc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận