Phát biểu tại South Carolina ngày 28-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định "chúng tôi sẽ đáp trả" sau khi có tin xác nhận ba quân nhân Mỹ thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone).
Bước leo thang lớn
Theo quân đội Mỹ, vụ tấn công xảy ra tại một căn cứ gần biên giới Syria. Dù phía Mỹ không nêu tên căn cứ này, một nguồn thạo tin tiết lộ với Hãng tin Reuters rằng đó là Tháp 22 (Tower 22) - cơ sở quân sự của Mỹ tại Jordan.
Tower 22 nằm ở điểm cực đông bắc nơi biên giới Jordan giáp Syria và Iraq. Được nhận định nắm giữ một vị trí chiến lược quan trọng của Mỹ ở Jordan nhưng thông tin về Tower 22 rất ít, chỉ biết hiện nay căn cứ này là nơi có các hoạt động hậu cần với chừng 350 lục quân và không quân Mỹ đóng quân.
Reuters nhận định sự kiện này đánh dấu bước leo thang lớn trong căng thẳng tại Trung Đông. Hiện nay, giới quan sát lo ngại cuộc chiến của Israel chống lại phong trào Hồi giáo Hamas có thể lan rộng thành một cuộc xung đột rộng hơn, liên quan đến cả các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Lebanon, Yemen và Iraq.
"Trong khi chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin thực tế về cuộc tấn công này, chúng tôi biết các nhóm chiến binh cực đoan được Iran hậu thuẫn hoạt động ở Syria và Iraq đã thực hiện nó", ông Biden nói trong tuyên bố về vụ việc trên.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng tôi sẽ buộc tất cả những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm vào đúng thời điểm và theo cách thức mà chúng tôi lựa chọn".
Ngày 29-1, phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc khẳng định Tehran không liên quan đến vụ tấn công.
Hãng thông tấn Iran IRNA dẫn tuyên bố của phái đoàn này nêu: "Iran không có mối liên hệ nào và không liên quan gì đến vụ tấn công vào căn cứ Mỹ... Có một cuộc xung đột giữa các lực lượng Mỹ và các nhóm kháng chiến trong khu vực, nơi xảy ra các cuộc tấn công trả đũa".
Áp lực lên chính quyền ông Biden
Vụ Tower 22 là cuộc tấn công chết người đầu tiên nhằm vào lực lượng Mỹ kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Vụ việc này diễn ra không lâu sau khi Houthi phóng tên lửa vào một tàu chiến Mỹ đang tuần tra tại vịnh Aden, khu vực nối tiếp Biển Đỏ.
Theo Hãng tin Reuters, hiện nay chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang chịu áp lực chính trị rất lớn về việc phải giáng một đòn trực tiếp lên Iran. Yếu tố Iran xuất hiện vì nước này bảo trợ cho nhiều tổ chức Hồi giáo đang xem Mỹ - Israel là kẻ thù, bất kể theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, các nhóm như Houthi hay Hezbollah thường hành động độc lập và không phải lúc nào cũng nổ súng theo "lệnh" của Iran.
Tính tới nay, ông Biden vẫn thận trọng, tránh đụng chạm trực tiếp tới Iran vì lo sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến lớn hơn ở Trung Đông.
Trên thực tế, tính từ tháng 10-2023, thời điểm chiến tranh Israel - Hamas nổ ra, các nhóm được Iran bảo trợ đã thực hiện hơn 150 cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ tại Iraq, Syria, Jordan và ngoài khơi Yemen.
Tuy nhiên, trước vụ Tower 22, hầu hết các cuộc tập kích nêu trên không làm chết người, không khiến nhiều người bị thương. Việc này đồng nghĩa ba sinh mạng và hàng chục người bị thương vừa qua có thể "cho ông Biden không gian chính trị" để đáp trả với Houthi mà không nhất thiết phải chiến tranh trực tiếp với Iran, theo Hãng tin Reuters.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã cáo buộc ông Biden biến các lực lượng Mỹ thành mục tiêu mong manh trước hiểm họa tấn công, chỉ ngồi chờ ngày tên lửa hay drone tập kích. Họ cho "ngày" ấy chính là hôm 28-1 với minh chứng là vụ Tower 22.
"Ông ta biến binh sĩ của chúng ta thành những người dễ tổn thương. Lời đáp trả duy nhất đối với các cuộc tấn công này phải là màn trả đũa quân sự tàn khốc chống lại các lực lượng khủng bố của Iran, cả ở Iran lẫn trên khắp Trung Đông", thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton nói.
Mối lo về mức độ hành động sắp tới của Mỹ càng gia tăng khi cuộc bầu cử đang đến, vì ông Biden có động cơ để bảo vệ hình ảnh một tổng thống "mạnh mẽ", đủ khả năng bảo vệ người Mỹ.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng hiện nay ông Biden có nhiều phương án, bao gồm việc tấn công nhắm vào lực lượng Iran ở bên ngoài hoặc thậm chí bên trong lãnh thổ Iran. Ông Biden cũng có thể chọn cách tiếp cận thận trọng hơn nếu quyết định chỉ tấn công các lực lượng do Iran bảo trợ thay vì Tehran.
Houthi tấn công tàu chiến Mỹ
Ngày 29-1, lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố đã phóng một tên lửa vào tàu chiến Lewis B. Puller của Mỹ khi con tàu này đi qua vịnh Aden. Houthi, một tổ chức được biết do Iran bảo trợ, thời gian qua đã tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ và bắt đầu có động thái nhắm tới tàu chiến Mỹ.
Đến nay, nhằm không để sa lầy vào chiến tranh tại Trung Đông, Mỹ vẫn trả đũa các nhóm vũ trang tại Iraq và Syria cũng như tấn công vào cơ sở quân sự của Houthi ở Yemen. Những cuộc tấn công bằng tên lửa ở Syria, Lebanon, Iraq và Yemen trong tháng này khiến nguy cơ xung đột lan rộng ngày càng tăng. Tình hình căng thẳng nêu trên có thể khiến Iran và các đồng minh tăng cường chống lại Israel và Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận