Nhạc sĩ Trương Quý Hải (thứ hai từ phải) cùng những người đồng đội sư đoàn 356 hát vang ca khúc "Về đây đồng đội ơi" tại cao điểm 468, Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh chụp ngày 12-7-2014 nhân kỷ niệm 30 năm trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không còn âm dương cách biệt
"Những người đã từng ôm xác đồng đội chắc chắn có cảm giác giống hệt nhau về tâm linh, đó là tin linh hồn của đồng đội vẫn sống với mình.
Đời thường có lúc nhớ lúc quên. Nhưng mỗi lần lên thăm đồng đội trên Vị Xuyên (Hà Giang), chúng tôi lại có cảm giác sống chung một cõi với người đã khuất. Lại trở về ngày xưa, mày mày tao tao, thằng sống nói với thằng chết, không còn âm dương cách biệt", nhạc sĩ Trương Quý Hải kể.
Ngày 12-7-2017, ngày giỗ trận của sư đoàn 356 tại cây hương ở cao điểm 468, Trương Quý Hải và một số đồng đội đã từng làm lính tuyên văn ở sư đoàn, cùng hát ca khúc Về đây đồng đội ơi cho những đồng đội đã khuất.
Về đây đồng đội ơi - Trương Quý Hải (Acoustic) | VTC3 - Nguồn: Youtube
Những câu hát "Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào…" đã làm tất cả những người có mặt không cầm được nước mắt.
"Vì anh em khóc quá nên chúng tôi không dám hát ca khúc Hát cho người còn sống. Sau này tôi cứ hối hận mãi vì đã không hát", nhạc sĩ Trương Quý Hải kể.
"Về đây đồng đội ơi" là ca khúc gọi linh hồn những người lính đã hi sinh bảo vệ Vị Xuyên, Hà Giang trong những trận chiến bảo vệ biên giới năm 1984.
Trong ca khúc có câu "Hà Giang đã ngưng chiến trận", bởi tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Trương Quý Hải sợ rằng những người đồng đội đã hi sinh của anh chưa được biết điều đó, nên phải báo với họ một câu. Nhạc sĩ thấy không chỉ gọi sư đoàn của mình mà còn phải gọi cả những "chiến hữu đơn vị bạn".
Viết xong ca khúc "Về đây đồng đội ơi", Trương Quý Hải vẫn cảm thấy bồn chồn không yên. Gọi người đã khuất trở về để nói lên tâm tình của mình thì khi chia tay cũng phải được nghe lời dặn dò của họ. Bởi thế anh viết tiếp Hát cho người còn sống như thể lời của các anh linh dặn dò người ở lại.
"Tôi đã sống trong trạng thái chập chờn âm dương suốt mười mấy ngày. Những giai điệu, lời ca tuôn ra như thể do các anh linh mách bảo. Chỉ khi viết xong hai ca khúc mới thấy yên tâm", Trương Quý Hải kể.
Từ tháng 4-1984 đến 5-1989, hơn 500.000 quân bành trướng Trung Quốc đánh chiếm Vị Xuyên (Hà Giang), biến nơi này thành vùng chiến sự khốc liệt nhất trong cuộc chiến biên giới.
Sư đoàn 356 của Trương Quý Hải chiến đấu tại đây đã hi sinh rất nhiều. Sau này những liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên,nhưng còn rất nhiều người chưa được tìm thấy hài cốt.
Từ năm 2013, những cựu binh sư đoàn 356 ấp ủ ý định lập cây hương thờ những người lính đã hi sinh mà chưa tìm thấy hài cốt. Tới năm 2013 họ dựng xong đài hương tại cao điểm 468.
Những năm tháng đẹp nhất
"Đối với tôi, đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất, thấy đời mình có ý nghĩa nhất. Tôi vẫn còn nhớ có lần nghỉ phép về thăm gia đình thấy mọi người vẫn yên ổn liền xin rút phép trở về sư đoàn bởi rất nhớ anh em đồng đội, nhớ cuộc sống quân ngũ", nhạc sĩ Trương Quý Hải kể.
Cái chết lúc đó không quá đáng sợ vì theo nhạc sĩ Trương Quý Hải, những người lính thời của anh rất hồn nhiên.
Khi tới Hà Giang, chứng kiến người dân ở đây vẫn bình thản sống, những người lính trẻ cảm thấy vững tâm hơn rất nhiều. Họ càng cảm thấy quyến luyến hơn bởi tình cảm chân thật của bà con dành cho mình.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn chảy nước mắt khi nhớ lại hình ảnh người mẹ Tày mặc áo vá chặn đoàn xe của sư đoàn chỉ để đưa một rá gạo và nói "Mẹ cho các con".
"Thế hệ đó có lý do hồn nhiên. Cha anh họ đã từng lên đường như trẩy hội. Thanh niên thời tôi cũng có phòng trào lên đường đi bộ đội. Ai ở nhà đều cảm thấy lạc lõng. Bước vào cuộc chiến rồi, chẳng có lý luận gì nhiều đâu. Mình chiến đấu không chỉ vì trách nhiệm với Tổ quốc, vì những người dân cưu mang mình, mà còn chiến đấu vì đồng đội", Trương Quý Hải nói.
Ngày nay, hằng năm các cựu binh sư đoàn 356 vẫn về Vị Xuyên (Hà Giang) để trò chuyện với những đồng đội đã khuất của họ. Một phần tuổi trẻ của họ đã ở lại Hà Giang, còn những người đồng đội đã khuất của họ mãi mãi sống ở độ tuổi 18, đôi mươi.
"Về đây thấy cuộc sống bon chen của đời sống hiện tại chẳng giải quyết được gì. Danh lợi, thứ bậc không còn ý nghĩa. Tôi nghĩ những người lính đã ngã xuống mạnh hơn mọi cấp chính ủy. Họ đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hi sinh. Sự hồn nhiên của họ tự nó đã tạo nên những điều đẹp đẽ, lớn lao. Linh hồn của họ đã tạo nên một sức mạnh huyền bí vẫn tiếp tục bảo vệ Tổ quốc", Trương Quý Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận