19/12/2014 09:07 GMT+7

Lính công binh và máu thắm công trình

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Trong một ngày quá có nhiều vụ tai nạn đau lòng cùng lúc diễn ra như ngày 16-12.


Các chiến sĩ vào nhà tang lễ tổ chức khâm liệm cho những đồng đội tử nạn trong vụ lật xe ở miền Tây tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Tấn  Vũ

Câu chuyện về năm người lính công binh hi sinh trên đường làm nhiệm vụ thi công đường tuần tra biên giới trở về, diễn ra cuối chiều ở miền tây tỉnh Quảng Nam, dường như cũng như hòa lẫn vào niềm thương tiếc chung đó

Nhưng không, có một điều đặc biệt ở đây: họ là lính của lữ đoàn công binh 83, Quân chủng hải quân.

Những người lính hi sinh trên con đường tuần tra biên giới chiều 16-12 ấy cùng đơn vị với những người lính đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma 26 năm trước, ngày 14- 3-1988.

“Vòng tròn bất tử Gạc Ma” năm 1988, chống lại sự cưỡng chiếm bằng vũ lực của quân đội Trung Quốc có 64 người lính hải quân ngã xuống, một nửa trong số đó là lính của E83 công binh.Vì thế, sự ra đi của những người lính lữ đoàn 83 hôm nay khiến chúng ta thấm thía hơn về sự hi sinh của những người lính trẻ.

Có ra Trường Sa, nhìn những “nhà lâu bền” qua các thế hệ, từ những “pông tông” trên bãi cạn san hô đến những tòa nhà mọc lên kiên cường hiên ngang trước dông bão đại dương mới thấm thía hết máu xương lính công binh.

Tuổi Trẻ từng có loạt phóng sự dài kỳ về những người lính “vác đá xây Trường Sa”, những nhà thơ ca ngợi lính công binh hải quân là “những người kê cao nền Tổ quốc”, nhưng với những người lính công binh, Tổ quốc chính là mồ hôi và cả máu của hàng vạn người lính nối truyền thế hệ kế tiếp nhau đắp bồi vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Những lần ra Trường Sa, ngồi với những người lính xây dựng âu tàu ở Song Tử Tây, những ngôi nhà ở Đá Tây, Đá Lớn, những công sự, bờ kè... trên những gương mặt sạm đen nắng gió chỉ có nụ cười tuổi trẻ tỏa sáng với vẻ đẹp dâng hiến.

Và khi hoàn thành công trình, chỉ có tấm biển đá khắc những dòng chữ lưu danh: “Công trình được thi công bởi lữ đoàn công binh 83”, những dòng chữ ấy rồi cũng nhạt phai bởi nắng gió trùng khơi, nhưng máu của người lính luôn thấm đầy từng trang sử lữ đoàn!

Lính công binh E83 đã gắn liền tên tuổi mình với những công trình lịch sử như cầu cảng K15-Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi xuất phát của đoàn tàu không số từ hơn nửa thế kỷ trước, là những cầu đường cho đường Hồ Chí Minh những năm kháng chiến, là máu hòa vào sóng nước Gạc Ma, Cô Lin, sau này là xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, và mới đây là nhiệm vụ thi công cung đường tuần tra biên giới Việt - Lào, một tuyến đường gian khó bậc nhất vì núi cao đèo thẳm giữa heo hút biên ải.

Và hôm nay, máu những người lính công binh lữ đoàn 83 lại thấm đỏ trên tuyến đường tuần tra vì chủ quyền biên giới ấy. Họ là Phạm Việt Sỹ và Nguyễn Thế Vinh tròn 19 tuổi, Trương Văn Tú 20 tuổi, Lưu Văn Cường 22 tuổi, Lương Văn Toàn 26 tuổi, có người sắp xuất ngũ mong tiếp tục trở lại giảng đường, có người chỉ mới nhập ngũ hồi đầu năm, còn rất nhiều ước vọng phía trước.

Những chân dung rất trẻ trong quân phục hải quân im lặng sau khói nhang trên bàn thờ ở nhà tang lễ Quân khu 5, cũng như 32 người lính đàn anh cùng lữ đoàn của họ đã ngã xuống ở Gạc Ma 26 năm trước.

Mấy hôm nữa sẽ tròn 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, 22-12-1944/2014.

Cái chết của năm người lính trẻ thêm một lần nhắc nhở về sự hi sinh của người lính, dù trong chiến tranh hay hòa bình. Và không ai được phép lãng quên!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp