02/08/2018 10:22 GMT+7

Lính biên phòng ở Kẻng Mỏ

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở nơi không sóng điện thoại, không dân, không chợ, không điện lưới..., cuộc sống của những người lính ở Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ (Lai Châu) như ở một thế giới khác. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn ấy, họ vẫn yêu đời, lạc quan...

Lính biên phòng ở Kẻng Mỏ - Ảnh 1.

Bốn anh em ở Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ - Ảnh: MY LĂNG

Nhiệm vụ của trạm là bảo vệ rừng nguyên sinh, quan sát mực nước sông Đà, có gì bất thường là báo cho huyện và đồn biên phòng Ka Lăng. Nhiệm vụ chính của tụi mình là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và mốc biên giới. Người lính đã khoác lên vai trách nhiệm thì khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua.

Trạm phó Đoàn Anh Thơ

Thứ bảy cuối tuần. Trạm trưởng - thiếu úy Đặng Văn Mạnh (24 tuổi) và nhân viên vận động quần chúng - đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Bá Quyết rời đồn biên phòng Ka Lăng (xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để trở về Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ sau cuộc họp. 

Trạm cách đồn hơn 40km đường đèo núi, xuyên rừng. Đến ngã ba bản Lé Ma (xã Ka Lăng), trạm trưởng ghé vào tiệm tạp hóa duy nhất ở bản.

Nơi đầu nguồn sông Đà

Bà Lương Thị Thân, chủ quán tạp hóa, nói: "Tội lắm. Mấy chú bộ đội toàn ăn thịt muối, không được ăn thịt tươi. Mỗi lần mua phải lấy mấy ký về ăn dần". 

Trong khi trạm trưởng Mạnh lúi húi mua thực phẩm, xà phòng, kem đánh răng... nhét đầy balô quân dụng thì đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Bá Quyết tìm mua tới hai chai dầu gió. 

"Hai chai này chỉ một tháng là dùng hết ngay - anh Quyết cho hay - Mùa này đến tháng 10 là mùa gió Tây Trang, ruồi vàng, bọ chó, ong đốt sưng tay chân".

Cung đường từ bản Lé Ma lên trạm dài 24km là con đường hành xác. Gồ ghề. Lồi lõm. Lởm chởm toàn đá. Có đoạn sình lầy, trơn trượt. Có đoạn xóc muốn bay người ra khỏi xe. Một bên là vách núi, một bên là sông Đà.

Trạm kiểm soát biên phòng Kẻng Mỏ là căn nhà gỗ mái tôn dựng từ lâu đã xuống cấp, nằm trên quả đồi nhỏ nhìn ra dòng sông Đà. Người dân hay gọi là trạm đầu nguồn sông Đà vì đây là nơi sông Đà chảy vào lãnh thổ Việt Nam. 

Trạm chỉ có bốn anh em cán bộ, chiến sĩ: một trạm trưởng, một trạm phó, một nhân viên vận động quần chúng và một chiến sĩ nghĩa vụ.

Trạm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư nên anh em phải tự cung tự cấp là chính. Vườn rau ngay bên dòng sông Đà do bộ đội trồng, ăn quanh năm suốt tháng. Cá thì câu ở sông Đà. Chỉ có gạo, thịt lợn, các đồ dùng không làm ra được mới phải mua. 

Cứ mấy ngày trạm lại cử người xuống bản mua một lần hoặc khi đi giao ban cuối tuần tranh thủ lúc về mua thức ăn cho cả tuần.

"Đó là mùa nắng, đi lại còn dễ - trạm phó Đoàn Anh Thơ cho biết - Mùa mưa hay bị sạt lở, tắc đường, anh em không xuống bản được. Có đợt 15 ngày, có đợt hàng tháng trời mới ra ngoài vì phải chờ máy xúc từ huyện lên. Lúc đó anh em phải gọi điện thuê người dân ở dưới bản vác gạo đến chỗ bị tắc, mình đứng đó chờ vì không qua được".

Sông Đà cung cấp điện cho cả nước mà ở đây vẫn chưa có điện lưới dùng. Trạm dùng điện từ máy điện nước thủ công 2KW. Trạm phó Thơ bảo: "Nắng như thế này sông cạn, không đủ nước chảy vào ống, không xem được tivi. Điện đóm chập chờn lắm!".

Không thích nói về khó khăn

"Ở đây thiếu thốn, khó khăn nhiều thứ nhưng mình không thích nói về khó khăn mà muốn nói về sự lạc quan của anh em" - trạm trưởng 24 tuổi nói. Anh bảo: "Ngồi uống nước chè, nghe chim hót, ngắm sông Đà cũng là thú vui mỗi ngày".

Mọi người gọi vui trạm phó Đoàn Anh Thơ là "bác già" vì tuổi đời tuổi quân nhiều nhất. "Bác già huấn luyện mấy năm con khướu mới biết hót. Chim hay hót và hót hay lắm. Anh em nghe chào mào, khướu, khuyên hót suốt ngày. Nhờ có mấy chú chim mà có tí ồn ào, vui vẻ chứ yên ắng quá không chịu nổi" - đại úy Nguyễn Bá Quyết nói.

"Bác già" tâm hồn rất nghệ sĩ. Mấy chậu cây cảnh dáng rất đẹp trước hiên nhà là tác phẩm của anh sau nhiều ngày chăm chút, uốn, cắt, tỉa và dày công chăm sóc. Mà không chỉ riêng "bác già" mới có tâm hồn nghệ sĩ.

Trong bốn anh em, trạm phó Thơ là người gắn bó với trạm lâu nhất: tám năm. Trạm phó rất vui vẻ, sôi nổi. Trạm trưởng mới 24 tuổi nhưng lại trầm tính, ít nói hơn.

"Trạm trưởng ra trường lên đây luôn, chưa kịp có bạn gái, đến giờ vẫn độc thân. Bốn anh em thì vất vả nhất là Thào A Chư, mới 21 tuổi nhưng đã một vợ hai con. Chư chịu khó lắm. Nó vất vả, con còn nhỏ mà bố đi lính" - trạm phó Đoàn Anh Thơ nói.

"Ở đây rồi không muốn đi đâu nữa. Thấy cuộc sống bình yên, không bon chen" - anh Thơ mỉm cười khẳng định - Anh em quý nhau lắm, gắn bó như một gia đình. Trạm còn tăng gia cho đồn, nuôi một ít dê, bò, ngựa... 

Trạm trưởng cũng phải nấu cơm, đuổi bò, chăn dê, chăn ngựa... như tụi mình. Ở đây ai cũng như ai, không phân biệt sĩ quan hay chiến sĩ, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, vui buồn, động viên nhau vượt qua".

Không điện thoại, Internet

Ở cái nơi đi suốt 24km đường rừng không có một nhà dân mà lại không có sóng điện thoại, không Internet khiến cuộc sống càng cô quạnh, buồn tẻ hơn. Vào trạm, sóng điện thoại mất hoàn toàn.

Ở đây chỉ có một điểm rộng khoảng 1m2 có sóng điện thoại, cách trạm gần 300m, nơi anh em đặt một kệ gỗ nhỏ để điện thoại.

"Anh em gọi là sóng rơi sóng vãi vì lúc có lúc không. Trời nắng thì có một, hai vạch. Hôm nào trời sương mù là mất sóng hoàn toàn. Mà điện thoại phải để đúng trên kệ gỗ mới có sóng" - trạm phó Thơ kể vui.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp