03/03/2008 02:15 GMT+7

Lính biên phòng "miền xa vắng"

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TT - Đến Lào Cai, không leo dốc vào Y Tý, không đổ đèo đến A Mú Sung thì chưa phải đã biết Lào Cai. Ở những nơi này, biết bao người lính biên phòng vẫn từng ngày từng giờ âm thầm chịu đựng nắng mưa, bất chấp khó khăn thiếu thốn để bám trụ canh giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

s5fKIlOm.jpgPhóng to

Những người lính biên phòng đồn A Mú Sung mỗi ngày đều tuần tra trên mảnh đất địa đầu - ngay "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" - Ảnh: Đ.Bình

TT - Đến Lào Cai, không leo dốc vào Y Tý, không đổ đèo đến A Mú Sung thì chưa phải đã biết Lào Cai. Ở những nơi này, biết bao người lính biên phòng vẫn từng ngày từng giờ âm thầm chịu đựng nắng mưa, bất chấp khó khăn thiếu thốn để bám trụ canh giữ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Vượt trên 100km đường đèo, dốc cheo leo, vực sâu thăm thẳm dọc dãy Hoàng Liên Sơn, đi xuyên trong mây mù của những ngày rét mướt, chúng tôi đã đặt chân đến một số đồn biên phòng xa xôi, khó khăn nhất tỉnh Lào Cai. Thiếu tá Ninh Xuân Trường - chính trị viên đồn biên phòng Y Tý (xã Y Tý, huyện Bát Xát) - đội sương, dầm rét đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng ấm của một người lính kỳ cựu nơi địa đầu biên giới. Anh nói: "Không mấy ai đến được Y Tý mùa này đâu, trừ lính biên phòng bọn mình. Một lần thôi, nhớ cả đời. Một lần thôi cũng trở thành người vùng cao. Ai đã đến được đây đều là khách quí, là lính danh dự của đồn"…

Tiền đồn

Chiếc xe Uoát đặc dụng của bộ đội biên phòng nhiều lần "giãy đành đạch", quay tít bánh trên đường đất trơn trượt. Trời thì mù sương, đường một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cao vợi. Trong khi anh lính trẻ căng mắt, bặm môi điều khiển chiếc xe thì thiếu úy Nguyễn Đình Quang - trợ lý thanh niên biên phòng tỉnh Lào Cai - lại ngâm nga câu thơ của một nhà thơ người dân tộc để chứng minh sự hoành tráng của cung đường lên Y Tý, A Mú Sung: Đường như một sợi dây leo. Chênh vênh đèo dốc, cheo leo đèo trời. Chỉ đến khi nhìn thấy dòng chữ mờ ảo trên tấm biển xanh giữa mênh mang mây mù: "Đồn biên phòng Y Tý”, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, hoàn hồn. Cả đồn rộn ràng, tất bật đón khách. Rượu được bày ra nhưng gần hai giờ sau, khi khách đã ngây ngất vì men rượu thì cơm, canh, đồ ăn vẫn chưa có. Thiếu tá Trường ái ngại: "Sương mù giăng kín suốt ngày thế này, nước thì lạnh, củi ướt nên anh em nhóm được bếp cũng phải khá lâu đấy".

Theo chính trị viên đồn biên phòng Y Tý, đồn có sứ mệnh quản lý 25,5km đường biên giới dọc suối Lũng Pô (phân chia VN - Trung Quốc). Đồn có năm trạm nằm trải đều trên 25,5km chạy qua ba xã vùng cao khó khăn của Bát Xát (Y Tý, Ngải Thầu, A Lù). Các trạm đều nằm xa đồn, trên những đỉnh núi hun hút gió, giữa chập chùng mây núi. Ở các trạm chỉ có vài ba người quanh năm đối mặt với gió hú, rét buốt cắt da.

Kể về những kỷ niệm, chính trị viên Ninh Xuân Trường tâm sự: "Đáng nhớ nhất là những lần thức trắng đêm, bụng như lửa đốt để chờ cán bộ, chiến sĩ đi tuần về. Không lo sao được khi đi tuần có thể gặp cơn mưa rừng đổ xuống, lũ kéo đến... Nhưng đã là lính biên phòng thì phải chấp nhận, có thế mới là lính tiền đồn". Thiếu tá Đặng Quốc Thảo, người đã sáu năm bám đồn, cũng chia sẻ: "Nơi anh em mình ở sương mù quanh năm, chỉ mở cửa quên không đóng là sương vào nhà ướt hết đồ đạc. Còn quần áo 20 ngày không khô là chuyện bình thường. Vì thế, lính biên phòng lúc nào cũng có mùi... đặc biệt".

Tại "nhà địa bàn" ở trạm biên phòng xã A Lù, lúc này đã xế chiều nhưng trung úy Tạ Xuân Hòa vẫn nhấp nhổm không yên đợi chờ thiếu úy Mai Anh Tuấn đi vận động dân trong bản. Ở trạm chỉ có hai người. Trạm nằm nơi xa dân, vắng ngắt. Đó chỉ là ngôi nhà gỗ tuềnh toàng trên đỉnh núi cao. Ngoài chiếc bàn gỗ, hai cái giường đơn, hai người lính trẻ (đều quê Nam Định) không còn thứ gì hơn. Sách báo không, tivi, đài đóm lại càng không, mà nếu có thì cũng đâu có điện. Bữa cơm tối chỉ một gói mì tôm bẻ cho vào bát, thêm chút nước sôi, thế là xong.

Trạm Lũng Pô (xã A Mú Sung), trạm Tùng Sáng (Nậm Chạc) của đồn A Mú Sung cũng thế. Quanh năm những người lính trẻ biền biệt bám biên, bám bản. Đi vào bản thì có dân, hầu hết dân đều không nói được tiếng Kinh, nhưng dù sao cũng có người để nói chuyện. Còn những người ở lại trạm với nỗi cô đơn hiu quạnh, khi thấy khách đến như nhặt được vàng ròng...

Nỗi niềm của lính

Những người lính ở A Mú Sung vẫn thường gọi mảnh đất này là "miền xa vắng" hay "a mờ sương", bởi nơi đây với người lính, sương mù, mưa rừng, nắng cháy là những "người bạn" không thể thiếu suốt bốn mùa.

Đêm ập xuống nhanh, cái rét như luồn trong từng thớ thịt, đại úy Đinh Văn Lào - chính trị viên phó đồn A Mú Sung - cho biết hầu hết quân số của đồn đều là lính trẻ, phân nửa trong đó là "lính phòng không". Đại úy Lào tâm sự: "Công việc bề bộn vô cùng. Bởi vậy anh em cứ căng sức ra mà làm. Người này đi, người khác về, ở cùng đồn nhưng có nhiều người cả tháng trời không gặp nhau".

Đại úy Lào còn kể nhiều chuyện về những mất mát hi sinh của người lính biên phòng, cả chuyện vui, chuyện buồn. Nào chuyện các anh chàng "băm chục nhát" (tức quá tuổi 30) vẫn chưa có vợ, khi được nghỉ phép không dám về quê. Anh lính trẻ nào xông xáo yêu được các cô sơn nữ hay những giáo viên lên cắm bản thì cứ phải "giữ khư khư”, sợ các cô thay đổi. Rồi việc lính biên phòng ngại không dám tắm không phải sợ lạnh mà sợ bọ chó. Phải bẩn và có mùi hôi thì bọ chó mới không mò vào. Đặc biệt là không được dùng xà phòng, nếu ngửi thấy mùi thơm, bọ chó sẽ "nhào vô” không cách gì cản nổi.

Trạm trưởng trạm Tùng Sáng, thiếu úy Trần Văn Duẩn bảo: "Anh em biên phòng rất thiếu thốn tình cảm. Nhớ nhà và thèm được nghe nói chuyện, đọc báo để biết thông tin quê nhà. Nhưng ở nơi heo hút này điện chỗ có chỗ không, tivi thì hiếm. Sóng của Đài Tiếng nói VN cũng bập bõm, muốn nghe phải xách đài ra sân thoáng, vừa nghe vừa giơ ăngten để hóng sóng. Duẩn có phần hơn các đồng đội là anh đang có người yêu là cô giáo bản. Chẳng là hơn ba năm trước, từ Nam Định lên đồn, Duẩn đã "mết" ngay cô giáo Chi và được cô giáo đáp lại. Yêu được hai năm, Duẩn được trên phân công đi huấn luyện, đây cũng là cơ hội để người lính chuyển đồn. Vậy mà một năm sau, Duẩn lại tình nguyện xin quay trở về trạm cũ. "Tình yêu là một chuyện, Chi cũng có thể xin về xuôi, nhưng mình đã ngấm sương gió nơi này rồi. Hai đứa quyết định ở lại" - Duẩn nói. Anh đang nhờ đồn làm thủ tục để cưới và xin đất "cắm bản".

Rời A Mú Sung, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng lời mời trở lại của những người lính trẻ: "Nhà báo lên nhớ đem nhiều báo nhé. Mang thêm tí điện, tivi, đài đóm thì tốt lắm đấy".

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp