Nhà văn Linda Lê - Ảnh: VŨ HỒI NGUYÊN
Thông tin được tuần báo Nouvelobs - một trong số những tạp chí lớn nhất của Pháp - đưa tin chiều nay, giờ Việt Nam.
Nhà văn Vũ Hồi Nguyên từ Pháp cho biết ông nhận tin buồn từ một người bạn thân thiết người Pháp của Linda Lê.
Đây là tin rất đột ngột với ông Nguyên bởi mới cách đây 1-2 tháng nữ nhà văn còn ra mắt độc giả cuốn sách mới nhất.
Đài phát thanh France24 cho biết Linda Lê bệnh nặng từ một năm nay.
Nhà văn Vũ Hồi Nguyên cho biết Linda Lê hoàn toàn sống bằng công việc văn chương. Ngoài viết văn thì bà làm việc cho một nhà xuất bản lớn ở Pháp.
Ngoài tài sáng tác, bà rất giỏi tiếng Pháp, được các tờ báo lớn của nước Pháp đánh giá trình độ tiếng Pháp của bà ở mức sáng tạo ngôn từ tiếng Pháp.
Sinh ở Đà Lạt năm 1963 nhưng bà sang Pháp sinh sống từ sớm, say mê văn chương Pháp nên tiếng Pháp của bà rất giỏi.
Bà chọn độc giả Pháp là thị trường văn chương của mình và đồng thời độc giả Pháp cũng dành cho bà chỗ đứng rất cao trong nền văn chương của họ.
Năm 2012, cuốn tiểu thuyết Lame de fond (Sóng ngầm) của Linda Lê là một trong bốn cuốn lọt vào vòng chung kết giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương số 1 tại Pháp. Cuốn sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.
Một số cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của bà cũng đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như Vượt sóng, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa, Vu khống…
Từng phỏng vấn sâu với Linda Lê ở Hà Nội, theo dõi đời sống văn chương người Việt tại Pháp với vai trò là một người viết, ông Vũ Hồi Nguyên đánh giá Linda Lê là nhà văn gốc Việt số 1 tại Pháp. Nhưng bà có đời sống riêng nhiều thăng trầm.
Sóng ngầm - cuốn tiểu thuyết đã lọt vào chung kết giải Goncourt 2012, đã được xuất bản ở Việt Nam - Ảnh: Nhã Nam
Linda Lê hiếm khi xuất hiện ồn ào trong văn giới nhưng những tác phẩm đầy rẫy hồn ma của bà thì để lại dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn.
Linda Lê vậy là đã gia nhập cái thế giới bóng tối từng ám ảnh tác phẩm của mình.
Sinh tại Đà Lạt năm 1963, Linda Lê đến Le Havre, Pháp năm 1977.
Ở tuổi 14, cô cựu sinh yêu Balzac và Victor Hugo trường Pháp tại Sài Gòn, dĩ nhiên là đã chọn học ngành văn chương. Tiếp tục đến Paris, cô vào trường Henry IV nổi tiếng và sau đó là Đại học Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tiên của Linda Lê (Un si tendre vampire) xuất hiện năm 1986, nhưng sau đó bị chính nhà văn chối từ trong danh sách tác phẩm chính thức của mình.
Trong giai đoạn đầu, dưới ảnh hưởng lớn từ nhà văn Áo Thomas Bernhard, văn chương Linda Lê mang đến một giọng văn cuồng dại bị kìm nén trong những câu văn chắt lọc tỉ mỉ. Đó là trường hợp của những tác phẩm như Vu khống hay Les dits d’un idiot.
Dần dần, văn của bà trở nên u sầu hơn, bị chia cắt bởi sự trống rỗng và vắng mặt. Thư cho đứa trẻ không ra đời thừa hưởng di sản đó và nhận giải Renaudot cho mục sách khổ nhỏ năm 2011.
Trong văn chương của mình, Linda Lê luôn hé lộ, gián tiếp hay trực tiếp, ít nhiều về bản thân mình. Trong Voix, bà kể lại những trầm cảm, những cơn điên và bệnh viện tâm thần nơi mình đã từng sống trong thời gian ngắn.
Trong đó bà kể: "Tôi nhận thấy cái chết, cái chết của tôi, là kiệt tác duy nhất tôi có thể thực hiện". Vô phương, bị đày ải trong chính sự tồn tại của mình, cũng như trong một xã hội mà bà ghê tởm sự tàn bạo, Linda Lê thích xem mình như "con gấu ngủ trong hang", đã lựa chọn văn chương làm nơi nương náu. Căn hộ của bà ở Paris chất đầy sách vở.
Vốn là một người đọc đam mê và không ngừng nghỉ, Linda Lê đã viết vô số lời tựa và vinh danh vô số những nhà văn quan trọng đối với mình.
Trong Les Chercheurs d'ombre, bà bày tỏ sự mến mộ dành cho "những kẻ ngờ vực", tức là những nghệ sĩ, cũng như bà, "tuyên bố không bao giờ trục lợi sự chắc chắn của mình".
Trong số "những lính gác bóng đêm" này có nhà văn Việt Nam Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh, có tiểu thuyết gia và thi sĩ huyền bí Cristina Campo và có cả Bruno Schulz.
Nhận giải Wepler cho tác phẩm Cronos năm 2010 và giải Hoàng tử Monaco cho toàn bộ sự nghiệp vào năm 2019, Linda Lê vừa xuất bản De personne je ne fus le contemporain tháng 2 vừa qua.
NGUYỄN VŨ HƯNG (thành viên hội đồng Graduate School 31 - Université Paris) dịch rút gọn từ L’Obs
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận