22/07/2013 23:59 GMT+7

Liệu có căn cứ trên thực tiễn?

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Khi việc “cắt cờ thi đua với địa phương tăng tỉ lệ tốt nghiệp THPT” không còn nằm trong vòng bí mật nữa thì câu chuyện này trở thành vấn đề nóng không chỉ ở bàn hội nghị tổng kết năm học 2012-2013...

g2Cr0Y4T.jpgPhóng to
Thí sinh ra về sau khi hoàn tất bài thi môn lý tại hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM kỳ thi năm 2013 - Ảnh: Như Hùng

Ông Nguyễn Văn Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, khi chia sẻ về chuyện bị cắt thi đua vì tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao đã nói: “Chỉ nói riêng việc quy kết một phòng thi, một hội đồng thi có tỉ lệ điểm 9, 10 cao thì nhất định có tiêu cực tôi thấy không ổn. Tôi từng có năm về một hội đồng coi thi cắm chốt tại đó trong đúng ba ngày thi tốt nghiệp, chỉ để xem với sự nghiêm túc gần như tuyệt đối thì kết quả thi sẽ thế nào. Kết quả tỉ lệ tốt nghiệp ở hội đồng coi thi đó vẫn rất cao, nhiều phòng thi có điểm 8, 9, thậm chí 10, chiếm đa số. Điều này cho thấy không thể cứ nhìn tỉ lệ mà điểm mặt tiêu cực”.

Không thể vàng thau lẫn lộn

Phó giám đốc sở GD-ĐT một tỉnh phía Nam có tỉ lệ tốt nghiệp tăng bày tỏ bức xúc: “Tôi hoàn toàn không đồng tình với ý kiến của Bộ GD-ĐT về việc các tỉnh phải cam kết giảm tỉ lệ tốt nghiệp. Nhiều tỉnh từ xưa đến nay thi cử rất nghiêm túc, kết quả ra sao là thực lực của học trò chứ không phải chờ chủ trương của bộ rồi mới làm. Dù có hay không có cam kết mật với bộ chúng tôi vẫn nghiêm túc như thế. Kết quả của chúng tôi tăng là thực chất, nếu bộ không tin chúng tôi cứ thanh tra, cứ chấm thẩm định”.

Tại Trà Vinh, tỉnh có tỉ lệ thi tốt nghiệp năm 2012-2013 tăng nhẹ 0,02%, một cán bộ sở GD-ĐT cũng chia sẻ: “Cách làm của bộ không ổn tý nào. Phải nhìn vào thực chất, nếu công tác tổ chức thi tốt, học sinh có chất lượng thì càng phải hoan nghênh chứ không thể đánh đồng như vậy. Bộ cũng nhiều lần thanh tra, kiểm tra công tác thi cử tại Trà Vinh nhưng không phát hiện tiêu cực”.

Nếu ai theo dõi việc tổ chức thi và kết quả thi tốt nghiệp của tỉnh Tiền Giang sẽ càng ngậm ngùi với quy định “không được tăng tỉ lệ tốt nghiệp” của Bộ GD-ĐT.

Trước thời điểm bộ kêu gọi “hai không”, Tiền Giang là địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp. Những năm đầu tiên thực hiện “hai không”, tỉnh này đã vươn lên tốp năm tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất cả nước, trong khi các tỉnh khác (vốn có tỉ lệ tốt nghiệp cao trước đó) tỉ lệ tốt nghiệp lại sụt giảm thảm hại.

Tiền Giang khi đó đã chứng minh một cách thuyết phục việc làm thật của mình dù là trước hay sau “hai không” thì tỉnh này vẫn giữ “phong độ ổn định”.

Trong sáu năm qua, Tiền Giang lại rơi xuống tốp đáy về tỉ lệ tốt nghiệp bởi hầu hết các tỉnh tỉ lệ đậu tốt nghiệp đạt ngưỡng 99%. Dễ dàng nhận thấy năm 2012 tỉnh này là một trong hai địa phương đứng cuối bảng xếp hạng. Nhưng ở kỳ thi năm 2013, khi các tỉnh thực hiện lời hứa “tối mật” “cầm tay nhau đi xuống”, thì Tiền Giang lại là một trong số ít tỉnh có tỉ lệ nhích lên.

Một cán bộ có thâm niên trong ngành giáo dục Tiền Giang băn khoăn: “Tôi hơi buồn khi nghe bộ nói cứ tỉ lệ cao thì bị phạt. Tỉnh Tiền Giang vốn có truyền thống trung thực, nghiêm túc trong thi cử, không chạy theo thành tích, kết quả có thể thấp hay cao nhưng là thực chất. Mình trung thực, nghiêm túc như vậy là có lợi cho học trò. Học trò sẽ học hành đàng hoàng để thi. Nếu thi cử có tiêu cực, học sinh lứa sau sẽ nghe các anh chị đi trước nói “thi tốt nghiệp không học cũng đậu”, để rồi sao nhãng. Tỉ lệ thi tốt nghiệp hiện nay còn phụ thuộc cách tổ chức của từng tỉnh. Kết quả thi ĐH sẽ nói lên hết bởi điểm bình quân thi ĐH của Tiền Giang luôn đứng ở tốp cao của cả nước”.

Cần có chủ trương tức thì?

Tuy băn khoăn về lời hứa “tối mật” nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT cũng bày tỏ sự chia sẻ và ủng hộ Bộ GD-ĐT trong việc chống tiêu cực và loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh tiêu cực đã trở thành nỗi nhức nhối của xã hội. Một cán bộ ngành giáo dục Thanh Hóa cho biết sau khi được “quán triệt” về việc “kiềm chế” tỉ lệ đậu tốt nghiệp, sở GD-ĐT tỉnh này đã chỉ đạo quyết liệt khâu coi thi, chấm thi nghiêm túc, không tuyên dương các đơn vị đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% và thực tế tiêu cực trong thi cử đã giảm mạnh.

Cán bộ này giải thích: “Hiện nay dư luận xã hội đánh giá tỉ lệ tốt nghiệp còn cao quá so với thực lực của các địa phương, nên quyết định của bộ chủ yếu là muốn làm cho tình hình thi cử được thực chất hơn mà thôi”.

Một cán bộ khác của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, tỉnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp giảm trong năm học 2012-2013, cũng bày tỏ sự thông cảm với nỗ lực chống tiêu cực của Bộ GD-ĐT: “Trong quá trình công tác có những cái thuộc về chủ trương lâu dài. Nhưng cũng có những hoàn cảnh cụ thể, có những chủ trương tức thì để giải quyết các công việc trước mắt, thiết nghĩ cũng cần thiết với điều kiện chủ trương đó phải nằm trong tổng thể chung của sự lâu dài. Muốn chống tiêu cực phải có chiến lược dài hơi và phải có thời gian chứ không chỉ trong ngày một ngày hai”.

Trước những ý kiến băn khoăn, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định tại hội nghị tổng kết năm học: “Chống tiêu cực nhưng kết quả (tỉ lệ tốt nghiệp - PV) vẫn tăng, điều đó là đúng về mặt lý thuyết nhưng không đúng trong thực tế của chúng ta. Quyết định không để tỉ lệ tốt nghiệp vượt lên năm trước là có căn cứ thực tiễn. Còn khi nào quyết định ấy không phù hợp nữa thì chúng ta sẽ ăn mừng, vì bệnh thành tích, tiêu cực thi cử không còn nữa”.

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp