13/05/2015 08:04 GMT+7

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội: Liên tiếp uy hiếp người đi đường

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Vừa bị UBND TP Hà Nội phê bình vì rơi cọc thép buổi sáng, thì buổi chiều, chính tại công trường dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội lại xảy ra vụ sập cần cẩu khiến nhiều người kinh hãi.

Công nhân cắt đôi cần cẩu và cẩu khỏi nhà dân khoảng 18g ngày 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng
Công nhân cắt đôi cần cẩu và cẩu khỏi nhà dân khoảng 18g ngày 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng

Theo những người dân ở khu vực thi công xảy ra sự cố (nằm ở dải phân cách giữa đường Cầu Giấy), vào khoảng 16g ngày 12-5, một tiếng động lớn phát ra rồi chiếc cần cẩu đổ gục.

Phần đầu cần cẩu gác lên mái của nhà số 561 và 539 phố Cầu Giấy. Còn một phần thân cẩu gập cong hình chữ V gác lên chiếc máy xúc trong công trường.

May mắn cứu người đi đường

Thời điểm đó, hai chiếc xe máy đang đi dưới cần cẩu đổ đã bị dây cáp của cần cẩu đụng phải ngã xuống đường. Dây cáp vướng vào cổ anh Lê Thanh Hoàn (ở Minh Khai, Hà Nội) đang đi xe máy khiến anh Hoàn sây sát.

Phía trước xe anh Hoàn, người phụ nữ đi xe máy đang mang thai những tháng cuối cũng bị ngã xuống đường. Người phụ nữ này không bị thương nhưng được đưa đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.

“Lúc đó cần cẩu đang nhổ các cọc thép cắm sâu làm vách của cọc khoan nhồi. Khi nhấc lên rồi có hiện tượng tụt xuống, cần cẩu nhấc tiếp thì bị đổ” - một công nhân kể lại.

Điều may mắn là thời điểm đó ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy phía trên đang có đèn đỏ theo chiều đường Xuân Thủy - Cầu Giấy nên chỉ có hai xe máy đi qua dưới cần cẩu.

Một phần thân cẩu được xe xúc trong công trường đỡ và phần ngọn gác trên mái nhà số 561 và 539 nên cần cẩu không rơi hẳn xuống đường. Dù vậy, vụ việc xảy ra trong giờ cao điểm nên các ngả đường lân cận hiện trường bị ùn tắc trong thời gian dài.

Đến 18g20, lực lượng cứu hộ đã cắt phần cần cẩu gãy, hạ xuống khu vực công trường. Mái hai ngôi nhà bị cần cẩu đổ vào bị hư hỏng nặng.

Dừng toàn bộ công trường, giao công an điều tra

Có mặt tại hiện trường sau khi xảy ra vụ việc, ông Lê Huy Hoàng - phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phụ trách dự án - cho biết ngắn gọn là sự cố xảy ra khi nhà thầu thi công đang rút ống vách dài (khoảng 6m, đường kính 1m) của cọc khoan nhồi thuộc đoạn trên cao của dự án.

Nhận định ban đầu là do công nhân lái cẩu thao tác sai dẫn tới bị mất thăng bằng khiến cẩu quay ngang đường và đổ gục vào nhà dân. Vị trí xảy ra sự cố đổ cần cẩu thuộc gói thầu số 1 (tuyến đoạn trên cao) do nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) làm nhà thầu chính thi công.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cũng có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục sự cố, giải phóng hiện trường.

Ông Hùng cho biết lãnh đạo Hà Nội yêu cầu tạm dừng thi công toàn bộ công trường dự án và giao công an khám nghiệm hiện trường, điều tra để tìm nguyên nhân. Ông Hùng cho biết việc đầu tiên cần tập trung là khắc phục sự cố, giải quyết hậu quả trước mắt.

Hiện trường vụ sập cần cẩu công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lúc 16g07 ngày 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng
Hiện trường vụ sập cần cẩu công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội lúc 16g07 ngày 12-5 - Ảnh: Tuấn Phùng

Sáng phê bình, chiều xảy ra tai nạn!

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội thí điểm tuyến Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ tháng 9-2010. Nhưng liên tiếp trong 2 - 3 ngày gần đây đã xảy ra hai sự cố rơi thép và đổ cần cẩu khiến người dân khiếp sợ dù chưa gây thương vong cho người đi đường.

18g30 ngày 10-5, một thanh thép dài 9m, nặng 630kg rơi từ công trường thi công nhà ga số 4 xuống đường phố Hồ Tùng Mậu làm hư hỏng xe máy của hai người đi đường. 

Sáng 12-5, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chủ trì họp nghe báo cáo sự cố trên và quyết định phê bình trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội quản lý dự án) và đơn vị tư vấn Systra (Pháp) chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát thi công.

Ông Hùng cũng yêu cầu Sở Xây dựng xử phạt nghiêm nhà thầu Posco và nhà thầu phụ do sự cố rơi thanh cừ thép khi thi công ga số 4.

Với nhà thầu Inceco trực tiếp thi công ga số 4, ông Hùng yêu cầu Sở Xây dựng có thông báo cấm nhà thầu này tham gia các dự án có nguồn vốn của TP Hà Nội trong một năm.

Đồng thời ông Hùng yêu cầu Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và Systra chỉ đạo các phòng ban và các cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để có biện pháp quản lý, giám sát thi công hiệu quả, an toàn tuyệt đối.

Thế nhưng chiều 12-5 thì xảy ra vụ sập cần cẩu.

- Bà Lê Thị Hà (58 tuổi, ở đường Cầu Giấy, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), chứng kiến vụ việc, kể lại: “Lúc đó khoảng 4g chiều, tôi đang ở trong nhà thì nghe có một tiếng động mạnh rung cả tường nhà. Tôi sợ quá chạy ra ngoài đường thì thấy cần cẩu bị gãy đổ vào nhà dân. Hai người đi đường, trong đó có một bà bầu, cũng bị thương do vụ gãy cần cẩu”.

Bà Hà cho biết thêm từ khi dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội thi công thì về đêm thường gây ra những tiếng động mạnh rung cả đất, ngày nắng thì bụi vào nhà.

Gia đình bà và nhiều gia đình khác trên đường Cầu Giấy, Xuân Thủy đã phản ảnh nhiều lần tới đơn vị thi công nhưng vẫn chưa được khắc phục.

- Ông Lê Hưng (62 tuổi, ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy) bức xúc: “Hôm nay cần cẩu chỉ cần đổ ra đường 1-2m thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều ngày công nhân cẩu sắt thép vào giờ đang còn nhiều người đi lại nhưng che chắn rất sơ sài.

Thi công ở nơi có nhiều xe cộ qua lại nhà thầu phải đảm bảo an toàn là trên hết. Hôm nay gãy cần cẩu, ngày mai rơi sắt thép thì người dân biết phải làm sao”.

Các vụ tai nạn ở hai dự án “tai tiếng”

Hiện nay Hà Nội đang triển khai hai dự án đường sắt đô thị: tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (chủ yếu vốn vay ODA Trung Quốc) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và tuyến thí điểm Nhổn - ga Hà Nội (chủ yếu vốn vay của Pháp) do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Cả hai dự án này đều chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư và xảy ra các vụ tai nạn, sự cố làm chết người, uy hiếp tính mạng người đi đường.

Tuyến Cát Linh - Hà Đông:

- Ngày 6-1-2014, trong lúc công nhân đang cẩu thép để thi công ga Thanh Xuân III (ở đường Trần Phú, quận Hà Đông) thì bất ngờ cây thép rơi vào nhiều người đi đường. Vụ việc đã làm anh Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi) tử vong tại chỗ và hai người bị thương.

- Ngày 28-12-2014, xảy ra sập giàn giáo khi đổ bêtông thi công ga bến xe Hà Đông khiến một taxi bị hư hại.

- Ngày 12-5, một xe hơi lái theo hướng Hà Đông về ngã tư Sở đã bị thanh sắt giống xà beng từ công trường thi công ga đường vành đai 3 rơi xuống làm hư hỏng tay nắm cửa.

Tuyến Nhổn - ga Hà Nội:

- Tối 10-5 xảy ra vụ rơi cọc thép dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg tại công trường thi công nhà ga số 4 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), suýt trúng hai người đi xe máy.

- Ngày 12-5, vụ sập cần cẩu trước số nhà 561 và 539 đường Cầu Giấy.

* Ông HOÀNG ĐÔN DŨNG (tổng giám đốc Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn):

Cần cẩu phải được kiểm định

Các loại cần cẩu hoạt động ở công trình đều phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới hoạt động.

Thực tế có đơn vị cũng thực hiện kiểm định đầy đủ nhưng không loại trừ có đơn vị bỏ qua quy trình này. Riêng đối với cần cẩu bánh xích, bánh lốp tương tự như cần cẩu sập ở Hà Nội chiều 12-5 mà báo chí phản ánh, trong vòng sáu tháng phải kiểm định an toàn một lần.

Nguyên nhân sự cố trên phải đợi cơ quan chức năng điều tra xác định, nhưng thông thường ngoài khả năng thiết bị không được kiểm định đúng quy trình còn có yếu tố chủ quan của người điều khiển cẩu.

QUANG KHẢI ghi

* Ông LÊ VĂN THỊNH (nguyên trưởng phòng giám định 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình):  

Vận hành cần cẩu phải đúng quy định

Để bảo đảm vận hành an toàn cần cẩu, nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định: thiết bị nâng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu và đăng ký sử dụng theo đúng quy định;

Chỉ những người hội đủ các điều kiện mới được làm việc với cần trục tháp; trước khi vận hành phải kiểm tra tình trạng kỹ thuật hoàn hảo của các chi tiết và bộ phận quan trọng của cần trục tháp, thử lần lượt từng bộ phận của nó ở trạng thái không tải xem hoạt động của chúng có bình thường không.

Nếu có bộ phận, chi tiết nào hư hỏng phải báo cáo cho người phụ trách để tìm biện pháp khắc phục mới được vận hành...

Ngoài ra thiết bị nâng phải được bảo dưỡng định kỳ. Phải sửa chữa, thay thế các chi tiết, bộ phận đã bị hư hỏng, mòn quá quy định cho phép.

Sau khi thay thế, sửa chữa các bộ phận, chi tiết quan trọng như kết cấu kim loại, cáp móc, phanh… phải tiến hành khám nghiệm có thử tải thiết bị nâng trước khi đưa vào sử dụng.

HÀ CHÂU ghi

TP.HCM: tổng rà soát cần cẩu thuộc dự án metro số 1

Trao đổi qua điện thoại, ông Bùi Xuân Cường, trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (đang công tác ở nước ngoài), cho hay ông có biết thông tin liên quan đến vụ sập cần cẩu tại công trình đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Mặc dù các thiết bị như cần cẩu phục vụ dự án tại tuyến metro số 1 đều được kiểm định theo đúng quy định, song ông Cường cho biết đã gọi điện về và yêu cầu các đơn vị tổng rà soát, nhắc nhở đơn vị thi công đảm bảo an toàn lao động, không được chủ quan nhằm tránh những tai nạn tương tự như ở Hà Nội.

QUANG KHẢI ghi

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp