23/10/2021 10:08 GMT+7

'Liên minh đèn màu giao thông' ở Đức: Đèn xanh đã bật

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)

TTO - Hôm 21-10, ba đảng gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Dân chủ tự do (FDP) và Đảng Xanh đã chính thức bắt đầu đàm phán thành lập liên minh để lập chính phủ mới, dự kiến ra mắt vào mùa Giáng sinh năm nay.

Liên minh đèn màu giao thông ở Đức: Đèn xanh đã bật - Ảnh 1.

Ảnh từ trên xuống: Lãnh đạo đảng SPD Olaf Scholz, lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner, lãnh đạo Đảng Xanh Annalena Baerbock - Dữ liệu: Trần Phương tổng hợp - Đồ họa: Tấn Đạt

Báo chí châu Âu nói vui là đèn xanh đã được bật cho "liên minh đèn giao thông" (dựa theo màu sắc đặc trưng của họ - đỏ, xanh lá và vàng). Trong khi chờ đợi chính phủ mới ra mắt, cả EU chuẩn bị tinh thần để chung sống với nước Đức thời "hậu Merkel". 

Quyết tâm đổi mới Đức

Ngày 15-10, chủ tịch ba đảng SPD, Xanh và FDP đã trình bày trước báo chí một tài liệu 12 trang, được gọi là "Báo cáo hiểu biết" - cơ sở cho các cuộc đàm phán về hợp tác trong tương lai cùng phác thảo về những dự định của tân chính phủ. Chủ tịch SPD Olaf Scholz đã gọi bản báo cáo này "có lẽ là sự hiện đại hóa công nghiệp lớn nhất của Đức trong hơn 100 năm".

Do cả ba đảng đều có thế mạnh của mình nên người ta dự đoán quá trình thảo luận và phân chia các bộ trong tân chính phủ sẽ không dễ dàng. Tối 17-10, Chủ tịch FDP Christian Lindner đã tuyên bố với báo Bild rằng ông "sẽ không thuộc về một chính phủ cánh tả". Trong khi đó, Đảng Xanh khẳng định sẽ đặt trọng tâm vào các lĩnh vực khí hậu và xã hội.

Theo báo chí Đức, "Báo cáo hiểu biết" cho thấy quyết tâm đổi mới nước Đức của liên minh này. Giảm tình trạng quan liêu, quản lý hiệu quả hơn sẽ giúp điều hành doanh nghiệp dễ dàng hơn, đảm bảo công tác thu thuế hiệu quả hơn và cung cấp một biên độ tài chính lớn hơn để huy động.

Công tác số hóa cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân đóng một vai trò quan trọng và do đó đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ mới. Câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu mục tiêu tiết kiệm để tài trợ cho các dự án có va chạm với thực tế, thí dụ như có nên giảm bớt số nhân viên trong bộ máy hành chính công - một trong những nguồn tiết kiệm quan trọng nhất.

Chính phủ mới cũng đặt trọng tâm vào các vấn đề khí hậu, giáo dục, nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, những điều này phải được thực hiện trong khuôn khổ tài khóa giống như trước thời đại dịch COVID-19; theo đó, "phanh nợ" của Đức phải được duy trì, tức là phải được quản lý theo sự cân bằng hợp lý của tài chính công.

Trong lĩnh vực thuế, FDP xem như đã giành được chiến thắng về việc đề ra một khuôn khổ chính sách tài khóa chặt chẽ cho dù không đạt được mong muốn về cắt giảm thuế.

Chính phủ mới cũng phải cố gắng để củng cố sức mạnh của đồng euro, mà theo Thủ tướng Ý Mario Draghi, các quy tắc cũ được áp dụng cho đồng tiền chung đã trở nên "lỗi thời".

Tiếp tục là "đầu tàu" ở EU

Một vấn đề quan trọng nữa là khí hậu. Tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố bản dự thảo kế hoạch đầy tham vọng "Fit for 55" (Phù hợp với 55). Kế hoạch này đề ra mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm lượng khí thải xuống 55% so với mức năm 1990, nhằm trở thành trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo ông Anders Stouge, phó giám đốc điều hành Dansk Energi của Đan Mạch, để đạt mục tiêu giảm 55% CO2 vào năm 2030, EU sẽ phải nâng tỉ trọng năng lượng xanh lên 45%.

Với vai trò "đầu tàu" của EU, Đức đã nhiệt tình ủng hộ kế hoạch "Fit for 55" nên tân chính phủ tất nhiên cũng phải chứng tỏ nỗ lực của mình cùng thúc đẩy các nước thành viên khác cùng chung sức. 

Do vậy, yếu tố khí hậu sẽ đóng vai trò quan trọng trong tất cả các sáng kiến mới của chính phủ, từ công nghiệp sản xuất ôtô tới xây dựng nhà cửa... Chính phủ mới ở Đức cam kết sẽ dành khoảng 2% diện tích đất cả nước cho các dự án điện mặt trời và điện gió.

Việc triển khai "Fit for 55" tuy khó nhưng không phải là không khả thi vì các nước, đặc biệt là các quốc gia Bắc Âu, đã đầu tư lớn vào năng lượng sạch từ nhiều năm qua. Riêng Đan Mạch còn là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ sản xuất tuôcbin gió.

Bên cạnh vấn đề khí hậu, liên minh "đèn giao thông" ở Đức hẳn sẽ không nhân nhượng với vấn đề nợ công của các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Cyprus như dưới thời bà Merkel.

Ngoài ra còn có một vấn đề nhức đầu nữa là người di cư tự do và tị nạn. EU đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư mới khi dòng người di cư đang tràn vào lục địa già qua ngả Địa Trung Hải, và gần đây là từ Belarus qua Lithuania, Latvia và Ba Lan. Đó là chưa nói tới những người Afghanistan đang tìm cách tháo chạy khỏi chính quyền Taliban.

Sau 15 năm với chính phủ liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhiều người Đức muốn có một sự đổi mới, các nước trong khối EU cũng thế. Tất nhiên mục đích sau cùng của mọi người vẫn là một EU đoàn kết, vững mạnh và phát triển.

Đàm phán liên minh Đàm phán liên minh 'đèn giao thông' Đức đã có 2 màu

TTO - Đảng Xanh của Đức đồng ý tham gia đàm phán thành lập liên minh 'đèn giao thông' cùng Đảng Dân chủ xã hội (SPD) và Đảng Dân chủ tự do (FDP), đưa nước Đức đến gần hơn việc lập chính phủ mới.

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp