Ủy ban châu Âu (EC) đang tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu lượng kim loại, chất dẻo, thực phẩm và các chất thải nhân tạo khác hiện chất đống tại các bãi rác hoặc đang làm ô nhiễm nghiêm trọng các đại dương.
Mục tiêu tái chế 65% rác thải sinh hoạt thấp hơn mức 70% được đề ra trong kế hoạch ban đầu hồi năm ngoái, song EC cho rằng đây là mục tiêu "thực tế" hơn mà các chính phủ thành viên EU có thể đáp ứng.
Ủy ban này cho biết kế hoạch sửa đổi về quản lý rác thải hướng mục tiêu cụ thể tới các chất dẻo, vì có tới 50% loại rác thải này đang đầy ứ ở các bãi rác và trôi dạt trên các đại dương, đe dọa nghiêm trọng tới sự sống của sinh vật biển.
EC đã đề ra "ngưỡng tối thiểu" cho hoạt động tái sử dụng nước thải trong 28 nước thành viên của khối.
Cơ quan này cũng lập kế hoạch nhằm hạn chế lượng rác thải sinh hoạt được chuyển tới các bãi rác xuống 10% vào năm 2030, và 25% được tiêu hủy.
Về thực phẩm, EC sẽ tìm kiếm cách thức chung nhằm đánh giá lượng rác thải thực phẩm trong toàn khối và xem xét lại hạn sử dụng ghi trên các nhãn mác sản phẩm, để tránh việc người tiêu dùng vứt bỏ thức ăn quá sớm.
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết đề xuất sửa đổi cũng bao gồm các chiến lược đầu tư và điều chỉnh để các nước thuận lợi hơn trong việc sửa chữa, tái sử dụng và tái chế tất cả các loại rác thải: từ các thiết bị điện tử cho tới gạch vụn xây dựng - xem đây là bước đi hướng tới "tái sáng chế nền kinh tế châu Âu".
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), ông Timmermans kêu gọi EU cần tách bạch hoạt động tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng nguồn tài nguyên.
Hiện một số nước thành viên EU gồm Estonia, Croatia, Latvia, Malta, Romania và Slovakia được yêu cầu gia hạn thêm 5 năm (đến năm 2025) tuân thủ các quy định có từ năm 2008 của EU về mục tiêu quản lý nguồn rác thải hiệu quả hơn.
Dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat chỉ ra rằng các nước này hiện vẫn không đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra vì chỉ tái chế chưa đến 20% rác thải đô thị trong năm 2013.
EC cũng công bố dữ liệu cho thấy trong toàn EU, chỉ có trung bình 43% lượng rác thải được tái chế trong năm 2013 và 31% được chuyển tới các bãi rác, trong khi 26% được tiêu hủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận