04/11/2017 16:04 GMT+7

Liên minh châu Âu nhức đầu vì 'khúc xương' Catalonia

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Cho dù có đạt độc lập đi chăng nữa thì cũng sẽ không có chuyện Catalonia được kết nạp vào EU, rồi thì thành viên Bỉ sẽ xử lý ra sao với lệnh bắt cựu thủ hiến Catalonia do Tây Ban Nha yêu cầu?

Liên minh châu Âu nhức đầu vì khúc xương Catalonia - Ảnh 1.

Ông Carles Puigdemont, thủ hiến bị phế truất của Catalonia, tại buổi họp báo ở CLB báo chí Brussels Europe tại thủ đô Brussels của Bỉ ngày 31-10 - Ảnh: Reuters

Tới thời điểm này thì chuyện xứ Catalonia (viết theo tiếng Catalan là Catalunya) muốn được độc lập không còn là chuyện nội bộ của Tây Ban Nha. 

Nhưng với chuyện cựu thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont chạy sang Bỉ thì tình hình trở nên phức tạp hơn.

Ông Puigdemont và 5 bộ trưởng trong chính quyền Catalonia đã đột ngột xuất hiện tại Brussels ngày 31-10 và tổ chức họp báo tại Trung tâm báo chí Brussels, chỉ cách trung tâm đầu não của EU vài trăm thước. 

Ông Puigdemon tuyên bố mục đích của họ không phải để xin được tị nạn chính trị tại Bỉ mà để tránh sự đối đầu có thể xảy ra nếu họ ở lại Barcelona và "được cộng đồng quốc tế và đặc biệt là châu Âu lắng nghe".

Theo vị cựu thủ hiến thì trường hợp của Catalonia là về các giá trị cơ bản mà trên đó châu Âu được thành lập. "Nếu (châu Âu) cho phép Chính phủ Tây Ban Nha không tham gia vào các cuộc đối thoại, khoan nhượng với bạo lực từ những phần tử hữu khuynh cực đoan, sử dụng phương tiện quân sự và bỏ tù chúng tôi trong 30 năm, thì đó là sự kết thúc cho ý tưởng của châu Âu", ông Puigdemon lập luận.

EU không đưa ra bình luận gì về phát biểu của Puigdemont, chỉ có Bộ trưởng Tị nạn và nhập cư Bỉ, ông Theo Francken viết trên Twitter là có khả năng trao quyền được tị nạn chính trị cho ông Puigdemont. 

Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân ông Francken là người Flemisk Brabant, thuộc vùng tự trị Flanders ở Bỉ!

Liên minh châu Âu nhức đầu vì khúc xương Catalonia - Ảnh 2.

7 trong số 8 cựu quan chức bị bãi nhiệm trong chính quyền Catalonia cùng tới trình diện tại tòa tối cao ở Madrid vào ngày 2-11 - Ảnh: REUTERS

Ngày 3-11, một thẩm phán Tây Ban Nha đã phát Lệnh bắt giữ châu Âu (EAW) đối với cựu thủ hiến Carles Puigdemont và 4 cựu thành viên trong chính quyền bị phế truất, sau khi các quan chức này không về nước trình diện tòa theo lệnh triệu tập để trả lời thẩm vấn liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi tách ra độc lập.

Cơ quan công tố Tây Ban Nha cáo buộc ông Puigdemont, hiện đang ở Bỉ, các tội danh nổi loạn, xúc giục nổi loạn và lạm dụng công quỹ.

Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), quốc gia có người bị truy nã ẩn náu phải bắt và trao trả người này cho nước phát ra lệnh EAW trong thời hạn tối đa là 60 ngày.

EU e ngại phản ứng dây chuyền

Trong các nước trong khối EU có không ít các vùng, khu vực có quyền tự trị. 

Vương quốc Bỉ có các vùng Flanders và Wallonia, Pháp có đảo Corse và vùng Bretagne. Tại Đức là Bayern, Ý là Sardinia (hai vùng Lombardy và Veneto thì đang đòi có nhiều quyền tự trị hơn). Trong Liên hiệp Anh thì có Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Đan Mạch cũng có đảo Greenland là bán tự trị.

Tại Tây Ban Nha thì ngoài Catalonia còn có Basque và Galicien cũng là những vùng tự trị. Riêng Galicien ở phía tây bắc Tây Ban Nha, có ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc riêng nhưng phong trào dân tộc Galicis không phát triển mạnh vì kinh tế nơi đây kém phát triển.

Dễ hiểu là một khi xảy ra phản ứng dây chuyền, các vùng tự trị đều đòi được độc lập như Catalonia thì sẽ dẫn tới tình trạng xáo trộn, bất ổn, thậm chí hỗn loạn về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước trong và ngoài châu Âu có quan hệ kinh tế với họ.

Liên minh châu Âu nhức đầu vì khúc xương Catalonia - Ảnh 4.

Những người ủng hộ giữ Tây Ban Nha toàn vẹn, thống nhất mang theo quốc kỳ Tây Ban Nha xuống đường tuần hành - Ảnh: Reuters

Catalonia giữa hai làn nước

Thực tế cho thấy không phải tất cả người dân Catalonia đều muốn tách khỏi Tây Ban Nha. 

Cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-10 vừa qua chỉ có 42% cử tri tham gia. Hai khu vực trực thuộc Catalonia là Valencia và quần đảo Baleariske, tuy cũng nói tiếng Catalan nhưng không ủng hộ chủ trương đòi độc lập.  

Ông Ximog Puigm, thủ hiến Valencia và Francina Armengol, thủ hiến quần đảo Baleariske thiên về giải pháp Tây Ban Nha trở thành một liên bang. 

Thậm chí khi ông Puigdemont đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Quốc hội Catalonia ngày 27-10 thì một nửa số đại biểu, thuộc các đảng Xã hội Catalan, Bảo thủ và Tự do Ciudadanos đã bỏ hội trường đi ra ngoài để phản đối. 

Ngoài ra, theo nhật báo uy tín El Mundo thì thăm dò dư luận cho thấy số người dân Catalonia muốn ở lại với Tây Ban Nha cao hơn số muốn tách ra. 

Sau những cuộc biểu tình rầm rộ của phe muốn độc lập thì ngày 30-10 tới lượt những người phản đối độc lập biểu tình rầm rộ tại Barcelona, hô vang khẩu hiệu "Viva l’Espana".  

Theo lực lượng cảnh sát Barcelonia thì có khoảng 300.000 người tham gia biểu tình, nhưng theo ban tổ chức thì con số này là 1,3 triệu! Họ cáo buộc chính quyền của thủ hiến Puigdemont đã áp đặt họ với sự lựa chọn của một nhóm người và không thể có chuyện thành lập một "quốc gia" khi đó là quan điểm của thiểu số.  

Nhiều người đi biểu tình đã mặc áo thi đấu của đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha có in tên Andres Iniesta trên lưng thay cho chiếc áo truyền thống của CLB Barcelona. Đáp lại, phe đòi độc lập cáo buộc phe phản đối là "bọn phát xít", ủng hộ chế độ độc tài của “tướng Franco”!

Trả lời phỏng vấn của phái viên báo Berlingske của Đan Mạch tại Barcelona ngày 27-10, Bộ trưởng phụ trách ngoại vụ của Catalonia Raul Romeva (nay đã bị cách chức) nói rằng ông hi vọng khối EU hiểu rằng khát vọng độc lập của Catalonia là một thực tế mà sẽ không bị mất đi. Người Catalonia mong muốn cùng EU giải quyết vấn đề này về mặt chính trị vì đây không chỉ là mối quan tâm của Catalonia mà còn là của khối EU.

Tuy nhiên khi Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố giải tán Quốc hội Catalonia và sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 21-12 tới thì Brussels không đưa ra bình luận gì.

Liên minh châu Âu nhức đầu vì khúc xương Catalonia - Ảnh 5.

Những người đòi độc lập cho Catalonia mang theo cờ hiệu của Catalonia trong cuộc xuống đường - Ảnh: AFP

Catalonia có đi vào ngõ cụt?

Trả lời câu hỏi của nhật báo Berlingske, bà Marlene Wind - giáo sư luật và khoa học chính trị tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - cho rằng "đó là trái với toàn bộ tinh thần hợp tác của châu Âu nếu Catalonia có quyền trở thành một quốc gia độc lập, đơn giản chỉ vì người ta nói một ngôn ngữ khác với các phần còn lại của Tây Ban Nha".

Theo bà thì cho dù châu Âu là những thực thể dân tộc và ngôn ngữ khác nhau, nhưng có thể dễ dàng hợp tác, vì "tinh thần châu Âu phải là hòa giải sự đa dạng - không phải là các quốc gia chia rẽ".

Theo bà Wind thì EU sẽ không can thiệp vì như thế sẽ là xem nhẹ chủ quyền của Tây Ban Nha. Nếu Catalonia muốn được độc lập thì chuyện này phải được giải quyết nội bộ và đúng luật. Trong trường hợp mọi sự phát triển theo chiều hướng xấu, diễn ra xung đột đẫm máu chẳng hạn, thì EU có thể sẽ bước vào, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một nhà hòa giải có tính trung lập hơn như từ cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Trước đây Catalonia đã từng tuyên bố độc lập trong các năm 1979, 1981, 2003, nhưng mỗi lần chỉ là trong một thời gian ngắn, lần này có lẽ cũng không kéo dài lâu hơn. 

Và cho tới lúc này thì quan điểm của EU xem như đã rõ. Cho dù dân số hơn 7,2 triệu của Catalonia còn cao hơn một số nước trong khối nhưng sẽ không có khả năng Catalonia được kết nạp như một nước thành viên EU sau khi được độc lập vì như thế sẽ mở ra một tiền lệ xấu, rất xấu cho châu Âu.

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp