Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp gặp gỡ báo chí sau hội đàm tại Oslo ngày 24-5 - Ảnh: ĐÀ TRANG
Niềm vui của bà Erna Solberg có thể hiểu được khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam thăm trong vòng 20 năm nay. Còn nữ thủ tướng Na Uy từng thăm Việt Nam năm 2015.
Thúc đẩy hoàn tất FTA
Tại hội đàm, hai thủ tướng nhất trí thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), trong đó Na Uy là nước điều phối đàm phán; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục thúc đẩy và mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng mặt trời, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, kinh tế biển xanh.
Trong số đó, hai bên thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao chất lượng hải sản của nhau (cá tra Việt Nam, cá hồi Na Uy).
Về giáo dục - đào tạo, Na Uy cung cấp học bổng cho Việt Nam theo chương trình học bổng sinh viên quốc tế, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên của các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.
Về văn hóa, từ năm 2007, hai nước đã triển khai dự án Transposition kết nối 12 tổ chức nghệ thuật của Việt Nam với các đối tác Na Uy.
Hai thủ tướng cũng giao các bộ, ngành hai bên tăng cường trao đổi, mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực mới như liên quan đến phụ nữ, hòa bình và an ninh, giáo dục, du lịch, thể thao, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Hoan nghênh sáng kiến Việt Nam
Tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước trước đó, Bộ trưởng Công thương Na Uy Torbjorn Roe Isaksen mở đầu bài phát biểu của mình bằng những lời tốt đẹp về Việt Nam: "Tôi từng thăm Việt Nam 15 năm trước, khi còn rất trẻ (ông bộ trưởng năm nay 41 tuổi). Hai tuần ở Việt Nam là khoảng thời gian thật thú vị và ý nghĩa.
Việt Nam ngày nay đã khác rất nhiều, trở thành điểm sáng thành công về phát triển. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu so với nhiều nước ở khu vực khác. Na Uy luôn hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên trên cơ sở hòa bình, công bằng".
Na Uy từ nước hỗ trợ Việt Nam đã chuyển sang hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Bằng chứng là có hơn 40 doanh nghiệp Na Uy đầu tư hiệu quả tại Việt Nam.
Chia sẻ cách đặt vấn đề của phía Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cả hai nước đều là quốc gia ven biển, nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển.
Theo Thủ tướng, trong khi Na Uy đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu thủy hải sản thì Việt Nam đứng ở top 5. Đây là "điểm đồng" trong hợp tác. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như công nghệ số, năng lượng tái tạo, dịch vụ hỗ trợ... cũng chứa đựng nhiều hứa hẹn có thể gắn kết.
"Diện tích hai nước tương đương. Nhưng dân số Việt Nam gấp khoảng 20 lần Na Uy, lại đang trong thời kỳ dân số vàng với 60% lao động trẻ cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Các bạn Na Uy hãy suy nghĩ để đầu tư vào đất nước chúng tôi" - Thủ tướng nói.
20.000 người Việt ở Na Uy
Thủ tướng Erna Solberg đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt tại Na Uy với trên 20.000 người trong phát triển quan hệ hữu nghị và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Na Uy tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống và hội nhập ổn định, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận