Phóng to |
Mô hình liên kết gia công chăn nuôi do Công ty CP Việt Nam triển khai được xem là rất thành công thời gian qua. Trong ảnh: một trang trại gà nuôi gia công cho CP - Ảnh: T.Mạnh |
Theo các chuyên gia, dù mô hình liên kết này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tại nhiều địa phương nhưng chỉ một số ít thành công. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp thường “mở cửa sau” trong các hợp đồng để thoát hiểm, trong khi nông dân vẫn giữ thói quen ở đâu được giá thì bán mà không tuân thủ các cam kết đã ký.
Thất bại do liên kết lỏng lẻo
Ông Lê Việt Hải - tổng giám đốc Công ty CP Mê Kông (Cần Thơ) - cho biết đã ký kết hợp tác đầu tư và mua lúa với nông dân trong suốt 12 năm qua. Theo đó, công ty đầu tư vốn để cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật gieo trồng và ký hợp đồng mua nông sản của người dân, với tổng diện tích khoảng 4.000ha. Tuy nhiên, không ít lần công ty phải chọn cách “nghỉ chơi” với tổ hợp tác đại diện nông dân vì không mua được lúa. “Vào vụ, công ty đến mua lúa mới phát hiện nông dân đã bán cho đơn vị khác. Kiện ra tòa, được tuyên thắng kiện nhưng không thi hành án được do nông dân không có tiền chi trả, doanh nghiệp chịu thiệt” - ông Hải kể.
Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi Theo ông Tống Xuân Chinh, cục phó Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Chính phủ để bình ổn và phát triển chăn nuôi. Theo đó, trong ngắn hạn đề nghị hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn tín dụng cho các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại để mua con giống, kiến nghị giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như bắp từ 5% xuống 2%, lúa mì từ 5% xuống 0%, hỗ trợ 100% tiền mua văcxin tai xanh để dự phòng tiêm bao vây khi có dịch bệnh xảy ra... |
Tương tự, ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH XK-TM Võ Thị Thu Hà (Đồng Tháp), cũng than khổ khi ký kết bao tiêu lúa với nông dân qua tổ hợp tác. “Khi giá lúa tăng, gần nửa diện tích ký kết bao tiêu trước đó được nông dân bán cho thương lái, nhưng doanh nghiệp không kiện được do tổ hợp tác không có pháp nhân, mà nếu thắng kiện cũng không giải quyết được vấn đề gì” - ông Hiền nói. Theo các doanh nghiệp, dù đã đổ vốn đầu tư giống, phân bón và chi phí thuốc bảo vệ thực vật..., nhưng nếu giá lúa tăng vào mùa thu hoạch “thì y như rằng nông dân bẻ kèo, lẳng lặng đưa lúa ra bán cho thương lái”.
Ngược lại, nông dân cũng “tố” các doanh nghiệp bẻ kèo hợp đồng. Ông Phan Văn Bé, xã viên HTX Nông nghiệp số 2 (xã An Bình, TX Hồng Ngự, Đồng Tháp) bức xúc cho biết dù có ký hợp đồng với doanh nghiệp từ đầu vụ nhưng đến kỳ thu hoạch, giá lúa hơi cao là doanh nghiệp tìm cách “bẻ kèo” với lý do độ thuần (tỉ lệ lúa lẫn) vượt mức cho phép. “Cù cưa mấy ngày liền, 3ha lúa trên đồng khô rang, coi như mình bị lỗ do lúa mất ký. Kêu thương lái vào mua, họ đã “đè” giá xuống thấp. Tui phải bán tháo một phần lúa để trang trải nợ nần, số còn lại phải trữ lại chờ giá lên” - ông Bé nói.
Nông dân là đối tác của doanh nghiệp
Cuối năm 2013, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã bán 2,48 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nông dân. Trước đó, từ năm 2010, AGPPS cũng đi tiên phong trong việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm liên kết nông dân, bao tiêu sản phẩm đang được nhiều địa phương và công ty áp dụng và mở rộng. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc AGPPS, nếu không tổ chức lại sản xuất thì nông dân không thể giàu lên được. “Nông dân làm cây lúa không chỉ bán gạo nữa mà sẽ có thêm nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác. Như vậy, thị trường đầu ra cho hạt lúa đâu chỉ có những người tiêu thụ gạo”, ông Thòn cho biết.
Ngoài ra, theo ông Thòn, công ty sẽ dành một phần khoản vay 70 triệu USD của Standard Chartered để đầu tư vào khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tạo nên một chuỗi giá trị lúa gạo có giá trị gia tăng cao trong thời gian tới. “Phải làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng áp dụng khoa học công nghệ mới nâng cao giá trị hạt gạo của VN. Muốn mối hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân hiệu quả bền vững thì trước hết doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả trước đã”, ông Thòn nói. AGPPS cũng đặt mục tiêu sẽ đầu tư vào khâu tận dụng phụ phẩm lúa cũng như tăng giá trị cho hạt gạo, như thu lại rơm rạ, trấu làm phân bón, than sạch, nhiên liệu...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số công ty đa quốc gia cũng đã tạo được vị thế vững chắc nhờ xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với người chăn nuôi. Công ty chăn nuôi CP Việt Nam (CP) là một ví dụ thành công lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi của VN khi tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất này từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm. Theo ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, tổng giám đốc CP, một trong những nhân tố đem lại thành công cho CP ngày hôm nay chính là mối liên kết với trên 20.000 hộ dân khắp cả nước.
Bước đột phá của CP cũng như một số tập đoàn đa quốc gia khác như Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia) là thực hiện chính sách liên kết với nông dân theo hình thức nuôi gia công. Theo đó, người dân đầu tư chuồng trại, công sức quản lý, còn các công ty đầu tư con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật... và phân chia lợi nhuận trên hợp đồng ký giữa hai bên.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN, tại những nước có ngành chăn nuôi phát triển, các công ty lớn đều dựa vào nông dân để phân tán trại nuôi, giảm áp lực môi trường, dịch bệnh... theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích của các khâu tham gia chuỗi giá trị. “Thời gian qua giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh nhưng dù lỗ các công ty vẫn đảm bảo quyền lợi về giá mua và tiền công nuôi cho các hộ nuôi liên kết”, ông Vang cho biết.
Rõ ràng điều khoản, củng cố niềm tin Tại hội nghị bàn về vấn đề liên kết tiêu thụ lúa gạo diễn ra ở Đồng Tháp mới đây, ông Lê Vĩnh Tân - phó Ban Kinh tế trung ương - cho rằng hợp đồng liên kết đầu tư, thu mua bao tiêu lúa gạo giữa doanh nghiệp và nông dân đòi hỏi phải cụ thể, rõ ràng là điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác bền vững. Đặc biệt, doanh nghiệp phải tính toán phân chia hợp lý lợi nhuận trong chuỗi giá trị với nông dân, còn nếu các hợp đồng đều “chừa cửa sau” để thoát hiểm cho doanh nghiệp thì rất khó cho nông dân. Phải có tổ dự báo thị trường Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng muốn hạn chế tình trạng giá cả sản phẩm chăn nuôi biến động thất thường, do người chăn nuôi chạy đua theo phong trào gây thừa cung hoặc khan hiếm khi người chăn nuôi đồng loạt tháo chạy, cần một tổ chức đủ mạnh để dự báo cũng như điều chỉnh nguồn cung. Chẳng hạn, tại một số nước có ngành chăn nuôi phát triển như Mỹ hay Canada, hiệp hội là nơi tiếp nhận báo cáo của hội viên về số lượng đàn vật nuôi và dự kiến ngày bán, cũng như tập hợp thông tin thị trường, khuyến cáo hội viên đầu tư mở rộng hay thu hẹp quy mô chăn nuôi cho cân bằng cung cầu. Ngoài ra, hiệp hội chăn nuôi cũng được trao quyền đánh giá và cấp chứng nhận cho trang trại sản xuất tốt, sản xuất an toàn và làm thương hiệu cho sản phẩm của hội viên... Chủ động thị trường mới tổ chức được sản xuất Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, khẳng định hiện nhiều tỉnh khác trồng được các giống cà chua truyền thống và bắp cải, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, sự xuất hiện thêm một sản lượng lớn các sản phẩm này từ vùng rau Đà Lạt khiến cung thừa, nông dân lãnh đủ. Theo ông Sơn, địa phương này cũng đã quy hoạch việc trồng trọt nhưng không hiệu quả do chưa nắm được đầu ra của nông sản, chưa định vị được thị trường. “Bắt nông dân sản xuất nông sản theo ý mình là nhiệm vụ bất khả thi nếu không đưa ra kế hoạch tiêu thụ cụ thể, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân”, ông Sơn nói. THANH TÚ - TRẦN MẠNH - MAI VINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận