Nhân dịp dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Lai Châu mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát mô hình kinh tế khép kín cho cây sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn.
Vùng trồng của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh (Thái Minh Farm) ở xã Sà Dề Phìn hiện đang trồng khoảng 2ha sâm. Dự kiến mở rộng lên 20ha trong tương lai, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao với nhà màng và đất tự trộn, giúp kiểm soát 99% các yếu tố dịch bệnh, côn trùng và độ ẩm...
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết vùng trồng sâm của Thái Minh Farm tạo ra công việc, thu nhập cho người dân xã Sà Dề Phìn.
Từ khi có cây sâm Lai Châu, bức tranh kinh tế của xã Sà Dề Phìn nói riêng, huyện Sìn Hồ nói chung có nhiều thay đổi hết sức rõ rệt. Bà con người Mông đi trồng sâm có kinh tế ổn định hơn.
Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng đánh giá cao mô hình kinh tế khép kín đối với cây sâm Lai Châu mà doanh nghiệp đã đầu tư và áp dụng.
Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện liên kết "4 nhà" (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông) nhằm đảm bảo lợi ích, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ông mong muốn tỉnh Lai Châu làm tốt việc quy hoạch, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, trong đó phân tích kỹ hàm lượng dược tính để chứng minh chất lượng, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, mẫu mã...
Huy động sự tham gia của ngân hàng, doanh nghiệp, hình thành mô hình hợp tác xã phù hợp. Tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và chuyển giao công nghệ để bà con nhân dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ tặng những cây sâm giống cho người dân xã Sà Dề Phìn.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu sau đó, Thủ tướng đã cho ý kiến về việc phát triển sâm Lai Châu trong chương trình phát triển sâm Việt Nam.
Theo quyết định của Thủ tướng ngày 1-6, phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ thực hiện phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Trong đó, diện tích phát triển sâm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 là 3.000ha.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã có thông báo chỉ đạo nhất trí chủ trương xây dựng nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời giao cho UBND tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết và dự thảo đề án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận