Nghị quyết này bắt nguồn từ đề xuất của Canada và Zambia về ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Đến nay, nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của 118 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Theo đó, các nước cần sớm thông qua các dự luật nhằm ngăn chặn và đồng thời chấm dứt tình trạng hôn nhân ép buộc đối với các bé gái.
Theo Liên Hợp Quốc, kết hôn sớm là mối đe dọa nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý và thể chất của các bé gái. Các em phải đối mặt với nguy cơ về mang thai ngoài ý muốn, tử vong sau khi sinh và những bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục do phát triển chưa đủ về thể chất.
Bà Christine Kalamwina, Phó Trưởng đại diện thường trực của Zambia tại Liên Hợp Quốc cho rằng, tình trạng kết hôn sớm ở trẻ còn cản trở nhiều công tác xã hội như giảm đói nghèo, phát triển giáo dục, cân bằng giới tính, cũng như tăng cường quyền lực cho nữ giới hay giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, tăng cường sức khỏe bà mẹ và cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS cũng như một số bệnh dịch khác.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có khoảng 15 triệu bé gái trên thế giới phải kết hôn sớm. Hơn 700 triệu phụ nữ đã thành hôn trước 18 tuổi, trong đó nhiều người phải sống trong cảnh đói nghèo và thiếu an ninh.
Tình trạng tảo hôn tập trung chủ yếu tại các nước ở khu vực Nam Á và nam sa mạc Sahara ở châu Phi. Tại Niger, quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, 77% trong số nữ giới từ 20 đến 49 tuổi đã có gia đình trước 18 tuổi.
Trong khi đó, Bangladesh ghi nhận tỷ lệ các bé gái kết hôn trước 15 tuổi cao nhất và Ấn Độ chiếm tới 25% trong số "các cô dâu nhí" trên thế giới.
Dự kiến, nghị quyết này sẽ được đưa ra thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 12 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận