So với môn võ taekwondo nổi tiếng của Hàn Quốc, ssireum còn quá mới mẻ với người Việt. Hiệp hội Ssireum Hàn Quốc (KSA) mang đến Liên hoan Võ thuật TP.HCM 2023 13 võ sinh để biểu diễn ở một số trường đại học và trình diễn trước khán giả TP.HCM, nhằm quảng bá môn vật cổ truyền Hàn Quốc.
Ssireum lạ mà quen
Môn vật cổ truyền ssireum được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2018. Sự kiện này mở ra cơ hội lớn để KSA đưa hình ảnh vật cổ truyền ra thế giới thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, liên hoan võ thuật.
Để chơi ssireum, hai người chơi cần đeo một đai bằng vải quấn quanh eo và một bên đùi. Hai người chơi khuỵu gối xuống và siết tay vào đai của đối phương trước khi trọng tài cho trận đấu bắt đầu. Khi đứng lên, ai là người vật được đối thủ ngã xuống là thắng. Và thắng 2 lần là giành chiến thắng.
Thời xưa, người chiến thắng sẽ được thưởng một con bò, tượng trưng cho mong ước trù phú của người làm nông.
Ssireum được xem là môn thể thao dễ chơi, ít gây chấn thương và dành cho mọi đối tượng. Nhìn bề ngoài, ssireum không khác mấy so với vật cổ truyền Việt Nam.
Nếu diễn ra trên một sân cát, ssireum giống môn sumo của Nhật Bản. Tuy nhiên, sumo chủ yếu dùng đòn đẩy, còn ssireum sử dụng nhiều kỹ thuật từ bộ phận cơ thể hơn.
Ông Sul Chang Heon - phó chủ tịch KSA - lý giải: "Ssireum sử dụng nhiều kỹ thuật từ cánh tay, chân và eo liên kết với nhau để tạo nên đòn thế. Vì vậy nó khác các môn vật của các quốc gia khác".
Để ssireum được nhiều người biết
Bên cạnh Liên hoan Võ thuật TP.HCM 2023, KSA còn làm việc với ba trường đại học ở TP.HCM là Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Đại học Quốc tế TP.HCM và Đại học TDTT TP.HCM. Đông đảo sinh viên UEF tỏ ra thích thú khi xem 13 võ sinh Hàn Quốc trình diễn đấu vật giữa sân trường vào chiều 13-12.
Bạn Lê Thảo Nguyên, đang công tác ở Đại học UEF, cảm nhận: "Tôi tò mò và thấy các võ sinh ssireum có sức mạnh thể chất và tạo ra các đòn thế ấn tượng khi nhấc bổng đối phương hay quật ngã ra đằng sau".
Hiện nay trên thế giới, môn vật ssireum đã du nhập vào hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là khu vực châu Âu. Có được sự phát triển này, KSA thường xuyên tổ chức, tham gia các lễ hội võ thuật hằng năm nhằm để đẩy mạnh hình ảnh môn ssrieum.
Ông Sul Chang Heon cho biết: "Việt Nam là môi trường tốt để giới thiệu ssireum đến các bạn trẻ, nhất là sinh viên. KSA hy vọng có nhiều người biết đến vật cổ truyền Hàn Quốc.
Khó khăn lớn là Hàn Quốc có nhiều môn võ nổi tiếng. Để giới thiệu và phát triển ssireum cần sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc để đưa ssireum vào các giải đấu chính thức trong nước và trong khu vực".
Ký kết hợp tác
Hôm 12-12, ông Nguyễn Nam Nhân - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và ông Chung Wha Tae - chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới (WoMAU) đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác, phát triển và giao lưu võ thuật. KSA sau đó cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Đại học UEF và làm việc cùng Đại học TDTT TP.HCM.
Liên hoan Võ thuật TP.HCM 2023 là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng Tuần lễ giao lưu văn hóa - võ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 12 đến 17-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận