Đêm cuối ở Busan, người bạn Hàn Quốc dẫn tôi đến nơi mà cô ấy gọi là "nhà" của mình. Khi ấy đã gần 11 giờ đêm, trời thu nên đêm lạnh se se. Chúng tôi đi tắt qua những hàng cây thông được trồng san sát trên vỉa hè.
Cô bạn dừng lại khi chúng tôi đến trước một tòa nhà cũ kỹ, cửa nẻo niêm phong, im lìm nằm cạnh bến cảng. Bạn tôi đứng im nhìn một lúc rồi nói: “Đây, nhà của mình đây, thư viện điện ảnh!”.
Phóng to |
Từ năm 2011 trở đi, những hoạt động chiếu phim và sự kiện chính thức (khai mạc và bế mạc) của LHP Busan được tổ chức tại tòa nhà Busan Cinema Center. Trong ảnh: khu vực sân ở mặt tiền của Busan Cinema Center - Ảnh: Trương Minh Quý |
Từ năm 2011 trở đi, những hoạt động chiếu phim và sự kiện chính thức (khai mạc và bế mạc) của LHP Busan được tổ chức tại tòa nhà Busan Cinema Center. Trong ảnh: khán đài dành cho chiếu phim ngoài trời, cũng như lễ khai mạc và bế mạc.- Ảnh: Trương Minh Quý |
Phóng to |
Ngày thứ 8, Busan hứng chịu cơn bão nên mọi sự kiện ở bãi biển đều bị hủy bỏ và đổi địa điểm. Trong ảnh: khu vực BIFF Village (Làng LHP Busan) ở bãi biển Heaundae - Ảnh: Trương Minh Quý |
“Nhà” của bạn tôi giờ đã bị đóng cửa, chờ ngày xe ủi đến san bằng. Chính quyền thành phố Busan đã bán khu đất này. Người ta sẽ mở rộng bến cảng hiện tại đến tận đây.
Trước đây, bạn tôi hay lui đến đây xem phim và kết bạn. Thư viện có một bancông trên tầng rộng rãi nhìn thẳng ra biển, nơi sau những giờ xem phim, cô và bạn bè có thể ra đứng ngắm cảnh, tán dóc và miên man tưởng tượng.
Đêm ấy cũng là đêm cuối của LHP Busan lần thứ 18. Bầu không khí ở LHP Busan thực ra giống một hội chợ thân thiện hơn là một sự kiện trang trọng. Những chương trình được tổ chức ngoài trời, ở bãi biển, với khán giả tham dự hầu như toàn là thanh niên trẻ trung.
Ngay cả đêm bế mạc (hoàn toàn khác với LHP Venice hay Cannes) cũng được tổ chức ngoài trời, khán giả có thể mua vé tham dự cùng với người làm phim, sau phần trao giải là chiếu phim bế mạc (xem phim cùng với hàng ngàn con người trong tiết trời đêm mùa thu thực sự là một cảm giác rất lạ!).
Hạng mục tranh giải chính của LHP Busan là “New Currents”, tuyển chọn những phim đầu tay hoặc thứ hai của các đạo diễn Hàn Quốc và châu Á. Năm nay có 12 phim dự thi trong hạng mục này. Thực ra, theo cá nhân tôi, những phim này không phải phim nào cũng hay (theo nghĩa sự thỏa mãn như khi xem tác phẩm của một đạo diễn lớn nào đó), đôi khi có phim còn gây thất vọng não nề.
Nhưng chính những sự vụng về mà thi vị, thử nghiệm mà thành thực này lại chính là nét đặc trưng làm nên sự khác biệt của Busan so với Cannes hay Venice, nơi đa số tác phẩm đã được đóng khung với tên tuổi của người làm phim.
Một trong những "trái ngọt" thành tựu nhất của LHP Busan có lẽ chính là đạo diễn Trung Quốc Giả Chưởng Kha. Năm 1998, tại LHP Busan lần thứ 3, Giả Chưởng Kha được trao giải “New Currents” cho phim truyện thứ hai Pickpocket (Móc túi).
Và từ sự khởi đầu này tại LHP Busan, Giả Chưởng Kha dần dần đã định hình tên tuổi của mình, đặc biệt sau giải thưởng Sư tử vàng cho phim Still Life (tựa tiếng Việt: Người tốt ở Tam Hiệp) tại LHP Venice 2006. Giờ đây, dường như khi nhắc đến điện ảnh đương đại Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến cái tên Giả Chưởng Kha.
LHP Busan luôn theo dõi những nhà làm phim có mối quan hệ với mình và luôn tìm cách tạo cơ hội để gắn chặt mối quan hệ này.
Năm 2012, Giả Chưởng Kha đến Busan với vai trò chủ nhiệm khóa học của Asian Film Academy (AFA, Học viện Phim châu Á - một trong những chương trình chính của LHP).
Năm nay ông quay trở lại Busan để chiếu tác phẩm mới nhất A Touch of Sin (tựa tiếng Việt: Thiên trụ định), sau khi phim đã đoạt giải kịch bản hay nhất tại Cannes.
Tầm quan trọng của LHP Busan là ở chỗ nó mở rộng đón nhận tất cả những người làm phim trẻ châu Á chưa có tên tuổi, tạo một cú hích cho họ và luôn để mắt đến quá trình phát triển của họ sau đó.
Đây là lần thứ hai tôi đến LHP Busan, và lần nào cũng vậy, giây phút rời khỏi lễ bế mạc, bước đi trên đại lộ thoáng đãng, nhìn những tấm ápphích quảng cáo phim lất phất trong gió, những tấm ảnh chân dung của nhà làm phim thì cái cảm giác xao xuyến lại nhẹ nhàng len nhẹ trong người.
Tôi thấy như thể mình là nhân vật cô gái thọt chân trong Goodbye Dragon Inn của Thái Minh Lượng (Tsai Minh Liang): ở cảnh cuối phim, cô gái bước đi khập khiễng trong mưa, bỏ lại sau lưng rạp chiếu bóng cũ nát chờ ngày đóng cửa.
Và tôi chợt hiểu cảm giác của cô bạn Hàn Quốc khi đứng trước “nhà” của cô - thư viện điện ảnh đang chờ ngày bị kéo đổ.
Mời xem thêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận