22/11/2013 06:05 GMT+7

Liên hoan múa đương đại quốc tế: Tiệc có bốn món lạ!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Ấn tượng từ ngay tiết mục mở màn bất ngờ của những vũ công Arabesque, đại diện nước chủ nhà, Liên hoan múa đương đại quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vừa có đêm trình diễn đầy cảm xúc vào tối 20-11 tại Nhà hát TP.HCM.

duQKLBOZ.jpgPhóng to
Hai nghệ sĩ người Ý Claudio Malangone (phải) và Vincenzo Capasso đã mang đến những trải nghiệm khác lạ cho khán giả Việt - Ảnh: T.T.D.

Nước mắt đã đọng trên mi Kaiji Moriyama - biên đạo múa kiêm vũ công người Nhật - khi anh bước xuống sân khấu diễn phân đoạn cuối cùng của tiết mục Áo choàng tiên nữ...

Ít ai biết cách đây tròn 14 năm, khi biên đạo múa Nguyễn Tấn Lộc vừa chân ướt chân ráo sang Nhật học tập, Kaiji Moriyama là một người bạn nhưng đồng thời cũng là người thầy giúp anh đặt những viên gạch đầu tiên về múa đương đại...

Khi Tấn Lộc về nước, dù không còn gặp gỡ thường xuyên nhưng tình cảm đặc biệt giữa hai thầy trò vẫn được duy trì nồng ấm bằng những bức thư, những lời động viên, thăm hỏi. Cho đến ngày liên hoan múa đương đại quốc tế lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, Kaiji đã có một “lý do” chính đáng để gặp lại người học trò cũ - nay đã là một trong những biên đạo múa xuất sắc nhất của Việt Nam.

hmYJuGRy.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Kaiji Moriyama với gương mặt đầy biểu cảm trong tiết mục Áo choàng tiên nữ mang lại ấn tượng sâu sắc cho người xem - Ảnh: T.T.D.

Trong đêm diễn đầu tiên tối 20-11, khán giả đã phần nào hiểu được định nghĩa “một lưỡi kiếm, xé toạc không gian một cách êm ái, vượt qua mọi biên giới, qua các thế hệ” về Kaiji được in trong tờ bướm của chương trình.

Áo choàng tiên nữ mà anh thể hiện được lấy tích từ một câu chuyện của Nhật nhưng thật ra rất gần gũi với người Việt nếu ai đó còn nhớ câu chuyện về một nàng tiên để quên chiếc áo trên cành và không thể trở lại bầu trời...

Cùng một lúc sắm hai vai nam và nữ, Kaiji lúc uyển chuyển, mềm mại, lúc rắn rỏi cương nghị trong làn lụa mỏng manh... Dưới ánh đèn sân khấu khi tỏ khi mờ, người xem bàng hoàng nhận ra: hóa ra xương và da chỉ còn là tấm áo mặc ngoài bao bọc lấy một tâm hồn nhảy múa đang hừng hực bên trong.

Và cũng là tâm hồn ấy, nhưng trong một chiếc áo khác, Claudio Malangone và Vincenzo Capasso đến từ Ý, Kim Sung Yong, Park Eun Young và Lee Jun Wook đến từ Hàn Quốc đã lần lượt “bày biện” một bữa tiệc bốn món lạ miệng, đượm sắc và trên cả là đưa người xem đi hết từ ngạc nhiên này đến thú vị kia.

Có những lúc không gian khán phòng chùng xuống, âm thanh đã tắt lịm, video cũng ngừng chạy trên màn hình, chỉ còn nghe tiếng lấy hơi dồn dập của hai nghệ sĩ Ý trong Branstorming-Studio n.2 với những động tác kỹ thuật dẻo dai, điêu luyện. 30 phút của Branstorming-Studio n.2 trôi qua không dễ dàng nhưng lại khiến người ta nhớ nhất khi đã ra về...

Đêm diễn thứ hai của chương trình vào tối 21-11 lại là dịp để bạn bè quốc tế có thể tìm hiểu thêm về một trong những hình thức múa đương đại Việt qua một trong những vở múa thành công nhất của Arabesque - Sương sớm, cũng là cơ hội cho khán giả Việt chưa có dịp thưởng thức vở này.

NSƯT Thành Lộc: cảm xúc mới là chìa khóa

Dù là lần biểu diễn đầu tiên nhưng với tôi đây là một đêm diễn trọn vẹn. Tôi thích, rất thích! Thích nhất là tiết mục biểu diễn của hai nghệ sĩ người Ý mở đầu chương trình vì nó không chỉ điêu luyện đến kinh ngạc về kỹ thuật mà còn mang đến cảm xúc sâu đậm cho tôi. Cái quan trọng của chương trình không phải là cố gắng làm cho khán giả hiểu họ đang diễn cái gì, mà quan trọng là khán giả đã cảm nhận được gì từ những tiết mục đó. Đó mới chính là chìa khóa mở cánh cửa đương đại.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp