24/08/2013 11:16 GMT+7

Liên hoan cho "ngày sau"

kimnhung-audio
kimnhung-audio

TT - Liên hoan Giai điệu mùa thu (GÐMT) 2013 đã có buổi hòa nhạc cuối cùng vào tối 22-8 tại Nhà hát TP.HCM, khép lại chuỗi bảy đêm diễn với nhiều tiết mục đặc sắc.

V4z2u09v.jpgPhóng to
GĐMT 2013 đã hạ màn với đêm hòa nhạc giao hưởng đỉnh cao qua phần trình diễn của dàn nhạc HBSO cùng nghệ sĩ piano Hinrich Alpers, phần chỉ huy của nhạc trưởng Christian Schumann - Ảnh: HBSO

Khác với mọi năm, GÐMT năm nay được nâng tầm lên thành một liên hoan nghệ thuật với sự tham gia của nhiều tài năng nổi bật trong và ngoài nước ở các lĩnh vực giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch. Chính vì thế, chương trình đã có một lịch diễn phong phú, đa dạng với hàng loạt màn trình diễn độc đáo, mang đến cho những ai yêu mến nghệ thuật hàn lâm nhiều xúc cảm đẹp.

Đa dạng và rất... "đã"

Là một chương trình được đông đảo khán giả tin yêu nhiều năm liền và là một trong những sự kiện văn hóa nghệ thuật chất lượng cao hiếm hoi của TP.HCM, việc GÐMT được nâng cấp thành một liên hoan với bảy đêm diễn liên tục (dài nhất trong tám lần tổ chức) làm nhiều khán giả rất phấn khởi vì "món ăn tinh thần" này ngày càng được quan tâm đúng mực hơn.

Một khán giả trung thành suốt tám mùa qua của GÐMT, bác Trần Khắc Hùng - cựu giáo viên ở Hà Nội - cho biết: "Tôi thấy rất mừng vì chương trình năm nay được tổ chức quy mô hơn hẳn và rất đa dạng về thể loại, nội dung. Chưa năm nào tôi cảm thấy "đã" như thế khi coi GÐMT".

Thật vậy, ngay từ đêm đầu tiên, GÐMT 2013 đã cuốn hút với những màn trình diễn đầy sáng tạo. Ðể lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả là hợp xướng tổ khúc dân ca Dòng chảy của tác giả Trần Mạnh Hùng.

Tuyệt phẩm này được biên soạn từ 21 bài dân ca nổi tiếng của VN và được phối lại trên nền nhạc giao hưởng, làm nên sự kết hợp Ðông - Tây vừa thân thuộc vừa mới lạ cho người xem. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng tiết lộ rằng tổ khúc dân ca này là sự mở đầu để biến tác phẩm này chính thức trở thành một vở kịch hát trong tương lai.

Vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ trong đêm 18-8 do hai nghệ sĩ trẻ Nguyễn Phúc Hải - Nguyễn Phúc Hùng sáng tác và dàn dựng cũng là một tác phẩm được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Hai biên đạo múa đã tận dụng rất tốt hiệu ứng ánh sáng sân khấu, kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và vũ đạo nên đã rất thành công trong việc tạo ra không gian huyền ảo, gợi lên cho người xem nhiều suy nghĩ về cuộc đời và phận người.

Những đổi thay mới mẻ của GÐMT năm nay cũng đã giúp tiếp thêm nhiệt huyết cho những nghệ sĩ trẻ Việt. Diễn viên múa Ðàm Ðức Nhuận, chàng hoàng tử trong vở vũ kịch Cô bé lọ lem, chia sẻ: "Vì liên hoan năm nay "dài hơi" hơn nên anh em nghệ sĩ chúng tôi có dịp trình diễn trọn vẹn cả một vở vũ kịch chứ không còn là những trích đoạn ngắn như mọi năm. Với cá nhân tôi, đây là một khích lệ rất lớn để cống hiến cho khán giả hết thảy những gì mình có".

Không chỉ có những tác phẩm "đóng mác" VN đem đến cho nghệ sĩ và người xem những cảm xúc thăng hoa tại GÐMT 2013, mà những màn trình diễn mang "yếu tố nước ngoài" cũng góp phần không nhỏ làm liên hoan trở nên hấp dẫn hơn.

Trong đó, phải kể đến phần hòa nhạc của các tài năng trẻ đến từ Quỹ Spivakov (Nga) trong đêm 19-8, độc tấu piano của Hinrich Alpers đêm 21-8 và buổi hòa nhạc do nhạc trưởng trẻ người Ðức Christian Schumann chỉ huy đêm 22-8...

Chắt chiu cho ngày sau

Như mọi năm, lượng khán giả đến với GÐMT mỗi đêm vẫn còn khiêm tốn. Ngoại trừ hai đêm diễn mở màn và kết thúc là khán giả ngồi gần hết khán phòng thì các đêm diễn còn lại chỉ được một nửa hoặc 2/3 khán giả.

Nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ thất vọng, buồn bã hay nản lòng. Ngược lại họ còn nỗ lực và kiên nhẫn hơn trong việc mang những "tinh hoa của nhân loại" này đến công chúng.

Nhạc trưởng Christian Schumann chia sẻ: "Không chỉ ở VN mà ngay cả ở châu Âu - cái nôi của nghệ thuật hàn lâm và nhạc cổ điển, chúng tôi vẫn phải đối diện với thách thức làm sao để mọi người hiểu và yêu mến nhạc cổ điển, làm sao để mọi người thấy rằng nhạc cổ điển vẫn rất thời sự, thiết thực và hữu ích".

Ðó cũng là lý do vì sao Christian hay Hinrich Alpers - nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Ðức tham gia GÐMT 2013 - không quản ngại thời gian, công sức để đến với những chương trình như GÐMT.

Hinrich thổ lộ: "Là một nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ cổ điển, chúng tôi phải có mặt mọi lúc mọi nơi, đúng lúc để hỗ trợ các tài năng âm nhạc cổ điển và thường xuyên nhằm xây dựng một tình yêu nghệ thuật thật sự cho công chúng".

Ngay cả chị em nghệ sĩ dương cầm Diệu Ân (17 tuổi) và Diệu Linh (12 tuổi) - đang học tại Nga - cũng đã sớm có ý thức "gieo mầm" cho mai sau thông qua những chuyến lưu diễn khắp nơi trên thế giới "chỉ mong có được năm bạn sẽ bắt đầu thích nhạc cổ điển sau khi nghe xong".

Ðêm Giai điệu trẻ (diễn ra tối 25-8) miễn phí cho học sinh - sinh viên với các phần trình diễn và diễn giải cho các bạn trẻ đến với chương trình cũng nhằm mục đích "chắt chiu" cho ngày sau. Bởi như nhạc trưởng Trần Nhật Minh: "Phải hiểu thì mới yêu. Nếu không thì khán giả chỉ có thể rung động cao lắm là năm phút đầu thôi!".

Thậm chí nghệ sĩ violon Bùi Công Duy còn đang dấn thân vào một con đường gian khó và nhọc nhằn hơn khi nhận đào tạo cho những em mới 4 hay 5 tuổi với một giáo trình riêng mà theo anh là phải "vừa học vừa chơi cho ngấm dần và yêu thích nhạc cổ điển từ nhỏ".

Không chỉ tạo nên một không gian biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao, cơ hội "trưng trổ" cho những tài năng hàn lâm, GÐMT đang hướng đến một nhiệm vụ gian khó hơn: tạo nên một lớp khán giả biết yêu mến và thưởng thức những "đỉnh cao".

QUỲNH NGUYỄN - HOÀNG KHÁNH

Quảng bá đến khách nước ngoài

Rút kinh nghiệm từ các mùa trước, khâu tổ chức và quảng bá cho GĐMT 2013 được thực hiện rất bài bản. Ngoài việc giới thiệu chương trình đến công chúng thông qua các phương tiện truyền thông, ban tổ chức cũng lưu ý quảng bá chương trình đến khách nước ngoài đang sinh sống, làm việc và du lịch tại TP.HCM thông qua các ấn phẩm, tạp chí tiếng Anh, tờ giới thiệu đặt tại các khách sạn lớn trong TP. Nỗ lực trong việc phân phối và phát hành vé nên học sinh - sinh viên vẫn là đối tượng được ưu tiên giảm giá đến 50%. Những khán giả đến với các buổi tọa đàm để tìm hiểu thêm về nghệ thuật hàn lâm, nhạc cổ điển cũng được tặng vé xem chương trình... Các lớp nâng cao (master class) và tọa đàm cũng nhằm để tìm kiếm thêm khán giả cho nghệ thuật hàn lâm nói chung và GĐMT nói riêng.

Ban tổ chức cũng đẩy mạnh phần kiểm soát những hành vi kém văn minh trong các buổi diễn như quên tắt điện thoại hay quên để sang chế độ rung, nói chuyện lớn tiếng, chụp hình, quay phim làm ảnh hưởng đến cảm xúc âm nhạc của cả nghệ sĩ và người thưởng thức...

kimnhung-audio
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp