Phóng to |
Vở diễn tham gia liên hoan lần này của Đại học Sains (Malaysia) - Ảnh: Mỹ Phát |
Liên hoan quy tụ gần 120 đại biểu sinh viên đến từ 15 trường đào tạo sân khấu nổi tiếng ở các nước và vùng lãnh thổ như Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Úc, Trường Sân khấu Đại học Wollongong (Úc), Học viện Sân khấu Thượng Hải, Học viện Sân khấu quốc gia Trung Quốc, Viện Nghệ thuật Yogyakarta (Indonesia), Đại học Sân khấu Hoseo (Hàn Quốc), Trường Sân khấu Đại học Quốc gia Hàn Quốc, Trường Sân khấu Đại học Sains (Malaysia), Trường Sân khấu Đại học Quốc gia Mông Cổ, Trường Sân khấu Lasalle (Singapore), Trường Nghệ thuật quốc gia Taipei (Đài Loan), Trường Nghệ thuật Chulalongkom (Thái Lan), Trường Sân khấu Ateneo (Philippines) và Trung tâm Sân khấu IPAG (Philippines). Phía đại diện VN sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ từ các sân khấu công lập và xã hội hóa, các giảng viên, sinh viên từ các trường nghệ thuật ở TP.HCM.
Dự kiến tác phẩm Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh sẽ được dàn dựng thành hai phiên bản cải lương và kịch thể nghiệm trong lễ khai mạc liên hoan. Còn lễ bế mạc sẽ có phần biểu diễn phối hợp của sinh viên các trường sân khấu quốc tế với chủ đề Thế giới hiện đại - bản sắc - hội nhập - hạnh phúc và hòa bình.
Theo đạo diễn Lê Quý Dương - tổng đạo diễn của liên hoan lần này, ước mơ của anh và nhiều người trong giới sân khấu Việt về một dịp gặp gỡ và giao lưu từ những nền sân khấu khác nhau trong khu vực đang trở thành hiện thực. Với các vở diễn và những buổi hội thảo chuyên ngành về các kỹ năng diễn xuất, hình thể, tiếng nói, biên kịch, đạo diễn được tổ chức liên tục trong những ngày diễn ra festival, đây thật sự sẽ là cơ hội quý giá để những người làm sân khấu châu Á chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn, cách dạy và học cũng như biểu diễn trên sân khấu.
Đặc biệt nhân dịp này, ông Tobias Biancone - chủ tịch Học viện Sân khấu thế giới trực thuộc Unesco - đã nhận lời mời của ban tổ chức đến TP.HCM tham dự lễ khai mạc và các buổi tọa đàm để giới thiệu hoạt động của Học viện Sân khấu thế giới. Ông Tobias thẳng thắn cho rằng nền tảng của những sáng tạo xuất sắc trên sân khấu chỉ có thể tìm thấy ở một nền giáo dục sân khấu toàn diện, bao gồm lý thuyết, thực hành và cả việc quan sát khán giả. Ông cũng đặt ra vấn đề là làm thế nào để gia tăng sự quan tâm của khán giả và tránh những vở diễn chỉ gây hứng thú với một bộ phận nhỏ những khán giả ưu tú được lựa chọn. Cũng như làm thế nào để một nghệ sĩ sân khấu có đủ trình độ giữ vững bản sắc riêng của mình trong khi vẫn hòa nhập với những dòng chảy nghệ thuật thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận