19/05/2008 22:05 GMT+7

Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần I: Những tưởng sẽ nức lòng...

NGUYỆT CA
NGUYỆT CA

TT - Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 1 (13 đến 17-5-2008 tại rạp xiếc trung ương, Hà Nội) được Liên chi hội Xiếc VN đứng ra tổ chức. Đây là dịp để các nghệ sĩ ảo thuật lên tiếng bởi vì xưa nay tại VN, dù ảo thuật đã tồn tại và phát triển độc lập lâu đời, vẫn chỉ được xem như một nhánh trong bộ môn xiếc.

vTz5Po6Y.jpgPhóng to
Tiết mục của nghệ sĩ Trần Định, CLB Xiếc - ảo thuật TP.HCM, đoạt huy chương bạc - Ảnh: Vũ Dũng
TT - Liên hoan ảo thuật toàn quốc lần 1 (13 đến 17-5-2008 tại rạp xiếc trung ương, Hà Nội) được Liên chi hội Xiếc VN đứng ra tổ chức. Đây là dịp để các nghệ sĩ ảo thuật lên tiếng bởi vì xưa nay tại VN, dù ảo thuật đã tồn tại và phát triển độc lập lâu đời, vẫn chỉ được xem như một nhánh trong bộ môn xiếc.

Ảo thuật đang ngày càng thu hẹp đất sống. Số nghệ sĩ sống bằng nghề ảo thuật chỉ khoảng vài chục trên cả nước, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Họ tồn tại lay lắt giữa một rừng ngôi sao ca nhạc, giải trí, những tiết mục ảo thuật thường bị xếp xen kẽ, lót cho những tiết mục giải trí thời thượng. Và những gì diễn ra tại liên hoan ảo thuật đã cho thấy diện mạo đáng buồn của nền ảo thuật VN.

Nghèo nàn tiết mục mới

Nhiều tiết mục dự thi trùng lặp. Trò làm xuất hiện chim bồ câu: 12/18 tiết mục; trò về khăn: 11/18; hoa và chậu hoa: 12/18; trò giấu người, đổi người, đâm kiếm xuyên thu 12/18 tiết mục. Không ít nghệ sĩ mới vào nghề, thao tác còn lúng túng, làm lộ đạo cụ.

Cố gắng đưa hơi thở hiện đại vào ảo thuật, có những nghệ sĩ đã chịu khó thể nghiệm, đưa những trò ảo thuật vào một cốt truyện cụ thể với những sáng tạo, chăm chút về sân khấu, đạo cụ, âm nhạc, vũ đạo đồng thời gửi gắm những thông điệp tốt đẹp cho xã hội như Ký ức tình yêu (Lê Hữu Bình - Đoàn Nghệ thuật bộ đội biên phòng), câu chuyện phòng chống tệ nạn xã hội (Diệp Bảo Hiệp, Phan Ngọc Thanh - CLB Xiếc ảo thuật Bạch Long, TP Nha Trang) hay chủ đề phòng chống mê tín dị đoan với vở Cô gái ma lai (Nguyễn Tấn Lộc - Đoàn xiếc Đại Dương, Tiền Giang). Nhưng một số sự sáng tạo đã không đem lại hiệu quả tốt, bởi "ảo thuật cũng chưa xong mà kể chuyện thì chưa tới".

Không khí sau cánh gà không hồ hởi như dự kiến ban đầu của ban tổ chức. Nhiều nghệ sĩ không nằm trong danh sách trao giải bày tỏ sự buồn phiền khi đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của tham dự liên hoan, nhưng khi trở về không có hoa hay giấy chứng nhận dù chỉ là chứng nhận tham dự liên hoan.

Chung qui cũng tại... thiếu tiền

EfHydKdc.jpgPhóng to
Ảo thuật Ngọc Tâm
Có vẻ như cả phía ban tổ chức lẫn nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều thiếu kinh phí dẫn đến những lúng túng, bị động.

Với tâm lý tham dự lần đầu tiên "thi một lần để đời", đa số các đơn vị tham dự Liên hoan ảo thuật toàn quốc đều cố gắng dựng tiết mục hoành tráng, đạo cụ cồng kềnh, tốn kém. Nghệ sĩ Bảo Linh, một trong số hiếm hoi những người đưa ảo thuật ra đất Bắc, tâm sự: có những nghệ sĩ đã bán xe máy để sắm đạo cụ, bởi vì để có một tiết mục giấu người, đổi người hay đâm kiếm xuyên thùng, bét nhất cũng phải chi 20-40 triệu đồng cho dù chỉ dùng một lần duy nhất trong liên hoan rồi xếp xó.

Nhà tổ chức thiếu kinh phí dựng sân khấu đã phải tận dụng sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc VN làm nơi biểu diễn ảo thuật, trong khi môi trường chuẩn mực của ảo thuật là sân khấu vuông (ba mặt kín, một mặt hở). Sự thiếu thốn này gây nhiều tình huống dở khóc dở cười cho nghệ sĩ. Không có bảo vệ ngăn cản, khán giả tự do đi lại ra sau lưng nghệ sĩ, nhìn thấy cảnh diễn viên bò lồm cồm trong thùng đạo cụ ở trò đổi người!

Chuyện bán vé có thể lý giải vì sao giải thưởng cho các nghệ sĩ quá thấp. NSND Tâm Chính, chủ tịch Liên chi hội Xiếc VN, cho biết tiền phần thưởng, huy chương cho 18 đơn vị tùy thuộc vào tiền bán vé, nhưng vé bán được rất ít. Kể cả lượng vé mời phát ra chừng 500 trên tổng số 1.000 chỗ, trừ ngày khai mạc và bế mạc của liên hoan, 1.000 chỗ ngồi của rạp xiếc Trung ương chưa khi nào đầy được quá 1/3, đó là chưa kể tình trạng khán giả bỏ về giữa chừng. Phòng bán vé của rạp xiếc cho biết ngày đầu tiên bán được... hai vé, ngày thứ hai bán được... năm vé. Giá vé khá cao (100.000-120.000đ/vé) so với mức vé thường ngày của rạp xiếc trung ương (30.000-60.000đ/vé) cũng tạo tâm lý e ngại đối với khán giả.

Ban tổ chức cho biết lần liên hoan kế tiếp dự định vào năm 2010. Đến lúc ấy, liệu có tín hiệu gì vui cho các nghệ sĩ ảo thuật?

Giá trị huy chương quá thấp

Vào ngày cuối cùng của liên hoan, giá trị huy chương quá ít ỏi khiến nhiều nghệ sĩ thở dài. Huy chương vàng không được trao. Giải cao nhất - huy chương bạc trị giá vỏn vẹn 2 triệu đồng thuộc về nghệ sĩ Trần Định (CLB Xiếc ảo thuật TP.HCM), Ngọc Tâm (CLB Xiếc ảo thuật TP.HCM) và Trần Ngọc Taylor (Đoàn ca múa Bình Thuận). Huy chương đồng trị giá... 1 triệu đồng được trao cho nghệ sĩ Huỳnh Văn Nghiêm (CLB Xiếc - ảo thuật Cung văn hóa Lao động TP.HCM), Tuấn Phương (nghệ sĩ tự do, Hà Nội), Lê Hữu Bình (Đoàn nghệ thuật Bộ đội biên phòng), Minh Tuấn (Đoàn nghệ thuật tỉnh Quảng Trị). Bốn giải khuyến khích đồng hạng cũng chỉ... 700.000đ/giải.

NGUYỆT CA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp